1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Nhà thơ Vi Thùy Linh: "Tôi bị lợi dụng…"

(Dân trí) - 7 năm trước, cái tên Vi Thùy Linh đã gây xôn xao giới văn học nghệ thuật, và đi kèm với nó là những cuộc bút chiến nảy lửa trên báo chí. Năm nay, trở lại với độc giả, Vi Thùy Linh gửi tới một tập thơ tình song ngữ Việt - Anh đằm thắm nhưng vẫn không thiếu cá tính.

Đã một thời trong giới trẻ, sự “mạnh dạn”, “phá cách” được so sánh với Vi Thùy Linh. Còn bây giờ?

 

Tôi đã từng hãnh diện được coi là nhà thơ trẻ đi tiên phong trong đổi mới và dấn thân. Nhưng có những so sánh làm tôi cảm nhận mình bị lợi dụng. Có thể tôi bị lợi dụng như một cái mốc, một cái gì đó để người sau vượt qua, hoặc là cái cớ để nhiều kẻ vin vào so sánh. Thậm chí có người còn coi đó là thủ thuật ngắn nhất để làm marketing.

 

Đối với nghề nghiệp tôi tận tụy, nghiêm túc, tử tế. Thơ tôi phóng khoáng nhưng không có nghĩa là thiếu sự bí ẩn. Những người ghen ghét tôi tung ra những tin đồn xấu nhằm chống lại cách tân thơ và hạ gục tôi, nhưng tôi không ngừng viết. Sức mạnh tự tin của tôi là lao động tử tế, trung thực và điều ấy được độc giả quý mến. Tôi kính trọng họ!

 

Thơ của Vi Thùy Linh năm 20 tuổi được ví như “Con ngựa chữ dậy thì”. Vậy bây giờ “Con ngựa chữ” đang ở độ nào?

 

Tôi cố gắng giữ nó (thơ) ở mức độ dậy thì, luôn mơ mộng, kiêu hãnh và liều lĩnh. Tôi không thích kiểu nổi loạn mà không biết sợ, như kiểu bằng mọi cách để nổi tiếng. Làm nghệ thuật mà chạy theo đám đông để gọt tròn mình tôi không thích, phải dám làm dám chịu trách nhiệm đồng thời luôn cố gắng, vươn tới. Trước tôi hăm hở đơn thuần, giống như con ngựa liều lĩnh nhưng giờ tôi biết thận trọng hơn. Tôi sẽ cố gắng giữ gìn hơi thơ có sức sống và lửa ấy.

 

Thơ của chị được đánh giá lạ về nội dung và hình thức nghệ thuật. Là người viết chị có thấy mình lạ không?

 

Có chứ! Tôi luôn đi tìm cái lạ cho thơ của mình. Tôi yêu thơ và say đắm thơ như một người si tình muốn làm cho người mình yêu hạnh phúc. Khát khao mang vẻ đẹp về ngôn từ đến cho thơ.

 

Các nhà phê bình như; Nguyễn Hòa, Nguyễn Đăng Điệp, Phạm Xuân Nguyên…đã quan tâm và lên tiếng ủng hộ thơ trẻ. Vậy những người cầm bút như chị sẽ mong đợi gì nữa?

 

7 loại hình nghệ thuật thì nghệ thuật văn chương là gốc. Hiện nay còn thiếu vắng các nhà phê bình chuyên nghiệp, đau buồn hơn là sự né tránh của họ đã khiến cho việc “đảo lộn giá trị” bị kéo dài. Tình trạng cấp giấy phép ồ ạt hiện nay đã tạo ra hiện tượng, có quyển sách đáng đọc lại không được ra, thay vào đó là những cuốn không đâu lại nghiễm nhiên có trên thị trường sách, miễn không vi phạm chính trị.

 

Kết quả, độc giả gặp nhiều quyển “làng nhàng” và họ thất vọng. Nhẽ ra các nhà phê bình phải là những “vệ sĩ của nghệ thuật”, lên tiếng bảo vệ những giá trị chân chính, nhưng đáng tiếc đã vờ vĩnh làm ngơ cốt để lười biếng an toàn.

 

Có thể nói, thị trường sách hiện nay đang “lũng đoạn”, viết về tình dục là mốt thời thượng. Vậy thơ của Vi Thùy Linh thì sao?

 

Thơ của tôi là thơ hình ảnh, hoàn toàn trong sáng. Nhưng họ lại tách thơ của tôi ra, gán cho đó là nhục dục. Thơ tôi viêt về tình yêu với sự tôn vinh vẻ đẹp trong sáng. Viết về tình yêu say đắm khác với việc miêu tả trần trụi, thô thiển. Tôi tin những độc giả văn minh, có cá tính sẽ không đánh đồng tôi vào những người cầm bút háo danh bằng “ngoại hình” và xì căng đan thay vì lao động tử tế bằng tác phẩm. 

 

Tôn thờ tình yêu trong sáng, thuần khiết. Ấy thế mà, độc giả đọc thơ Vi Thùy Linh đôi khi lại nghĩ sang một hướng khác?

 

Tôi đang chinh phục độc giả bằng quá trình làm việc của mình. Tôi khát khao được nghe người ta nói: “Đã đọc chị” nhưng câu đó rất ít, mà chủ yếu là: “Tôi đã nghe về chị”! Hiện, độc giả của tôi có 3 kiểu.

 

Một, những người chưa hề cầm sách của tôi mà chỉ nghe đồn về các “trích đoạn gãy, đứt”. Hai, những người đầu óc quá cũ, không cảm thụ được, dù chưa hiểu nhưng cứ… chê trước. Ba, những người thực sự già nua, bảo thủ, khi gặp một người mãnh liệt về ngôn từ thì không chịu nổi. Tôi muốn chinh phục những độc giả thuộc lớp thứ nhất.

 

Vậy chị sẽ làm thế nào?

 

Hiện, tôi đang tham gia dự án Con tàu Văn học của Hội đồng Anh kéo dài suốt năm. Đó là kênh cho độc giả tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật nhanh nhất, thay vì độc giả mua sách đọc một mình. Họ đã từng đến nhà hát xem kịch, tới rạp xem phim, nghe nhạc chung… tại sao lại không nghe thơ chung. Những ai chưa từng biết thơ tôi, qua cách trình diễn, họ sẽ có thiện cảm và tìm mua sách về đọc thay bằng chỉ “nghe” về tôi.

 

Để người ta nhớ đến mình, phải có cái riêng trong nghệ thuật, mà điều đó không phải ai cũng có. Ở tôi, sự mạnh mẽ là tư chất chứ không phải nổi loạn. Đó là điều rất nhiều người nhầm lẫn. Nổi loạn là phá bỏ trật tự và làm nên những gì không phải là mình.

 

15 tuổi đến với thơ như sự “bộc phát”. Đã xuất bản 3 tập thơ: Linh, Khát, Đồng tử. Có khi nào, một người kiêu hãnh đến trực diện như chị phải đối diện với sự cô đơn, lạc lõng?

 

Có những khi tôi ngồi trước trang giấy, đối diện với thơ… không thoát được thì không viết được, cô đơn thường trực nhiều thành khi cô độc. Trong nghệ thuật tôi không có thần tượng, chỉ có những người tôi yêu thích và nể phục như nhà văn Nguyễn Tuân.

 

Khi viết, tôi không ảnh hưởng từ ai. Tôi tâm niệm, đã viết là phải viết khác với người khác vì trong mình có nội lực mạnh, và quan trọng hơn, đó là sự thành thật và lao động cật lực. Giờ đây tôi đã có lượng công chúng nhất định, có thương hiệu, đồng nghĩa là thách thức và hà khắc hơn với chính bản thân mình.

 

Tập thơ “Đồng Tử” (Con ngươi của mắt) cho thấy chị là một người phụ nữ biết yêu gia đình và những đứa con tương lai của mình. Vậy lần tới, trở lại với độc giả, chị sẽ đem đến khác lạ gì?

 

Đó sẽ là những bài thơ tình cuồng say và hấp dẫn. Độc giả sẽ được du hành trong chuyến chu du của hành trình tình yêu, những xứ sở mà bản thân tác giả cũng chưa đặt chân tới. Tôi viết về tình yêu bằng tinh thần duy mỹ tối cao, đẹp gần gũi về tâm hồn và thể xác. Xúc cảm lớn sẽ làm mờ cảm giác trong thơ.

 

Xuất hiện trước công chúng, giờ đây là một Vi Thùy Linh đằm thắm, chững chạc hơn so với Linh của tuổi 20. Sự thay đổi này có nguyên nhân?

 

Sự thay đổi tất yếu. Tôi đọc nhiều, đi thêm được nhiều nơi. Khi thế giới quan mở hơn, tri thức được nạp vào, tôi chín chắn hơn. Đó là quy luật sinh học. Linh của thời 20 tuổi khác với Linh bây giờ, khác cơ bản là trầm lắng hơn. Giờ tôi quý thời gian vô cùng và muốn dâng hiến cho tình yêu riêng tư và tình yêu nghệ thuật, chứ không phải bận tâm đến những tranh cãi.

 

Có những lúc chị “thẫn thờ sắp xếp lại mình”, rồi những khi yếu đuối, dễ tủi thân. Giúp chị vượt qua khó khăn ấy là tình yêu với một người đàn ông “thực thể”?

 

Tất cả những gì tôi rèn luyện về nhân cách, đức hạnh của mình là để chuẩn bị cho một tình yêu lớn. Tôi đã yêu tình yêu ấy và dành niềm tin, khát vọng cho người chồng và những đứa con ấy. Bình yên khi người ta hòa hợp, thấu hiểu, thậm chí chưa nói hết câu hoặc không cần nói người chồng đã hiểu được vợ và ngược lại. Điều ấy không phải gia đình nào cũng có.

 

Tôi tin, tôi và người yêu của tôi sẽ có một cuộc sống bình yên vì trân trọng nhau. Anh là ngươi am hiểu về nghệ thuật. Nhờ tình yêu sâu sắc, thủy chung ấy mà tôi có một nguồn cảm xúc, ý tưởng về cuộc sống tương lai, hình tượng về gia đình, con cái một cách hiện hữu.

 

Xin cảm ơn và chúc chị thành công hơn!

 

Hoàng Hiền