Người mẫu Việt Nam - Bao giờ vươn ra quốc tế?

Ngành công nghiệp thời trang của Việt Nam đang trên đà phát triển, kéo theo đó là sự sôi động của môi trường người mẫu. Nhiều cơ hội mở ra cho giới chân dài nhưng dường như người mẫu Việt Nam vẫn còn thiếu một thương hiệu riêng trong mắt giới chuyên môn quốc tế.

Vẫn tự phát

Sau thế hệ người mẫu đầu tiên chủ yếu tự phát, thiếu đào tạo bài bản, với những Bảo Ngọc, Cẩm Nhung, Thuý Hạnh, v,v..., giờ đây các bạn trẻ hoạt động trong lĩnh vực người mẫu có điều kiện thuận lợi hơn thông qua việc tiếp xúc với các chương trình biểu diễn thời trang trên truyền hình, băng đĩa, Internet.

Họ được đào tạo tương đối bài bản bởi một số đơn vị như Công ty Elite Việt Nam, Câu lạc bộ Thời trang Hoa học đường, Công ty Người mẫu P.L, v.v...

Chính từ đây cho ra lò nhiều người mẫu triển vọng như Bình Minh, Xuân Lan, Anh Thư, Hoàng Cúc, Ngọc Thuý, v.v...

Tuy nhiên, dù có sự tự tin và tỏ ra quy củ hơn so với lớp người mẫu đi trước, nếu nhìn ra môi trường thời gian khu vực và thế giới, vẫn dễ nhận thấy đa phần người mẫu Việt Nam vẫn ở nấc thang tương đối khiêm tốn.

Trình diễn tươi như hoa

Xem các chương trình thời trang quốc tế đều thấy người mẫu ngoại quốc trình diễn rất chuyên nghiệp và làm toát lên được cái thần của trang phục. Một điều đặc biệt là lúc biểu diễn, họ thường bước nhanh, ít khi cười. Trong quan niệm của nghề trình diễn thời trang quốc tế, nhiệm vụ của người mẫu là làm sao thu hút được sự tập trung của khán giả vào bộ trang phục, chứ không phải khiến họ chăm chú ngắm người biểu diễn.

Ngược lại, với thời trang Việt Nam, đa phần người mẫu xuất hiện trên sàn diễn đều tươi như hoa, điệu đi dáng đứng có vẻ giống lúc đi thi hoa hậu, hơn là biểu diễn trang phục.

Bên cạnh trình độ thưởng thức thời trang của đa phần công chúng còn kém nên tỏ ra dễ dãi với giới người mẫu trong cả thời gian dài, cần phải kể đến một bộ phận không nhỏ người mẫu xuất thân từ các cuộc thi chọn hoa khôi. Trước khi đến với sàn diễn, họ từng thử sức tại khá nhiều đấu trường sắc đẹp nên bị ảnh hưởng phong cách biểu diễn như đi thi là lẽ dễ hiểu.

Thiếu sân chơi

Người mẫu Việt Nam - Bao giờ vươn ra quốc tế? - 1


Điều quan trọng hơn cả là thời trang Việt Nam vẫn đang thiếu quá nhiều chương trình đặc thù của nghề để giới người mẫu có cơ hội cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn.

Thông thường, người ta chỉ thấy các màn trình diễn thời trang áo dài, áo cưới xen trong những chương trình ca nhạc như một sự lấp chỗ trống nên dễ bị nhạt nhoà và nhanh chóng rơi vào quên lãng. Thực tế đó cũng tác động tiêu cực tới quá trình chuyên nghiệp hoá của đội ngũ người mẫu Việt Nam.

Bà Thuý Nga, Giám đốc Điều hành Elite Việt Nam, cho biết, nghề người mẫu có sức hút mạnh mẽ đối với nhiều bạn trẻ. Các khoá đào tạo của Elite mặc dù học phí tương đối cao nhưng vẫn thu hút nhiều thanh niên.

Tất nhiên không phải tất cả những ai theo học các lớp này đều có thể trở thành người mẫu. Cơ hội tỏa sáng trên sàn diễn lại càng khắt khe hơn.

Chiều cao khiêm tốn

Vẫn theo bà Nga, Elite phân ra hai loại hình đào tạo người mẫu là mẫu ảnh và mẫu sàn. Người mẫu ảnh chỉ cần có gương mặt ăn ảnh và có thần thái để chuyên làm mẫu chụp hình cho các tạp chí, bộ sưu tập thời trang.

Ngược lại, với người mẫu sàn, khuôn mặt có thể không đẹp long lanh nhưng nhất thiết cần đến dáng và chiều cao. Mà đây lại là hạn chế của người mẫu Việt Nam. Đa phần các cô gái chân dài của ta cao chưa quá 1m75 trong khi chuẩn người mẫu nữ quốc tế là 1m78, thậm chí 1m80 trở lên.

Ngô Mai Trang, người mẫu độc quyền của Công ty Thời trang Elite ViệtNam tham dự thi cuộc thi Nữ hoàng Quốc tế, tiếc nuối: "Giá như em cao thêm chút nữa chứ không dừng lại ở 1m69".

Bên cạnh đó, khả năng ngoại ngữ, nhất là trình độ tiếng Anh, cũng là rào cản đáng kể khiến người mẫu của ta gặp nhiều khó khăn khi cộng tác với đồng nghiệp ngoại quốc.

Chính Elite Việt Nam có một vài đề nghị từ đối tác nước ngoài về việc thuê người mẫu nhưng rồi công ty đành ngậm ngùi từ chối vì không thể đáp ứng được đòi hỏi khắt khe của phía bạn.

 Theo Phụ Nữ Việt Nam