Nhà văn Tạ Duy Anh: “Tôi thích sự cô độc”
(Dân trí) - “Tôi không thích hội hè vì mỗi lần tham gia, tôi thấy cuộc tiếp xúc ấy không để lại điều gì tốt đẹp cả. Nó khiến cơ thể mình rỗng ra, mình hoắng lên, làm cho mình nhạt nhoà”, tác giả của “Thiên thần sám hối” Tạ Duy Anh tâm sự.
Ở nước mình có một thực tế là phần lớn tác phẩm nào khi ra đời ầm ĩ, thì thường sau đó độc giả quên ngay, nhưng hình như điều đó không “rơi” vào tác phẩm của anh. “Thiên thần sám hối” khi ra đời năm 2004 đã gây sốc cho độc giả, lần gặp lại này vẫn nhận được phản ứng khá sôi nổi. Anh có vui mừng vì điều đó?
Có rất nhiều cuốn sách khi ra đời gây sự chú ý nhưng chỉ một, hai năm sau không ai nhắc đến nữa. Những tác giả của cuốn sách đó chắc buồn lắm vì họ đang được nâng lên rất cao lại bị thả tay rơi xuống. Cuốn Thiên thần sám hối khi ra đời đã trở thành sự kiện, tôi nghi hoặc lắm, lòng tự nhủ “chắc cũng chỉ nhất thời thôi”. Nhưng sau một năm, sắp tới là hai năm mà người ta vẫn còn đón nhận, thấy hứng thú thì tôi rất lấy làm mừng. Điều đó là sự may mắn, hạnh phúc của tôi.
Có nhiều ý kiến cho rằng phải đến “Thiên thần sám hối”, những lời khen mới nhiều hơn lời chê. Anh nghĩ sao?
Từ xưa tới nay chẳng bao giờ tôi quan tâm đến lời khen chê. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên Lão Khổ nhận không ít lời khen chê nhưng tôi không để ý. Năm 2002 cuốn Đi tìm nhân vật của tôi bị cấm lưu hành. Nếu như cuốn ấy không bị thu hồi, được đăng trên diễn đàn dư luận, được bình luận công bằng thì mọi việc đã khác. Đấy là cuốn sách được luồng dư luận ngầm trong nước cũng như quốc tế chú ý.
Thiên thần sám hối có may mắn hơn là nó được tung hô ngay từ đầu. Tôi cũng quan niệm rằng mình nên đón nhận mọi chuyện thật bình tĩnh. Tôi có kinh nghiệm rồi, không bị chi phối bởi những luồng dư luận. Tôi nói cái điều này mà các nhà văn thường ít để ý: khi mình bị chê mình trở nên cô đơn và đau khổ, nhưng tôi nghĩ chính điều đó giúp mình tĩnh tâm hơn là khen. Khi được khen mình dễ bốc đồng, lời khen đối với người không có bản lĩnh thì “giết” người ta nhanh hơn lời chê. Những người trẻ được khen sớm thì “chết” sớm.
Một số tác phẩm của nhà văn Tạ Duy Anh: - Tiểu thuyết: Lão Khổ, Đi tìm nhân vật, Thiên thần sám hối; - - Tập truyện ngắn: Bước qua lời nguyền, Luân hồi, ánh sáng nàng, Gã và nàng; - Tản văn: Ngẫu hứng Sáng, Trưa, Chiều, Tối và 7 tập truyện ngắn, truyện vừa, tản văn viết cho thiếu nhi. Mới đây, Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh được nhóm Văn mới tuyển chọn cho ra mắt độc giả. |
Nói như vậy là anh không sợ một mình, không sợ cô độc?
Tôi thích sự cô độc. Tôi thích một mình. Tôi có bao giờ tham gia cái gì mang tính tập thể đâu. Tôi không thích hội hè vì mỗi lần tham gia, tôi thấy cuộc tiếp xúc ấy không để lại điều gì tốt đẹp cả. Nó khiến cơ thể mình rỗng ra, mình hoắng lên, làm cho mình nhạt nhoà.
Theo tôi, nghệ thuật chỉ nên một mình, anh chỉ có giá trị khi anh đi, anh tạo ra con đường của riêng anh. Tất cả cùng đi trên một con đường thì vô nghĩa. Ví như chỉ cần một ông Nguyễn Huy Thiệp, một ông Bảo Ninh chứ hai ba ông, thậm chí một ông rưỡi là đã không chấp nhận được rồi.Tôi chỉ có giá trị khi tôi là độc bản chứ tôi là phiên bản của người khác thì chẳng có giá trị gì. Gạt bỏ những áp lực, những lời ong tiếng ve, tôi đang cần thật tĩnh tâm để viết, sắp tới tôi cho ra cuốn tiểu thuyết mới. Đó mới là sự quan tâm của tôi.
Anh đã từng nói rằng mình không tin vào những người sống vô nguyên tắc, sống theo bản năng? Cũng chính anh quan niệm rằng viết văn không cần đi thực tế?
Khi tôi làm việc tôi hết sức tập trung và nghiêm túc. Tôi viết thì tôi chỉ cắm cúi vào viết, nếu đọc tôi cũng chăm chú vào đọc. Tôi không thể vừa làm việc này lại vừa làm việc khác. Tôi sống và làm việc rất nguyên tắc. Tôi chưa bao giờ đi thực tế. Có lẽ tôi là người duy nhất phản đối chuyện đi thực tế, vì tôi chẳng tin những người đi thực tế viết được cái gì.
Tôi quan niệm mỗi ngày sống là một ngày đi thực tế và tôi trải cuộc đời mình ra để viết. Ví dụ Thiên thần sám hối, tôi chỉ đưa vợ đi sinh đúng 3 ngày ở bệnh viện Bạch Mai. Sau 3 hôm tôi về hình thành cuốn sách. Tất cả những điều tôi viết trong truyện không phải tôi lấy tất cả từ 3 ngày ở bệnh viện mà tôi lấy từ những năm tháng sống trong chiến tranh, những năm tháng tôi đã trải nghiệm.
Lại nhắc đến cuốn sách tập hợp cả tiểu thuyết và những truyện ngắn thể hiện cá tính, cái gu của anh, do nhóm Văn mới tuyển chọn, anh có nhận xét gì về phần nội dung cũng như hình thức?
Một cuốn sách hay nó được tiên đoán ở cái tên, cái hình thức bề ngoài. Khi Trần Đại Thắng đứng ra làm bộ Văn mới này nhấn mạnh đến việc không chỉ đọc sách, tôi cho đấy là bước tiến rất dài. Và lẽ tất nhiên khi người ta bỏ công làm một cuốn sách đẹp đến vậy, người ta phải chọn nội dung. Hai cái chi phối nhau, không ai bỏ công sức, sự cầu kỳ để đi làm những cuốn sách nội dung chẳng ra gì. Vì vậy độc giả dần dần có niềm tin đối với bộ Văn mới, ở chỗ người ta không chỉ nhận được một cuốn sách đẹp, chính cái đẹp bên ngoài báo trước tác phẩm độc đáo, tác phẩm mới hoặc tác phẩm có giá trị nghệ thuật.
Tôi cho rằng bộ Văn mới đã kết hợp được hai điều đó. Tôi tin độc giả khi cầm cuốn sách trên tay sẽ rất trân trọng.
Nguyễn Hằng