Nghệ An:
Lễ hội Đền Thanh Liệt được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
(Dân trí) - Lễ hội đền Thanh Liệt hay còn gọi là lễ hội rước hến là một tục lệ có từ lâu đời của làng Thanh Liệt, xã Hưng Lam, Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Đây một lễ hội mang tính chất cầu ngư giàu bản sắc, gắn bó với cư dân sông nước nơi hạ nguồn dòng sông Lam.
Theo đó, trong đợt này, tỉnh Nghệ An có 1 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận đó là Lễ hội Đền Thanh Liệt, xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên.
Lễ hội đền Thanh Liệt hay còn gọi là lễ hội rước hến là một tục lệ có từ lâu đời của làng Thanh Liệt, xã Hưng Lam, Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Đây một lễ hội mang tính chất cầu ngư giàu bản sắc, gắn bó với cư dân sông nước nơi hạ nguồn dòng sông Lam.
Lễ hội đền Thanh Liệt được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch hằng năm. Lễ hội này đã thu hút nhân dân vạn chài làng Thanh Liệt (xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) ở khắp nơi trên mọi miền đất nước trở về quê hương để vui hội.
Lễ hội đền Thanh Liệt được mở đầu khi trời còn sáng sớm, với lễ rước kiệu trên bộ từ ngôi đền thiêng của làng ra bãi bồi ven sông Lam sau đó đoàn rước tiến hành rước thủy trên một đoàn thuyền lớn được kết lại với nhau, trang trí cờ hoa rực rỡ.
Đi đầu đoàn rước là thuyền chủ có trang trí án thờ thủy thần, trên thuyền chở các bô lão của làng, tiếp theo là thuyền chở kiệu thần, sau cùng đoàn thuyền của nhân dân trong làng. Bơi quanh đoàn thuyền rước là 2 thuyền rồng, mỗi thuyền do 12 nam, 12 nữ mặc trang phục truyền thống vừa bơi trải vừa hát ví, hát dặm những làn điệu dân ca xứ Nghệ.
Cao trào của lễ rước trên sông Lam là lễ tế thủy thần ở ngã ba sông Lam nơi giao lưu với dòng sông Lam và Sông La (Hà Tĩnh) để cầu cho người ngư phủ được tôm cá đầy thuyền, cho con hến sinh sôi nảy nở…
Xung quanh đoàn thuyền rước là 2 thuyền rồng của trai, gái làng liên tục hò hét vang dội cả khúc sông. Lễ tế được tổ chức 2 lần trong thời gian từ 5 đến 6 giờ đồng hồ và kết thúc bằng màn rước kiệu về lại ngôi đền của làng, sau đó nhân dân bước vào phần hội. Phần hội diễn ra cũng không kém phần hấp dẫn với những trò chơi dân gian mang đậm màu sắc sông nước với các trò chơi dân gian như: thi bơi trải; thi cướp giải, bơi qua sông Lam, thi lặn,…
Lễ hội đền Thanh Liệt là một "đặc sản" lễ hội dân gian giàu bản sắc văn hóa thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và mang đậm dấu ấn của cư dân miền sông nước.
6 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần này gồm:
1. Lễ cúng rừng của người Phù Lá (xã Nàn Sỉn, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang);
2. Lễ hội Nàng Hai (Cầu Trăng) của người Tày Ngạn (xã Vô Điếm, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang);
3. Lễ hội Đền Thanh Liệt (xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An);
4. Lễ hội Làng Thượng Liệt (xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình);
5. Lễ hội Đền Độc Cước (Thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa);
6. Lễ hội Đình Thọ Vực (Xã Hồng Lạc, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang).
Các di sản văn hóa phi vật thể được công nhận thuộc 2 loại hình: Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống.
Quyết định nêu rõ, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần này, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa phi vật thể theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Nguyễn Duy