Nhạc sỹ Trương Quý Hải và những điều chưa từng tiết lộ

(Dân trí) - Trương Quý Hải, một người sống vì đam mê và theo chủ nghĩa dân tộc. Anh được nhiều người biết đến qua ca khúc nổi tiếng Hà Nội mùa vắng những cơn mưa.

Trúng tuyển đại học nhưng tình nguyện nhập ngũ, liều mình bơi vượt sông dữ để mua một cuốn sách nhạc, ấp ủ 12 năm để ra một tác phẩm trường ca về tổ quốc… đã phần nào khắc họa lên chân dung nhạc sỹ Trương Quý Hải, một người sống vì đam mê và theo chủ nghĩa dân tộc. Anh được nhiều người biết qua các ca khúc nổi tiếng như: "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa", "Khoảnh khắc", "Tự khúc ngày sinh"...

Thưa anh, đâu là bước ngoặc cuộc đời đưa anh tới sự nghiệp sáng tác?

Hết cấp 3 với mong muốn được trải nghiệm cuộc sống xa nhà nên tôi đăng ký thi Đại học Mỏ - Địa chất ở Thái Nguyên Nhưng chính năm đó khi tôi nhận được giấy báo trúng tuyển thì Đại học Mỏ - Địa chất chuyển từ Thái Nguyên về Hà Nội. Vậy là tôi nghĩ việc học đại học sẽ chẳng khác gì so với học cấp 3 nên quyết định đi bộ đội. Đây chính là bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Trong quân ngũ, tôi tham gia đoàn văn công và được giao nhiệm vụ làm nhạc công Violon kiêm sáng tác, phối khí.

Chưa từng học qua chuyên môn về âm nhạc, anh đã thực hiện nhiệm vụ được giao bằng cách nào?

Tôi tự học về sáng tác và phối khí bằng niềm đam mê trong điều kiện hầu như không có tài liệu và người hướng dẫn. Một lần tình cờ tôi biết một hiệu sách miền núi gần chỗ đơn vị đóng quân có bán cuốn “Các khí nhạc trong dàn nhạc giao hưởng” của Hồng Đăng. Đây là cuốn sách quý thời bấy giờ mà ngay cả giảng viên nhạc viện Hà Nội cũng không phải ai cũng có. Tôi đã gom tất cả tiền của anh em đơn vị được khoản đủ mua cuốn sách. Từ đơn vị để đến hiệu sách bị ngăn cách bởi 1 con sông lớn cần phải đi một đoạn đường dài hình chữ U để qua cầu treo. Tôi sợ họ bán mất cuốn sách mà không dám đi đường bình thường mà chọn cách vượt sông dữ. Chị bán sách rất ngạc nhiên khi có 1 anh mặc quần đùi, đầu trọc ướt từ trên xuống dưới, rút từ trong cạp quần 1 túi nilong lấy tiền mua sách. Cuốn sách như là cuốn cẩm nang cho việc học nhạc của tôi. Vì vậy mặc dù không dạy tôi ngày nào nhưng tôi vẫn coi Hồng Đăng là người thầy đầu tiên của mình.

Sau thời gian đó anh có theo học lớp học nào về âm nhạc không?

Rời quân ngũ tôi trở lại Hà Nội theo học ĐH Mỏ - Địa chất. Tôi may mắn khi được các thầy ĐH Mỏ - Địa chất tạo điều kiện đi học lớp sáng tác nhạc nghiệp dư của Sở văn hóa – Thông tin Hà Nội với lời nhắn “cách đây 15 năm nhạc sỹ Nguyễn Cường cũng học trường này và theo học khóa học như thế”. Lời động viên đó làm tôi càng quyết tâm đi theo con đường sáng tác.
Nhạc sỹ Trương Quý Hải và những điều chưa từng tiết lộ


Anh là một nhạc sỹ hiếm hoi làm việc trong môi trường doanh nghiệp (anh đã gia nhập FPT từ năm 2003). Những thuận lợi và khó khăn của anh khi làm nhạc sỹ trong một doanh nghiệp như thế nào?

Nếu làm trong môi trường âm nhạc 100% thì thuận lợi nhiều hơn trong việc trao đổi thông tin, hỗ trợ chuyên môn và thực hiện các dự án âm nhạc. Tuy nhiên làm doanh nghiệp thì có may mắn là được tiếp cận những vấn đề thực tiễn cuộc sống sinh động hơn rất nhiều. Trong sự nghiệp 33 năm sáng tác thì hơn 10 năm gần đây làm tại FPT số lượng tác phẩm của tôi bằng tất cả thời gian trước đó cộng lại. Đặc biệt mới đây chính TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc đã đưa ra ý tưởng và hỗ trợ sản xuất ra mắt CD đầu tay mang tên “Bình yên đất trời”.

Tại sao anh lại ra mắt album vào thời điểm này?

Album được thực hiện nhằm góp thêm tiếng nói thể hiện tinh thần yêu tổ quốc, biển đảo quê hương. Một phần tiền thu được từ hoạt động bán đĩa CD sẽ được dành tặng cho gia đình các chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ biển trời tại Hoàng Sa, Trường Sa. “Bình yên đất trời” là một câu hát trong bài “Hành trình lời ru” và cũng là ý nguyện của mỗi người Việt Nam mong muốn cho cá nhân, gia đình và đất nước được thanh bình.

Anh có thể tiết lộ một chút nội dung trong CD chuẩn bị ra mắt?

Album gồm 13 tác phẩm thể hiện nỗi niềm của những người con xa xứ (Hành trình lời ru), tình cảm của những người lính đảo (Guitar lính đảo mùa xuân), hình ảnh của những người con làm việc xa tổ quốc, đóng góp công sức xây dựng  quê hương (Đêm onsite)… Đặc biệt là tinh thần người Việt Nam khắp năm châu bốn biển, lòng tự hào dân tộc dâng cao qua tác phẩm “Trường ca người Việt Nam”. Tham gia thể hiện các ca khúc trong album có Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn, Anh Thơ, Thùy Chi, Dương Triệu Hải và tập thể cán bộ nhân viên FPT.
Trong số 13 bài hát trong CD, đâu là tác phẩm anh tâm đắc nhất?


Trong số 13 bài hát trong CD, đâu là tác phẩm anh tâm đắc nhất?       

 

Nhạc phẩm khiến tôi bỏ nhiều công sức, tâm huyết nhất chính là Trường ca Người Việt Nam. Đây là tác phẩm dài 5 chương gồm: Người Việt Nam, Đêm trắng, Hải đội Hoàng Sa, Đoàn viên, Cho con là người Việt Nam đã được ấp ủ suốt 12 năm. Để sáng tác trường ca này, tôi đã vận dụng tối đa ngôn ngữ âm nhạc truyền thống Việt Nam như dân ca Nam Trung Bộ, Nam Bộ và Bắc Bộ; âm hưởng của rừng núi Tây Nguyên, với các làn điệu dân ca Ê đê… để phối khí tác phẩm sao cho mỗi chương có một cách thể hiện khác nhau.

Qua tác phẩm này, tôi mong muốn tinh thần Việt Nam khắp năm châu bốn biển được hội tụ, đất nước ngày một phát triển và người Việt Nam luôn ngẩng cao đầu tự hào về đất nước mình trong lịch sử và hiện tại.
 

KL