Phía sau cuốn “Ở đất kẻ thù” của tác giả Lê Lan Anh:
Người đàn bà bị ám ảnh bởi John McCain
(Dân trí) - Từ ký ức thơ ngây của cô bé nay đã là người đàn bà nếm trải đời, Lê Lan Anh đã bỏ lại sau lưng gia đình cùng những lo toan cuộc sống để sang Mỹ tìm lại hình ảnh tên tù binh phi công Mỹ năm xưa (giờ là thượng nghị sĩ John McCain) làm nguyên mẫu cho cuốn sách đầu tay của mình.
Điều gì đã thôi thúc chị khi ở tuổi trạc ngũ tuần, “khăn gói” sang sống gần 3 năm trên đất Mỹ, “theo đuổi” hình bóng người đang tranh cử chức tổng thống Hoa Kỳ năm 2008 - thượng nghị sĩ John McCain để… viết truyện?
Tôi viết truyện không phải ham muốn trở thành nhà văn, mà bởi những ký ức tuổi thơ, những ám ảnh về người tù binh bị bắt tại ngôi làng nhỏ vùng kinh Bắc, nơi tôi sơ tán năm 14 tuổi. Tôi đã trải qua cuộc sống mới mẻ đầy gian khổ với những người nông dân nghèo khó, mộc mạc. Năm 1967, khi cuộc chiến đang ở giai đoạn khốc liệt, tôi chứng kiến tại ngôi làng tôi sơ tán hình ảnh một phi công Mỹ bị bắt. Tôi không biết anh ta là ai, chỉ nghe người lớn nói anh ta là người dòng dõi và rất có “giá trị” để chính phủ Mỹ đàm phán trao đổi…
Ba mươi ba năm sau, hình ảnh về người tù binh Mỹ “bí ẩn” đối với tôi ngày nào bỗng chốc quay trở lại Việt Nam với tư cách một nghị sĩ nổi tiếng. Tôi đã nhận ra John McCain và theo dõi những hoạt động nhằm cải thiện mối quan hệ Việt - Mỹ của ông. Tôi thấy nể phục người đàn ông này. Cộng với những ấn tượng ngày bé, tôi nung nấu ý định viết một cuốn sách lấy cảm hứng chính từ ông John McCain. Một ngày năm 2004, tôi đã lên đường sang New York tìm tư liệu. Sau 6 năm miệt mài, tôi đã cho “chào đời” cuốn sách đầu tay của mình.
- Tác giả Lê Lan Anh sinh năm 1952 (TPHCM), là chị gái của họa sĩ nổi tiếng Lê Thanh Sơn. Chị tâm sự: “Tôi viết cuốn sách này như điều muốn nói thì phải… nói ra!”. |
Cất công sang New York, chịu nhiều khó khăn, tìm tòi tư liệu, lấy cảm hứng để viết cuốn sách về John McCain. Thế sao chị không gặp ông ta “bằng xương bằng thịt”, dù chỉ một lần?
Tôi đã từng nghĩ đến chuyện gặp ông John McCain. Điều này, ở Mỹ chắc không quá khó khăn. Hẳn ông ta sẽ tò mò muốn biết, người ta viết về mình như thế nào. Nhất là trong con mắt một người phụ nữ, lại là người phụ nữ Á Đông.
Những tôi đã không tìm cách gặp. Sẽ có nhiều vấn đề xảy ra, tôi không thể lường trước. Tôi sợ khi gặp ông ta rồi, sẽ ảnh hưởng đến nhân vật tôi đang xây dựng. Có thể, gặp được ông, thêm cho tôi nhiều chi tiết hay. Nhưng biết đâu lại dở khi hình tượng mình xây dựng lên lại khác xa với thực tế. Nếu thế, ý tưởng của tôi hỏng hết. Công sức, tiền của mấy năm trời của tôi sẽ “đổ sông đổ biển”.
Thượng nghị sĩ John McCain từng tham chiến tại Việt Nam. Tác giả Lê Lan Anh đã lấy ông làm nguyên mẫu cho cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình.
Bỏ tiền của ra sống trên đất Mỹ để tìm nguồn cảm hứng viết sách như chị, các nhà văn Việt Nam không phải ai cũng đủ điều kiện để làm. Và có ý kiến cho rằng, người kinh doanh làm gì cũng “tính toán” rất kỹ. Liệu việc bỏ ra 6 năm trời để viết cuốn sách này, lấy nguyên mẫu là John McCain, hẳn chị “tính toán” chứ?
Hoàn cảnh của tôi trước kia cũng không sung sướng gì. Tôi đã mất chồng từ năm 26 tuổi. Một mình nuôi đứa con trai duy nhất cho đến ngày trưởng thành. Tôi đã phải bươn chải để vượt qua bần hàn. May mắn rằng, ông trời cho tôi hơn thế. Sau này, công việc làm ăn kinh doanh của tôi khá lên. Tôi đủ điều kiện cho con đi du học và sống cuộc sống sung túc.
Con tôi giờ đã lập gia đình và thay mẹ gánh vác công ty. Tôi cũng ở cái tuổi này rồi, đâu còn ham hố, tính toán gì nữa. Tôi chỉ đơn giản muốn làm những điều mình muốn. Trước đây khó khăn, mải làm, tôi không có đủ điều kiện cũng như thời gian “giãi bày” những suy nghĩ, ám ảnh từ thời thơ ấu lên trang giấy. Giờ có điều kiện rồi, tôi phải giải quyết những nung nấu ấy. Tôi viết cuốn sách này chỉ đơn giản như điều muốn nói… phải nói ra.
Nhà văn Chu Lai đọc xong cuốn tiểu thuyết của chị có nói một câu đại ý rằng là phụ nữ, sao chị không bắt chước người ta chuyên mải mê khai thác những gì gần gũi, quấn quýt xoay quanh tình yêu tay ba tay tư, yêu nhau gài nhau, thói đời đen bạc, đàn ông là gì, đàn bà là sao… mà lại “đâm ngang” vào đề tài hóc búa là chiến tranh này. Chị nghĩ sao?
Mỗi người một quan niệm. Như tôi đã nói, tôi viết sách như điều muốn nói phải nói ra. Những giai đoạn khốc liệt của chiến tranh, giữa cái sống và cái chết, con người ta rất nhiều tâm trạng và cảm xúc bị đẩy cao. Cảm xúc của tôi về tuổi thơ, chiến tranh bị dồn ứ và tôi muốn giải toả. Vậy thôi!
Không chỉ dừng lại ở đây, tôi còn viết về chiến tranh nữa. Sắp tới, tôi sẽ hoàn thiện cuốn thứ hai có liên quan đến chiến tranh, đến Trường Sơn. Cuốn sách có tên là “Lẽ sống”.
Đã viết “Ở đất kẻ thù” với suy nghĩ của một người Mỹ trên nước Việt Nam, vậy có lúc nào chị nghĩ mình sẽ viết “Ở đất kẻ thù” với suy nghĩ của chính mình trên đất Mỹ?
Có thể lắm! Thời gian sống ở Mỹ, có nhiều điều tôi có thể kể cho độc giả nghe.
Xin cảm ơn và chúc chị may mắn!
Tóm lược nội dung tác phẩm:
Nhân vật chính của câu chuyện là lão nông Bi cùng cô con gái 14 tuổi tên Na và người phi công Mỹ tên Jim bị bắt sống. Vào ngày đầu thu 1967, khi cuộc chiến đang ở giai đoạn khốc liệt nhất, một phi công Mỹ bị bắn rơi xuống làng Hà, nơi có những nông phu hiền lành, nghèo cực, tảo tần.
Trong 20 giờ bị giam giữ lại làng Hà, nơi hai cha con ông Bi sinh sống, người tù binh này đã được chứng kiến, trải nghiệm sự khốc liệt và tàn bạo của cuộc chiến. Nhưng cao hơn cả là tấm lòng nhân hậu của bé Na hồn nhiên đã lay động và cảm hóa hoàn toàn viên phi công Mỹ. Trong cái làng hẻo lánh ấy – “ở đất kẻ thù” - Jim đã nhận ra một điều vô cùng giản dị: Lòng nhân vượt qua mọi khoảng cách địa lý, rào cản ngôn ngữ, văn hóa...
Một vài nhận xét về tác phẩm:
Nhà văn Chu Lai: “Đọc xong cuốn sách dù chỉ vỏn vẹn gần 200 trang, dù đôi chỗ còn vụng dại, ta bỗng nôn nao tự hỏi, cái gì sẽ tồn tại và ngự trị trong dòng đời đầy rẫy hiểm nguy và bão tố này… Cuốn hút và xúc động! Có lẽ chỉ cần nói gọn một câu như thế về “Ở đất kẻ thù””.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Câu chuyện này là câu chuyện của lịch sử cho dù nó hoàn toàn được hư cấu. Hư cấu về nhân vật, địa danh, tình tiết câu chuyện nhưng nó vẫn nằm trong một khung cảnh lịch sử của một thời kỳ mà thế hệ tôi đã trải qua và chiêm nghiệm…”.
Nhà văn Võ Thị Hảo: “Cuốn sách này là tác phẩm đầu tay của người được coi là ngoại đạo văn chương nên không tránh khỏi bước chập chững, cá tính nhân vật chưa được khắc hoạ rõ nét, chưa được đẩy lên cao. Tuy nhiên, với nguồn tư liệu sưu tầm công phu, thể hiện rõ nét tính cách, tư duy người Mỹ cộng với sự quyết liệt của người đàn bà dám bỏ lại sau lưng gia đình, danh vị để thực hiện được tâm nguyện của mình quả đáng nể phục. Những đoạn văn sống động, xúc động về làng quê Việt Nam cũng khơi gợi người đọc sự đồng cảm, quí mến. Hơn nữa, cuốn sách của tác giả Lê Lan Anh còn là minh chứng cho sự tự nguyện và hết lòng góp phần xây dựng mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ”. |
Nguyễn Hằng
(thực hiện)