NSND Vũ Ngoạn Hợp: "Nếu nhà hát nào lừa dối khán giả, sẽ bị tẩy chay ngay"
(Dân trí) - Tại buổi gặp gỡ thông tin về Diễn đàn quốc gia thường niên "Văn hóa với doanh nghiệp" lần thứ 4, NSND Vũ Ngoạn Hợp đã chia sẻ về việc các nghệ Xiếc tạo nên thương hiệu, bán được nhiều vé.
Chiều 8/7, Ban Tổ chức triển khai cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí cung cấp thông tin về Diễn đàn quốc gia thường niên Văn hóa với doanh nghiệp lần thứ 4 và chương trình xét, tôn vinh Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam năm 2024.
Thời gian tổ chức Diễn đàn dự kiến vào ngày 10/11, tại Hà Nội nhằm chào mừng ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (10/11).
Tại sự kiện, ông Hồ Anh Tuấn - Trưởng Ban Tổ chức triển khai cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam - cho biết, diễn đàn là hoạt động nhằm góp phần hiện thực hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Đây cũng là nơi các doanh nghiệp thảo luận, tranh biện, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau để phát huy tác động tích cực, giảm thiểu tác động tiêu cực của môi trường đa văn hóa đến kinh doanh để doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả và phát triển bền vững.
Phát biểu tại họp báo, ông Lương Đức Thắng - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) - cho biết, nhiều năm qua, vai trò của văn hóa với doanh nghiệp ngày càng được khẳng định và triển khai ở nhiều cấp với nhiều hình thức khác nhau.
"Việt Nam muốn làm bạn với thế giới thì việc phát triển kinh kế, văn hóa doanh nghiệp phải được nâng cao hơn. Nhà thơ Trần Đăng Khoa có nói: Người Việt Nam ra nước ngoài phải mang văn hóa đi trước hộ chiếu để thể hiện con người biết ứng xử, hòa nhập với bạn bè quốc tế. Văn hóa và con người là yếu tố quan trọng quảng bá hình ảnh đất nước....", ông Thắng nói.
NSND Vũ Ngoạn Hợp - Nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam - cho hay, văn hóa doanh nghiệp định hướng được cách thức, cư xử, đưa những điều tốt đẹp đến xã hội, cộng đồng và tạo nên thương hiệu cho chính doanh nghiệp đó.
Theo ông Vũ Ngoạn Hợp, nhiều đơn vị nghệ thuật tự chủ về kinh tế, hoạt động như một doanh nghiệp. Ở một nhà hát, đơn vị nghệ thuật có thương hiệu, mỗi lần ra vở mới, khán giả sẽ tin tưởng vào chất lượng vở diễn.
"Nếu nhà hát nào đó làm kiểu "đầu voi đuôi chuột", dù có quảng bá thế nào, khán giả sẽ hoài nghi. Vì thế, văn hóa doanh nghiệp chính là chất lượng về vở diễn, môi trường làm việc văn minh. Nếu lừa dối khán giả thì đó là văn hóa lệch chuẩn, sẽ bị tẩy chay ngay...", NSND Vũ Ngoạn Hợp thẳng thắn.
Nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam nói thêm, nhiều đơn vị như múa rối, xiếc... bán vé rất tốt, thu hút khách du lịch. Lúc này, đơn vị có nguồn thu, có thể "xoay vòng" được nghệ thuật và nghệ sĩ muốn cống hiến nhiều hơn.
"Lúc này sản phẩm nghệ thuật không chỉ là tác phẩm mà đã trở thành sản phẩm của công nghiệp văn hóa. Xây dựng được văn hóa doanh nghiệp là xây dựng được uy tín, thương hiệu nghệ thuật. Khi có niềm tin của khán giả, nghệ sĩ đi đến đâu cũng sẽ có người ủng hộ, yêu mến", NSND Vũ Ngoạn Hợp cho hay.
Trong thời gian làm Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, ông Hợp cùng Ban Giám đốc và nghệ sĩ đã cống hiến cho khán giả những gì tốt đẹp nhất.
"Mình thích gì, khán giả muốn vậy. Các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam luôn phấn đấu và vượt qua chính mình, chinh phục cái khó. Xiếc có nhiều đối tượng khán giả, với mỗi lứa tuổi, chúng tôi đều có chương trình phù hợp để thu hút người xem.
Bên cạnh đó, các nghệ sĩ xiếc cũng đi biểu diễn ở nước ngoài nhiều, được giải thưởng lớn. Vì thế, số buổi biểu diễn của chúng tôi rất lớn, được khán giả tin yêu", ông Ngoạn Hợp nói.