Thừa Thiên Huế:
Tái hiện lại Lễ cưới của người dân tộc Pa Cô - Huế
(Dân trí) - Sáng 18/5, tại làng A Nôr, xã Hồng Kim, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, một đám cưới của người dân tộc Pa Cô vừa được tái hiện với những nghi thức mang đậm phong tục tập quán của đồng bào.
Hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số các tỉnh vùng biên giới Việt - Lào, khu vực miền Trung, Tây Nguyên năm 2019 do Bộ VH,TT&DL phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức.
Đối với đồng bào dân tộc Pa Cô (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế), lễ cưới được xem là nghi lễ quan trọng nhất và rất được coi trọng bởi họ quan niệm rằng “đời người chỉ có một lần”.
Theo phong tục tập quán của người Pa Cô, con trai, con gái đến tuổi dựng vợ, gả chồng; gia đình chuẩn bị các lễ vật tổ chức lễ cưới linh đình. Đối với con trai, lễ vật là tiền, vàng, bạc, bò, heo... Con gái là tấm zèng, gạo, đặc sản các loại gà, vịt, cá.... Số lượng lễ vật tùy theo điều kiện của mỗi gia đình.
Theo truyền thống để lại của người Pa Cô, con trai hay con gái sau một thời gian tìm hiểu yêu đương và quyết định tiến tới hôn nhân phải có trách nhiệm làm lễ báo cáo cho hai bên gia đình. Tiếp đó sẽ là nghi lễ báo cáo cho bố, mẹ và đám hỏi. Đây là lễ tính quyết định để đôi trẻ tiến tới hôn nhân, hai bên gia đình kết tình thông gia...
Nhà trai trao lễ vật cho cô dâu, lễ vật này giá trị lớn hơn lễ vật dạm ngõ, nhà gái nhận lời và báo cáo cho nhà trai biết để chuẩn bị các lễ vật bắt buộc liên quan đến phong tục tập quán, nhà trai nhận lời và hai bên gia đình ấn định thời gian cho lễ cưới chính thức. Sau khi mọi việc xong xuôi, nhà gái mới dọn mâm cỗ để tiếp đón nhà trai.
Cặp đôi cô dâu chú rể người Pa Cô
Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện A Lưới cho biết, người Pa Cô ngày nay không còn hủ tục thách cưới như ngày xưa, nhưng riêng lễ vật liên quan đến phong tục cưới thì nhà trai phải lo cho bằng được theo số lượng quy định.
Khoảng một năm sau khi thực hiện lễ cưới tại nhà trai và nhà gái, nhà trai lại tổ chức nghi lễ Pâr đâyh a mânh. 20 năm sau ngày cưới, đằng nhà trai lại thực hiện nghi lễ Pa nâyq plô (chấm dứt của hồi môn) cho nhà gái.
Ngoài hoạt động tái hiện Lễ cưới của người Pa Cô, tại Ngày hội lần này còn có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác như: Du lịch sinh thái, làng nghề, văn hóa ẩm thực, trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ của địa phương,… thu hút đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Heo rừng là sinh lễ thường xuất hiện trong các Lễ hội ở dân tộc thiểu số
2 gia đình tiến hành nghi thức lễ cưới trong sự chứng kiến của già làng, trưởng họ 2 bên gia đình
Những sính lễ của 2 gia đình
Đám cưới diễn ra trong không khí hân hoan của 2 gia đình
Thanh Cường – Đại Dương