1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Những cảm nhận về Quỳnh Anh và "Bonjour Vietnam"

Ca sĩ Phạm Quỳnh Anh vừa song ca với Marc Lavoine bài J’espère trên chuyên mục Star Academy của kênh truyền hình TF1 Pháp ngày 22/9/2006.

Để giúp các bạn chưa có điều kiện xem buổi phát hình, chúng tôi trích đăng ý kiến của một số khán giả về buổi trình diễn cũng như về bài hát Bonjour Vietnam mà chúng ta đã có dịp thưởng thức “hơi bất hợp pháp” vào đầu năm nay.

Trước hết, phải nhắc đến tình cảm của cộng đồng Việt Nam đang sống tại Pháp vì nhiều lý do khác nhau. Ban quản trị của diễn đàn forumvietnam.fr nhân cơ hội này nhắc đến sự kiện Bonjour Vietnam:

“Từ khi bạn xuất hiện trong Bonjour Việt Nam, nhiều thành viên của diễn đàn đã gửi tin nhắn thể hiện sự ủng hộ và khâm phục bạn: chất giọng tuyệt vời, giai điệu quyến rũ... Nhiều người trong số họ đã tìm thấy chính mình trong ca khúc mà bạn thể hiện: đó là sự trở về với cội nguồn... Bạn xứng đáng là đại diện cho Việt Nam: các thành viên của diễn đàn tự hào về bạn. Thay mặt các thành viên của forumvietnam.fr, chúng tôi chân thành cám ơn bạn và chúng tôi mong chờ ngày album của bạn được phát hành...”

Nếu người Việt Nam tự hào về cội nguồn của Quỳnh Anh thì Lian, một thiếu nữ gốc Trung Hoa, lại đề cập về tài năng của Quỳnh Anh:

“Tôi là người Trung Hoa. Từ Malaysia, tôi đến Pháp ngày 28-2-2005. Tôi muốn chúng ta sẽ trở thành bạn bè (Tiếng Anh trong nguyên bản). Thứ lỗi cho tôi vì tôi viết tiếng Pháp không giỏi lắm. Tôi chỉ muốn nói rằng tôi tự hào về bạn. Bạn hát rất hay! Giống như là một ca sĩ lớn. Bạn rất dễ thương, xinh xắn và nhất là bạn có một chất giọng tốt!”

Xin bạn đọc nhớ rằng quê hương của Victor Hugo là một quốc gia đa văn hoá. Chúng ta cần lắng nghe ý kiến của các khán giả trẻ khác, mang nhiều quốc tịch khác nhau, sống và làm việc tại khắp nơi trên nước Pháp. Chúng tôi xin trích ra hai ý kiến tiêu biểu, không phân biệt giới tính và quốc tịch:

“Tối nay, tôi nhìn thấy bạn trên chương trình truyền hình Star Academy và nhiều kỷ niệm bỗng trở về trong trái tim tôi, những kỷ niệm về bộ phim Giờ mùa hè của Marc dấu yêu. Chúng gợi lại cho tôi những buổi trình diễn ở Lille, Havre và Nancy. Cám ơn bạn một lần nữa. Hãy tiếp tục ru chúng tôi bằng giọng hát ngọt ngào của bạn.” (Floramie)

“Lần đầu tiên trên Star Academy, tôi được ngắm Quỳnh Anh hát. Cô ấy đã hớp hồn tôi bằng sự duyên dáng cũng như bằng tài năng. Tôi hy vọng sự nghiệp của Quỳnh Anh sẽ còn kéo dài. Tôi trở thành người hâm mộ của Quỳnh Anh từ hôm nay và đang mong chờ album của cô.” (Liulyn)

Như vậy, với một số khán giả trẻ, tên tuổi Quỳnh Anh gắn với Marc Lavoine, một Zizou (Zidane) trong biểu diễn ca khúc của người Pháp. Với một số khán giả trẻ khác, Quỳnh Anh dần dần khẳng định chỗ đứng riêng.

Chúng tôi xin kết thúc bài viết này bằng trích đoạn bức thư của hai vợ chồng anh Cavalier, những người đã nhận nuôi 4 trẻ em Việt Nam chung với đứa con 3 tuổi của họ. Hai cô con gái nuôi sinh đôi của họ nay đã 13 tuổi và đang là người hâm mộ Quỳnh Anh.

Từ 10 năm nay, chị Florence Cavalier đang làm việc tình nguyện cho tổ chức Enfance Avenir, một tổ chức tại Pháp phụ trách việc nhận nuôi trẻ em các nước Romania, Nga, Madagascar và mới đây là Việt Nam. Có khoảng 200 người Pháp đã nhận nuôi trẻ em Việt Nam nhờ sự giúp đỡ của tổ chức Enfance Avenir và những trẻ em này “rất tự hào về nguồn gốc của chúng”. Họ viết:

“Bài hát của cô đã làm chúng tôi khóc. Cô có thể hiểu rằng nó đã đánh thức cảm xúc và kỷ niệm nơi chúng tôi và nơi các con tôi”.

“Chúng tôi nhận ra rằng ngay cả những người không có quan hệ gì với Việt Nam cũng xúc động vì bài hát của cô”.

Cuối cùng, vợ chồng anh Cavalier đề nghị Quỳnh Anh sẽ hát bài Bonjour Vietnam bằng tiếng Việt và tiếng Anh để có thể sang biểu diễn ở Canada, Mỹ, ... và nhất là ở Việt Nam. Còn bạn, bạn nghĩ sao về đề nghị này?

Cổ thi có câu:

Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu

(Chỉ một chiếc lá ngô đồng rụng
Mà thiên hạ ai cũng biết là mùa thu đến)

Tạm dịch:

Ngô đồng một lá khẽ rơi
Trần gian ai cũng biết trời sang thu

Nước Pháp đang vào thu. Những chiếc lá ngô đồng hai bên đường tôi đi qua hàng ngày đang bắt đầu đổi màu. Tôi, một người Việt Nam đang học tập tại Pháp, nghe tin mẹ mất mà không thể về ngay được. Tôi chợt thèm một giọng hát Việt Nam: “Chào hỏi giùm những bà mẹ của tôi, những phụ nữ đang cong lưng trên ruộng lúa” (Bonjour Vietnam). Tôi sẽ viết trên trang đầu bản luận án của mình: “Ba tôi là thợ hồ, mẹ tôi là nông dân và tôi là người Việt Nam.”

Theo Trần Lương Công Khanh
Tuổi Trẻ