Làng chèo Quỳ Lăng: Một nét văn hóa đang dần "biến mất"
(Dân trí) - “Câu lạc bộ chèo bây giờ chỉ giống như cái áo mưa. Lúc trời mưa thì người ta mang ra mặc, tạnh mưa lại đem xếp cất vào góc… Có câu lạc bộ nhưng không có sinh hoạt, nên không thể có nối nghiệp về sau được nữa”. Đó là lời chia sẻ đầy xót xa của ông Đậu Xuân Bách, người đã gắn bó lâu năm với nghệ thuật chèo làng Quỳ Lăng (Yên Thành, Nghệ An).
Văn hóa chèo xưa nay nổi danh ở vùng Kinh Bắc, nhưng giữa mảnh đất miền Trung nắng cằn sỏi đá. Cũng có một vùng đất đã mang truyền thống hát chèo từ lâu đời mà không phải ai cũng biết, đó là xã Lăng Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An). Lăng Thành (làng Quỳ Lăng xưa) từ lâu đã có nghệ thuật hát chèo nổi tiếng cả một vùng.
Theo ghi chép, nghệ thuật hát chèo được du nhập vào Nghệ An qua con đường giao thương, buôn bán. Trước đây, người dân các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu có cơ hội tiếp xúc với chèo thông qua những lần đi buôn bán với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ bằng đường biển. Họ học hát chèo rồi mang về phổ biến ở quê hương. Làng Quỳ Lăng cũng được tiếp thu văn hóa chèo từ đó. Chèo dần phát triển, dần trở thành một món ăn tinh thần đặc sắc của người dân nơi đây.
Ông Đậu Xuân Bách (70 tuổi, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ chèo) chia sẻ: “Trước đây, đội chèo của Lăng Thành đi diễn khắp các hội diễn của tỉnh, huyện. Đến bây giờ không bao cấp nữa nên không thành lập tổ chung, lúc nào cần thì họ điều”.
Để gìn giữ nét đẹp này, từ năm 2007, câu lạc bộ chèo xã Lăng Thành đã được thành lập với khoảng 40 người. Thành viên không phải là những nghệ sĩ mà là những người lao động trong làng. Họ là những người có giọng hát, yêu mến âm hưởng ngọt ngào của làn điệu chèo.
Tuy nhiên, thực tế đáng buồn hiện nay là hoạt động chèo của địa phương đang dần mai một. Theo ông Bách: “Câu lạc bộ chèo bây giờ chỉ có “cái tiếng nhưng miếng không có”. Thành lập đã lâu nhưng bị gián đoạn, cả năm không có hoạt động, không họp hành, sinh hoạt, giao lưu.”
Được biết, câu lạc bộ chèo có Ban chủ nhiệm gồm 3 người: ông Hội là chủ nhiệm, ông Bách là Phó chủ nhiệm, bà Loan giữ chức vụ thủ quỹ. Tuy bầu ra rồi nhưng Ban chủ nhiệm không có hiệu lực gì vì suốt cả năm lãnh đạo xã không mời các thành viên và chủ nhiệm CLB chèo lên để góp ý kiến xây dựng, hay đề ra phương hướng để mỗi năm có thể có một chương trình chèo.
Ông Bách buồn bã nói: “Câu lạc bộ chèo bây giờ chỉ giống như cái áo mưa, lúc trời mưa thì người ta mang ra mặc, tạnh mưa lại đem xếp vào góc….Khi có các chương trình từ tỉnh, trung ương yêu cầu thì xã gọi một số thành viên ra biểu diễn, còn khi các đoàn ra khỏi cổng làng thì coi như hết hoạt động”.
Thực tế bây giờ, các thành viên câu lạc bộ chỉ có danh nghĩa mà không có hoạt động thường xuyên. Băn khoăn trước sự phát triển trong tương lai của làng chèo, ông Bách nói: “Có câu lạc bộ nhưng không có sinh hoạt nên không thể có người nối nghiệp về sau được nữa. Đáng ra thế hệ như các ông, các bà phải truyền lại cho các cháu nhưng không có thời gian, không có đầu tư, không có gặp gỡ thì không bao giờ có truyền lại được. Thế hệ như các ông rồi cũng già, rồi sẽ mất đi. Bây giờ trong câu lạc bộ, lớp người trẻ thì có, nhưng nói trẻ thì cũng đã tầm 40 tuổi, còn lớp thanh niên thì không hề có”.
Anh Nguyễn Hữu Hải - Phó chủ tịch UBND xã Lăng Thành, đại diện Ban văn hóa xã chia sẻ: “Hạt nhân hát chèo đang mất dần. Từ khi cụ Bá Cần - cán bộ văn hóa huyện, cũng là nhân tố chủ chốt của đội chèo mất đi, người viết được chèo trong xã chỉ còn ông Bách. Văn hóa chèo là nét đẹp thì cần phải giữ, còn việc phát huy cho thực rõ nét, trống dong cờ mở thì khó. Việc tổ chức một chương trình hát chèo để thu hút người dân là không có. Một chương trình văn nghệ phải có tổng hợp giữa các thể loại thì người ta mới xem, nhưng vẫn phải giữ chèo. Bởi vậy các lần đi thi văn nghệ như tiếng hát làng Sen vẫn phải có tiết mục chèo”.
Theo lãnh đạo xã và các thành viên câu lạc bộ thì mỗi người đều có công việc riêng của mình, bây giờ không còn thời bao cấp, không thể bắt ai làm không cho ai cái gì. Các thành viên câu lạc bộ chèo yêu cầu xã phải cấp chi phí cho các hoạt động tập luyện, biểu diễn, trả tiền tác quyền sáng tác bài hát thì họ mới có thể sinh hoạt được. Vì không có kinh phí sinh hoạt, muốn tập hợp các thành viên cũng không được, cuối cùng vì đó mà mất phong trào.
Anh Hải giải thích: “Mỗi năm xã trích kinh phí cho tất cả các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao là 15 triệu. Vì vậy, trước yêu cầu chi phí của câu lạc bộ chèo đưa ra, xã không đáp ứng được. Mà không đủ yêu cầu thì họ không tập. Mỗi thành viên trong câu lạc bộ có việc làm cụ thể, người thì buôn bán, người thì làm nông, họ không thể bỏ hàng quán, công việc để đi tập chèo không công, đó là thực tế. Với kinh phí hạn hẹp xã chỉ có thể cấp cho họ hoạt động thời vụ, ở một vài sự kiện, còn muốn đảm bảo hoạt động thường xuyên liên tục thì không làm được”.
Xã cũng có quỹ khoảng 30 triệu cho hoạt động chèo do huyện cấp, hàng năm lấy đó làm kinh phí hoạt động. Xã đã dùng quỹ đó để sắm sửa các đồ dùng, phục trang, nhạc cụ cho đoàn chèo và tổ chức các buổi giao lưu, gặp mặt. Tuy nhiên số tiền đó cũng không đủ để xây dựng một kế hoạch, đầu tư cho một chiến dịch dài hơi vực dậy làng chèo đang dần biến mất.
Đào Phương - Hoài Phương