Lệ Quyên: "Tôi đã đi sửa mũi"
(Dân trí) - "Đã đi thẩm mỹ rồi thì đừng bao giờ phủ nhận điều đó. Đó là một việc làm hiện đại, văn minh, chẳng có gì xấu hổ nếu mình làm đúng cách, phù hợp..." ca sĩ Lệ Quyên bày tỏ quan điểm về việc đi thẩm mỹ.
“Đĩa của tôi dễ nghe nhưng chưa chắc dễ… hát”
Nhiều người có thắc mắc: trong hai năm qua các ca sĩ bayshow ngoại nhiều như Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm…nhưng vẫn không vắng bóng trên sân khấu nhà trong khi Lệ Quyên thì…?
Thực ra tôi đi lưu diễn không quá nhiều: chỉ 3 lần thôi. Cái phần biểu diễn trên truyền hình trong nước của tôi ít hơn các ca sĩ khác chứ tất cả các sân khấu lớn không có truyền hình, các phòng trà, các tỉnh v.v… tôi vẫn diễn rất là đều đặn. Có thể ít nhìn thấy tôi trên truyền hình nên khán giả truyền hình mới nghĩ là tôi vắng bóng như thế.
Mà cá nhân tôi không trưởng thành từ các chương trình truyền hình, các giải thưởng truyền hình tôi cũng không tham gia được mà tôi được mọi người biết đến qua sản phẩm CD. Điều này cũng là vấn đề để tôi lưu tâm hơn, cần phải song song các sân khấu chứ không chỉ cần lịch diễn kín là đủ.
Và lần ra mắt album tiếp theo này cũng là cách tôi đến gần với công chúng cả nước hơn, khẳng định tôi không vắng bóng trên thị trường âm nhạc.
Một đợt, khắp nơi các quán bar, phòng trà v.v… bật đĩa “Giấc mơ có thật” của Lệ Quyên. Có thể nói rằng đó là thành công không phải ca sĩ phòng trà nào cũng giành được. Hai năm, sau “Giấc mơ có thật”, chị mới ra tiếp album “Lời yêu còn mãi”. Chị có “nhắm” sẵn ca khúc nào đó để tạo độ “hot” cho CD thứ 2 này không?
Rồi tất cả đã qua đi, cả những buồn vui đắng cay, ngọt ngào…Lời yêu còn mãi vẫn là những khúc tình ca thiết tha chấp cánh cho những khát khao thầm kín trong lòng. Với tôi, đây là CD tôi lấy làm tự hào vì đã tiên phong trong phong trào sử dụng các bài hát thuần Việt, không sử dụng nhạc ngoại.
10 ca khúc trong CD của nhạc sĩ Tường Văn, Duy Linh, Tuấn Nghĩa, Trương Lê Sơn, Đức Huy, Thái Hùng, Kỳ Phương đều là những ca khúc tôi yêu thích và chọn lựa (sự chọn lựa có ý kiến của nhạc sĩ Tường Văn). Tôi hát cả 10 ca khúc đó bằng sự đam mê cháy bỏng của mình.
Dĩ nhiên tôi cũng “nhắm” riêng vài ca khúc nhưng tôi chưa muốn tiết lộ sớm. Tôi muốn chờ xem phản ứng của khán giả như thế nào. Tôi muốn biết cảm nhận của khán giả có giống như cảm nhận của mình về từng ca khúc hay không?
Thực tế thì khi nghe “Lời yêu còn mãi” này, người ta rất có cảm giác các ca khúc trong CD đơn giản, dễ hát và dễ…lẫn với một vài CD của ca sĩ khác như “Nếu…” của Mỹ Dung chẳng hạn?
Tôi nghĩ sản phẩm của mình, kể cả Giấc mơ có thật cũng như Lời yêu còn mãi đều dễ cảm nhận, dễ nghe nhưng chưa chắc dễ…hát. Như CD 1, cũng những bài đơn giản thôi, mọi người bảo thích nghe lắm nhưng không hề dễ hát. Đi hát karaoke họ hát không nổi và các ca sĩ khác cũng không hát được, ít nhất là họ không hát được như mình đã hát. Đấy là cái tôi cho rằng là sự khác biệt mà mọi người chưa thấy được ngay.
Tiêu chí của tôi là những bài hát gắn bó với đời sống, con người, giống như tình yêu nó thực tế nhưng không tầm thường. Thực tế và tầm thường khác nhau hoàn toàn. Nếu tầm thường quá thì không phải là một tác phẩm nghệ thuật.
Chị nghĩ sao khi cũng có người cho rằng Lệ Quyên may mắn “hợp” với ca khúc của nhạc sĩ Tường Văn như “cá vớ được nước” nên mới “bật” lên như ngày nay bằng không mãi mãi chỉ là thứ hạng “ca sĩ phòng trà”?
Ý kiến đó cũng đúng nhưng không hoàn toàn đúng. Tôi hợp tác với nhạc sĩ Tường Văn nhưng đồng thời tôi vẫn hợp tác với các nhạc sĩ khác. Tôi muốn hát nhiều ca khúc của nhiều nhạc sĩ chứ không có ý định “đóng khung” với một thể loại nào. Cứ tìm được ca khúc hay là tôi chọn, tôi hát thôi!
“Tôi sửa mũi thì dám nhận là mình đi sửa mũi”
Cho đến thời điểm này, theo chị, để đánh giá một ca sĩ thành công thì quan trọng nhất là yếu tố giọng hát, ngoại hình hay là bản lĩnh?
Ở thời điểm bây giờ để đánh giá một ca sĩ thành công thì tất cả phải cộng hưởng với nhau. Bây giờ không phải ca sĩ cứ đứng yên để hát, mặc bất cứ thứ gì và bước lên là hát. Bây giờ không thể nói rằng tôi mặc như người bình thường nhưng tôi hát hay thì tôi vẫn là ca sĩ, không phải như vậy. Nghệ sĩ phải phân biệt từ cách ăn mặc, cách trau truốt về hình thức, về lời ăn tiếng nói và giao lưu với khán giả. Người ta vẫn nói về nghệ thuật giao lưu với khán giả - điều này rất quan trọng.
Người nghệ sĩ nói chung, ca sĩ nói riêng, bây giờ không chỉ cần trau dồi về nghề nghiệp mà còn phải trau dồi về văn hoá. Tất nhiên, tài năng phải có thì mới làm nghệ thuật được rồi. Đi song song cùng hình thức, tài năng còn là sự khổ luyện, cố gắng và bản lĩnh, dám đương đầu với những khó khăn để vươn lên. Cái đó không phải ai cũng làm được.
Sự cố gắng và bản lĩnh của chị để vươn lên vị trí của một ca sĩ thành công, trong đó phải kể đến việc chị đi… thẩm mỹ?
Tôi là người rất thẳng thắn. Tôi rất ghét người nào làm mà không dám nhận. Tôi nghĩ thẩm mỹ là bước tiến rất lớn để giúp con người ngày càng đẹp, càng hoàn thiện hơn. Thẩm mỹ cần được hiểu đúng. Mình cứ hiểu đúng từ thẩm mỹ là mình hiểu giá trị của nó rồi. Thẩm mỹ đơn giản là cái đẹp thôi.
Đâu phải ai sinh ra cũng tròn vo như một quả cầu đâu, được cái này, mất cái kia. Thực sự xét về hình thức bên ngoài của tôi, tôi nghĩ là mình tạm bằng lòng. Có cái tôi thấy mình cần nhờ đến thẩm mỹ một chút cho hình ảnh của mình hoàn thiện hơn trong mắt công chúng và tôi đã đi sửa mũi.
Tôi chỉ sửa một chút thôi, không lạm dụng thẩm mỹ nên phải nói ra là mình đi thẩm mỹ thì mọi người mới biết. Sau khi tôi đi thẩm mỹ, rất là vui vì ai cũng… khen. Mọi người nói, hình ảnh như này mới chính là tôi.
Cứ coi như đi “sửa lại mũi” như chị là một…thành công, vậy chị có gì muốn chia sẻ với những ai đã, đang và sẽ đi thẩm mỹ không?
Một lời chia sẻ với mọi người, nếu như ai đó định đi sửa lại một cái gì đấy của mình cho đẹp hơn thì hãy suy nghĩ kỹ và dũng cảm. Mà đã đi thẩm mỹ rồi thì đừng bao giờ phủ nhận điều đó. Đó là một việc làm hiện đại, văn minh, chẳng có gì xấu hổ nếu mình làm đúng cách, phù hợp. Nhưng bên cạnh đó cũng không nên quá lạm dụng vào thẩm mỹ. Có người lạm dụng quá, sửa mặt như một bức tượng - như thế là phản tác dụng, không hiểu biết.
“Người đàn ông không nuôi được tôi thì cũng đừng để tôi phải nuôi”
Tò mò một chút, những ca khúc chị hát luôn luôn nói đến các cung bậc tâm trạng của một người đau khổ trong tình yêu. Vậy những cảm xúc đó phải chăng có thật ngoài đời và chị đã trải qua?
Những cảm xúc đó đôi khi là tâm trạng của tôi từ những hoàn cảnh của chính tôi, đôi khi lại là sự chứng kiến về tâm trạng của người thân, bạn bè, những người sống quanh mà tôi biết. Tôi hát bằng cảm xúc của chính tôi và cảm xúc của những người tôi thân, tôi quí. Tôi sống bằng cảm xúc của họ để tôi hát.
“Những cung bậc tâm trạng của một người đau khổ trong tình yêu” - ngoài đời nếu có một người đàn ông làm cho chị “đau khổ” dường vậy hẳn chị đã yêu người đó nhiều lắm. Mẫu người đàn ông có thể làm cho chị “đau khổ” cần có những điều kiện gì?
Tôi là người rất biết nhìn nhận vấn đề và tôi không có mẫu người đàn ông cụ thể. Tuy nhiên người đàn ông tôi cần, đầu tiên là phải có bản lĩnh và lòng tự trọng. Nếu người đàn ông mà thiếu hai điều đó thì tôi nghĩ mình cần phải xem lại.
Nếu một người đàn ông bản lĩnh và tự trọng nhưng không hề có…tiền, liệu chị có “cần” người ta không?
Một người đàn ông có tiền nhưng chưa hẳn đã có bản lĩnh và lòng tự trọng. Tiền không thể “giải quyết” được những yếu tố đó. Có nhiều người đàn ông có tiền nhưng không có lòng tự trọng và sự hiểu biết (họ giàu nhưng không sang). Tuy nhiên một người đàn ông có bản lĩnh và lòng tự trọng nhưng nghèo quá cũng không nên.
Người đàn ông của tôi không nhất thiết phải có vật chất đầu tiên nhưng ít nhất cũng phải nuôi được… mình, chăm lo được gia đình. Người đàn ông không nuôi được tôi thì cũng đừng để tôi phải nuôi. Tôi không bao giờ có khái niệm nuôi đàn ông!
Một câu hỏi ngoài lề nữa, tết này chị sẽ bayshow ngoại hay ăn tết cùng gia đình?
Tôi sẽ cố không nhận những chuyến lưu diễn xa nhà. Tôi thích ăn tết, quây quần cùng gia đình và đặc biệt tôi thích ăn tết ở Hà Nội. Cái lạnh, không gian yên bình, không xô bồ của cái tết miền Bắc khiến lòng tôi thanh thản hơn.
Xin cảm ơn chị!
Hàn Nguyệt