''Oan hồn'' - Câu chuyện ma đậm chất Việt
Không sử dụng kỹ xảo, không máu me rùng rợn quá mức, "Oan hồn" tuy được dàn dựng bởi đạo diễn Việt kiều trẻ và thực hiện ngay tại Mỹ nhưng nó lại rất gần với dòng phim kinh dị châu Á.
Khi được hỏi vì sao một bộ phim hoàn toàn do các nhà làm phim Việt kiều trẻ đảm nhận, được thực hiện ở Mỹ, không hề "hợp tác" với hãng phim nào của Việt Nam lại muốn được chiếu ở trong nước, Nam trả lời giản dị: "Vì đây là bộ phim có câu chuyện Việt Nam, do người Việt Nam thực hiện. Và tất nhiên, chúng tôi cũng muốn thu hồi vốn và có lời".
Không kết cấu theo mạch chuyện xuyên suốt, liên tục kiểu "truyền thống", Oan hồn có 3 phần: Người khách trọ - Con một - Bà thầy, mỗi phần gần như một câu chuyện độc lập, nhưng vẫn có sự gắn kết với tổng thể vì nó thể hiện những khoảng thời gian và không gian sống khác nhau của nhân vật chính - nhà văn Lộc (Tuấn Cường đóng), đồng thời thể hiện sự biến chuyển của nhân vật này.
Lúc đầu, tâm hồn trong sáng và những rung động chân thành, sự quan tâm hết lòng đến người khác của anh đã giúp linh hồn của Hoa (Kathy Nguyễn) - cô gái bị chồng ngược đãi đến chết - vất vưởng trong ngôi nhà hoang được siêu thoát. Đến giai đoạn sống với Linh (Kathleen Lương), anh yêu cô nhưng sự quan tâm đến sự nghiệp riêng một cách hơi ích kỷ đã gián tiếp góp phần gây ra cái chết của vợ con. Giai đoạn thứ 3, anh trở thành một người sắc lạnh, cũng là lúc người ta phát hiện ra anh đã là người của cõi âm...
Hóa ra, Lộc cũng như những người trong cái thế giới "mờ mờ nhân ảnh" ấy lại tỉnh táo đến lạ thường: họ bình tĩnh dẫn dắt người sống lần ra căn nguyên cái chết của họ, lạnh lùng thực hiện những cuộc báo oán, và nhẹ nhàng dẫn người sống theo họ về thế giới bên kia. Chỉ có thế giới của người sống mới đầy những xao động, u mê, lầm lạc, nhưng rõ ràng, chết chưa phải đã hết.
Oan hồn mở đầu với hơi hướng "Liêu trai chí dị", song những con ma của bộ phim không phải là những con ma khao khát tận hưởng lạc thú trần thế, mà là những con ma không chịu nổi sự thờ ơ của người đời đối với sự sống và cả cái chết của chúng.
Tác giả kịch bản Nguyễn Hoàng Nam sang Mỹ từ năm 11 tuổi, đạo diễn Victor Vũ thì sinh ra ở Mỹ, và hầu như toàn bộ đoàn phim đều xa xứ khá lâu. Bởi vậy, thật ấn tượng khi họ đã làm toát ra được một không khí "Việt" từ bộ phim.
Bối cảnh - được dàn dựng ở ngay tại California - vẫn có gian bếp chật hẹp với xoong nồi ám khói, cái máy đánh chữ cũ kỹ, lối đi lát gạch, bụi mía sau hè... Trang phục diễn viên và lời thoại cũng được chăm chút kỹ lưỡng (duy có điều, vì được thể hiện bởi các diễn viên Việt kiều nên cách diễn tả tình cảm trong đối thoại và độc thoại vẫn còn hơi cứng).
Nguyễn Hoàng Nam kể, để có thể quay được cảnh ông thầy pháp cúng trừ ma, anh đã phải đi hỏi rất nhiều người, để rồi trong phim người xem thấy có khói nhang nghi ngút, con gà luộc vàng ươm, và sự "múa may" của ông thầy không hề bị biến thành trò cười.
Điều thú vị nữa ở bộ phim là các tình huống trong phim và thông điệp về nhân quả, định mệnh rất gần với các chuyện ma của người Việt, song lại thu hút sự chú ý không chỉ của cộng đồng người Việt mà cả khán giả nước ngoài, nhận được sự khen ngợi của báo chí Mỹ.
Đây có thể xem là thành công bước đầu của những nhà làm phim Việt kiều trẻ, vì như Nguyễn Hoàng Nam nói, khi bắt tay làm phim, ước vọng của họ là không chỉ làm để phục vụ cộng đồng người Việt mà họ còn muốn bộ phim có giá trị quốc tế.
Theo Phạm Thu Nga
Thanh Niên