Ngày Gia đình Việt Nam: Cả nhà cùng đọc sách, quay về tuổi thơ

Viên Minh

(Dân trí) - Nhân ngày Gia Đình Việt Nam (28/6), Nhà xuất bản Trẻ giới thiệu một số cuốn sách nằm trong tủ sách Văn học thiếu nhi, để gắn kết các thế hệ trong gia đình qua những câu chuyện và những lời tâm tình.

Kho báu trong thành phố

Tác giả: Nguyễn Khắc Cường

Truyện dài Kho báu trong thành phố kể về cuộc đua đi tìm kho báu của cha con bé Kiến. Từ những thử thách mà những hồi ức về TPHCM ở thập niên 80 hiện ra sống động, với những khung cảnh vừa quen vừa lạ.

Truyện còn là "bộ sưu tầm" những trò chơi dân gian đã từng làm mê mệt trẻ em cách đây mấy mươi năm: chọi dế, thả thuyền, bắn bi, búng thun… được tác giả mô tả hài hước, chân thực.

Tác phẩm này không chỉ dành cho trẻ em, mà người lớn cũng có thể đọc say mê và mỉm cười với một bầu trời tuổi thơ cũ đang trở lại.

Ngày Gia đình Việt Nam: Cả nhà cùng đọc sách, quay về tuổi thơ - 1

Truyện dài "Kho báu trong thành phố".

Tự truyện một con heo 

Tác giả: Lý Lan

Truyện dài đặc sắc dành cho thiếu nhi của nhà văn Lý Lan, kể về cuộc phiêu lưu của Heo từ khi lạc vào một xóm ngoại ô thành phố.

Heo không biết xuất thân của mình ở đâu: từ quán nhậu ở Làng Nướng, khu vườn nhà bà "Trời đất ơi", bãi đất hoang hay từ những nhà trọ công nhân…

Thuộc giống heo rừng, với bản năng của loài động vật sống trong tự nhiên, nó không muốn mình là vật nuôi của ai. Nhưng liệu nó có tìm được rừng?

Với tài kể chuyện duyên dáng, chất giọng Nam Bộ, thủ pháp nhân cách hóa - thông qua lăng kính của một con heo, nhà văn Lý Lan dẫn độc giả nhỏ tuổi theo dõi những cuộc chạy trốn "nghẹt thở" của một con heo "hoang" trong thành phố.

Nhiều câu chuyện dí dỏm được tạo ra trong cuộc trò chuyện giữa Heo và chó Nô Nô, Heo và Dê Già... từ đó nảy sinh những triết lý sâu sắc về tình yêu, tình bạn, sự trung thành, lòng dũng cảm.

Ngày Gia đình Việt Nam: Cả nhà cùng đọc sách, quay về tuổi thơ - 2

Truyện dài "Tự truyện một con heo".

Thung lũng Đồng Vang

Tác giả: Trung Sỹ

Tác phẩm kể về những đứa học trò: Thụy, Thảo, Dực, Linh, Trương, Loan… vừa tinh quái, vừa lém lỉnh, với nhiều "phi vụ" lớn nhỏ, đầy hài hước.  

Chuyện những thầy cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết như thầy Thức, cô Vi vốn là dân Hà Nội tình nguyện lên vùng cao dạy học. Đám học trò tuổi mới lớn và thầy cô giáo trẻ đã khiến cho lớp học ở ngôi trường phố núi đầy tiếng cười và sự thú vị.

Thung lũng Đồng Vang còn có tình bạn đẹp đẽ và những giá trị văn hóa độc đáo, nơi đây có người Tày và người Kinh sống chung. Vùng yên bình này có ngôi trường bên dòng sông, ruộng bậc thang, núi đồi, thôn bản và thời tiết thay đổi theo từng mùa.  

Ngày Gia đình Việt Nam: Cả nhà cùng đọc sách, quay về tuổi thơ - 3

Tác phẩm "Thung lũng Đồng Vang".

Tác phẩm còn có những câu chuyện chưa được kể, hoặc kể dở dang như bức thư mà ông Kiền - người ông từng tham gia chiến trường K - viết cho Thụy và Thảo. Chuyện những chuyến xe đường dài của bố mẹ Thụy - Thảo đi dọc dài đất nước.

Người đọc cũng sẽ bất ngờ với nhiều chuyện kỳ thú khác, như xóm rèn gõ búa ra mưa, đốt lửa dưới gốc trám để quả trám chín tự rụng xuống, những sinh hoạt thường ngày đầy khí chất miền cao, những buổi dã ngoại của lớp học.

Thầy trò Đồng Vang đã biến kiến thức thành những bài học thực tế thú vị, vui nhộn...

Nào cùng nhón chân

Tác giả: Nguyễn Mỹ Nữ

Tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ gồm 15 tác phẩm dung dị, đầy nhân văn và tình người dành cho thiếu nhi.

Cuốn sách kể về sự mất kết nối trong gia đình để đứa trẻ phải "chơi với gấu bông", tình bạn ấu thơ cảm động, tình cảm quê nhà của cậu bé theo cha lên thành phố học, những đứa trẻ phải tự bươn chải quá sớm…

Cốt lõi mà tập truyện muốn hướng đến chính là trẻ em ở những hoàn cảnh khác nhau hiểu nhau hơn, biết cảm thông và chia sẻ cùng nhau.

Cuốn sách giữ lại những phương ngữ đặc trưng, giúp các bé tò mò tìm hiểu và làm giàu thêm vốn từ tiếng Việt.

Ngày Gia đình Việt Nam: Cả nhà cùng đọc sách, quay về tuổi thơ - 4

Tập truyện ngắn "Nào cùng nhón chân".

Cổ tích của ba

Tác giả: Phi Tân

Cổ tích của ba là tập tản văn dành cho thiếu nhi, thiếu niên, bao gồm những câu chuyện cảm động về thời thơ ấu, từ chuyện chơi, chuyện ăn, chuyện mặc, chuyện đi học... thật khác với trải nghiệm của thế hệ bây giờ.

Nhưng chính vì sự khác biệt này, lại là mảnh ghép quý giá, để chính những đứa trẻ ngày nay sẽ thêm tò mò về tuổi thơ của ba mẹ mình, về những câu chuyện ngày xưa.

Ngày Gia đình Việt Nam: Cả nhà cùng đọc sách, quay về tuổi thơ - 5

Tản văn "Cổ tích của ba".

Phi Tân đã vẽ lên những dòng sông, bờ nước, đồng ruộng, ao làng, sân đình, chợ quê... đầy xao xuyến và đáng nhớ, bằng câu chữ mềm mại, với nhiều phương ngữ Huế.

"Tôi đã kể những câu chuyện này với các con của mình, để chúng hiểu thêm về nguồn cội, nơi ba mình sinh ra và lớn lên. Rồi từ ký ức của tôi, các con hẳn sẽ biết yêu thương, gìn giữ những điều mộc mạc, giềng mối xóm làng, thân tộc", nhà văn nói. 

Chim én bay về

Tác giả: Tất Thắng

Tập truyện lấy bối cảnh miền đồng quê Bắc Bộ với những nét văn hóa đặc trưng. Cảm xúc nhẹ nhàng, trong trẻo toát lên vẻ thanh bình từ cảnh trí, sinh hoạt đời thường của làng quê cũng như những nhân vật trong truyện.

Ngày Gia đình Việt Nam: Cả nhà cùng đọc sách, quay về tuổi thơ - 6

Tập truyện "Chim én bay về".

Lối viết của tác giả Tất Thắng vừa có chút mộng mơ, vừa hiện thực, giàu trải nghiệm với thế giới của tuổi thơ và nhiều chi tiết cảm động.

Truyện đem đến cho độc giả nhỏ tuổi những câu chuyện thú vị về cuộc sống làng quê một thuở, dẫn các em tới những không gian êm đềm, nơi dung chứa tình yêu thương, sự sẻ chia.

Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ