Kỷ niệm 50 năm ngày công chiếu bộ phim tài liệu “Địa đạo Vịnh Mốc: Chiến tranh nhân dân”
(Dân trí) - Trong hai ngày 22 và 23/11 tại Hà Nội sẽ tiến hành Hội thảo “Joris Ivens và cuộc chiến tranh Việt Nam” kỷ niệm 50 năm ngày công chiếu bộ phim tài liệu “Địa đạo Vịnh Mốc: Chiến tranh nhân dân”do Đạo diễn người Hà Lan Joris Ivens cùng vợ là bà Marceline - Loridan Ivens làm, có sự cộng tác của các nhà điện ảnh Việt Nam.
Tham dự hội thảo có những nhà làm phim và học giả đến từ các nước Hà Lan, Mỹ, Canada, Australia… Để nhớ lại bối cảnh những năm 1960-1970 tại Việt Nam, chúng tôi xin trích đăng một đoạn trong bài bút ký “Đảo nhỏ và Dòng sông” của nhà báo Phan Quang in trên báo Nhân Dân năm 1975.
Tôi muốn mở đầu bài viết về Vĩnh Linh, về cuộc chiến đấu bền bỉ và nhiều vẻ trên hai bờ con sông chia cắt bằng việc thuật lại một vài chiến công của đảo Cồn Cỏ và những chiến công vì Cồn Cỏ. Cũng như những đóng góp của Quảng Trị - Vĩnh Linh đối với chiến trường cả nước, Cồn Cỏ chiến đấu nhằm bảo vệ miền Bắc, và ngược lại, máu và mồ hôi của Vĩnh Linh, của cả nước đổ ra bảo vệ Cồn Cỏ là giữ gìn máu thịt của Tổ quốc ta - dù đó chỉ là một hòn đảo nhỏ (hồi ấy) chưa có dân sinh sống và cũng chưa mấy ai biết đến tên.
Những cố gắng của đồng bào Vĩnh Linh tiếp tế lương thực, vũ khí và nhân lực cho Cồn Cỏ là những chiến công thầm lặng và anh hùng, phản ánh đúng bản chất con người Quảng Trị. Vì sự cần thiết bảo vệ đảo Cồn Cỏ, những người dân đánh cá nghèo các thôn ven biển Vĩnh Linh đã đào những địa đạo sâu mấy chục mét trong lòng đất làm nơi tránh bom đạn cho đồng bào, nghỉ chân cho bộ đội và cất giữ lương thực, vũ khí sẽ đưa vào chiến trường miền Nam và tiếp sức cho hòn đảo nhỏ.
Tôi từng có mấy dịp về thăm các địa đạo thuộc địa phận các xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh. Tôi đã biết bầu không khí ngột ngạt dưới đường hầm đào sâu trong lòng đất, không có nguồn ánh sáng nào khác ngoài ngọn đèn dầu tù mù lửa to bằng hạt đỗ, không có phương tiện thông gió nào ngoài những lỗ khoét từ lòng đất lên mặt đất. Vậy mà đồng bào ta đã tổ chức ở đó cả cuộc sống gần như bình thường, có giếng nước ăn, có nơi họp đội sản xuất (cũng là đội du kích), có những ngách riêng cho mỗi gia đình, có chỗ nghỉ ngơi cho thương binh, người bệnh và phụ nữ sinh đẻ. Riêng một thôn Vịnh Mốc xã Vĩnh Thạch đã có mười bảy cháu bé chào đời trong lòng đất.
Tháng chín vừa qua (1975), tôi trở lại thăm cụ Mò, một người dân đánh cá từng sống nhiều năm trong địa đạo mà tôi được hầu chuyện lần trước. Những người tôi gặp đầu tiên trước ngõ dẫn vào nhà cụ là hai em bé gái chừng bảy, tám tuổi. Đồng chí bí thư đảng ủy xã Vĩnh Thạch cùng đi cuời: “Đó, đó, hai đứa nớ sinh dưới địa đạo đó”.
Hai em bé xấu hổ chạy vào vườn nấp sau bụi chuối nhìn hai ông khách. Một trong hai em là cháu nội cụ Mò, em kia là con một người dân đánh cá có nhiều công phục vụ đảo và đã hy sinh mấy năm trước. Mẹ em hiện là Ủy viên Hội đồng nhân dân xã.
Thời gian đầu, những người đi phục vụ đảo được lựa chọn rất kỹ. Ai muốn ra đảo phải làm đơn xung phong tình nguyện. Thanh niên thường được “ưu tiên”, bởi các cán bộ, đảng viên phần đông lớn tuổi, con cái đông. Hai đảng viên chi bộ thôn Vịnh Mốc được đi tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ đầu tiên là Trần Lệnh và Ngô Toàn. Gặp địch trên biển, Trần Lệnh chiến đấu và hy sinh, Ngô Toàn bị địch bắt, đến năm 1973 mới được trả về. Đồng chí Hồ Tỉ con trai cụ Mò phải lấy máu mình viết đơn trình Đảng ủy, xin được đi phục vụ đảo Cồn Cỏ. Làm đơn bằng máu, vì lúc này anh đã có ba con, một trai hai gái, khó lòng được tổ chức chấp thuận.
Chuyến đi ấy của Hồ Tỉ còn có người anh ruột là Hồ Triêm, nay là Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã đánh cá Vịnh Mốc.
Gặp tàu chiến địch, thuyền Hồ Tỉ bị chúng bắn chìm, anh hy sinh. Chiếc thuyền của Hồ Triêm thoát được ra ngoài vòng lửa, sau trận đánh quay lại cứu hai người bị thương. Sau lần ấy, cụ Mò xin đi phục vụ chiến đấu để “trả thù cho con”, theo lời cụ nói. Hồi đó cụ đã 65 tuổi nhưng giống như nhiều người dân vùng biển, cụ vẫn quắc thước, người chắc nịch như pho tượng đồng đen, chèo thuyền suốt đêm không mỏi.
Cụ Mò kể: “Đèn dù và pháo sáng chúng nó thả thâu đêm, sáng hơn ban ngày, một cái kim để trong thuyền cũng nhìn thấy. Tàu chúng nó lui tới tuần tra suốt năm canh. Anh bộ đội hỏi, cụ làm thuyền trưởng được không, tôi đáp: “Được. Gặp địch các chú để thuyền mặc tôi, các chú cứ lo việc đánh”. Chuyến đi ấy trong thuyền cụ có chở máy bộ đàm và nhiều súng ống, có khẩu nòng to bằng cái chày giã gạo. Khởi hành lúc hai giờ đêm, ra tới Cồn Cỏ thì trời vừa sáng. Bộ đội ta từ trên đảo ào xuống bốc hàng. Tôi tìm chỗ giấu xong được chiếc thuyền, anh thủ trưởng đơn vị thân xuống mời len chỗ anh uống nước, tôi còn nhớ anh ta tên Bút, quê đâu mãi trong Nam…”
Ôi, Cồn Cỏ đảo nhỏ thân yêu, có bao nhiều người chiến đấu, hy sinh vì đảo, có bao nhiêu người dân đã chung tay cùng bộ đội bảo vệ vọng gác tiền tiêu của Tổ quốc. Mỗi một thôn Vịnh Mốc này đã có mấy chục người chuyển hàng ra đảo và không trở lại. Chiến thắng của đảo Cồn Cỏ làm nức lòng dân cả nước. Năm mươi máy bay Mỹ bị các lực lượng ta đóng trên đảo bắn rơi, nhiều tàu chiến địch bị ta bắn cháy hoặc chìm. Năm 1968, Hồ Chủ tịch hai lần gửi thư khen: Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/ Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ. Có mấy ai đến Vĩnh Linh trong chiến tranh cũng như sau ngày hòa bình lập lại mà không có lời hỏi thăm đảo Cồn Cỏ! Vừa qua, tôi vào Nam trên chuyến bay dân dụng đầu tiên cất cánh từ sân bay Gia Lâm, một chiếc máy bay cánh quạt AN24 bay thấp là là, khi ngang qua không phận Cửa Tùng mọi hành khách trên tàu bay đều nhao về phía cửa sổ: “Đâu? Cồn Cỏ đâu?”
Cồn Cỏ nơi kia, nhỏ bé, thân thương, gần gũi. Nhưng làm sao nhìn thấy rõ đâu là vọng gác của Anh hùng đảo trưởng Thái Văn A, đâu là nơi cụ Mò giấu chiếc thuyền của cụ?
Chiến sĩ, lương thực, vũ khí trước khi ra Cồn Cỏ thường được nghỉ ngơi và cất giữ dưới hầm sâu. Vì trách nhiệm bảo vệ quê hương, vì nghĩa vụ đối với miền Nam ruột thịt, người dân Vĩnh Linh bám đất giữ làng, và ngay từ những ngày đầu, đã gánh chịu nhiều trận bom phá hủy ác liệt nhất. Như trận đánh tháng 8 năm 1965, mấy chục chiếc máy bay Mỹ quần đảo bốn tiếng đồng hồ liền riêng cái thôn Vịnh Mốc nhỏ bé này. Hàng trăm nóc nhà dân gàn bờ biển cháy rụi cùng thuyền lưới, tài sản, ngư cụ. Dân làng chài buộc phải rời lên trú tại các đồi đất đỏ. “Cái nhà này đây - cụ Mò nói - tui làm lần thứ tư”.
Những chiếc hầm chữ A vốn được coi là lợi hại vẫn không chịu nổi sự đánh phá hủy diệt của Mỹ sử dụng khoa học và công nghệ phát triển nhất của họ. “Bom dù” giết hại những người nấp trên mặt đất hoặc trú trong những cái hầm không có nắp. “Bom phá” hất tung mọi nhà cửa tre pheo. “Bom xuyên, bom khoan” xoáy sâu vào lòng đất, phá nát các công sự ngầm. Và để giết người dân vào lúc bất thần, không để cho ai kịp phòng bị, chúng dùng bom ném từ máy bay “tọa độ”, pháo bắn từ chiến hạm “tăng tầm”. Chẳng ai thấy máy bay tàu biển đâu, chẳng ai nghe tiếng động cơ nhỏ nào, bỗng dưng cái chết ập xuống đầu!
Để đối phó với bấy nhiêu thủ đoạn và công nghệ giết người, để bám trụ mà chiến đấu tới cùng, người Vĩnh Linh không có cách nào khác hơn là chui sâu vào lòng đất. Cái hầm địa đạo đầu tiên của thôn Vịnh Mốc dài hơn trăm mét và ở tầm sâu 68 mét so với mặt đất. Về sau mở rộng thêm, bốn đội sản xuất mỗi đội có địa đạo riêng. Tất cả mọi công trình trong lòng đất đều được làm bằng hai cánh tay cùng cái cuốc, cái mai, chiếc sọt tre thô sơ chuyển đất, với quyết tâm và nghị lực phi thường. Hầm địa đạo sâu nhất thôn Vịnh Mốc có lối mở thông ra phía biển. Mỗi phiến đá, mỗi nắm đất đỏ khoét từ lòng đất, bà con lẳng lặng mang ra đổ xuống biến, và mang đi cách sao không để rơi một nắm đất đỏ lưu dấu khác lạ trên bãi cát trắng vào ban ngày, có như vậy mới tránh được những con mắt nghiêng ngó của địch từ những chiếc máy bay trinh sát bay vè vè suốt ngày từ mờ sáng đến tối mịt.
Đầu năm 1968, không quân Mỹ mở một đợt bắn phá ác liệt suốt bảy ngày ròng xuống đặc khu Vĩnh Linh (…), thôn Vịnh Mốc không thiệt hại về người và của (…) Sau trận ấy, tôi có dịp đứng hồi lâu trong địa đạo Vịnh Mốc, qua ánh sáng chiếc đèn bão, ngắm nhìn những hàng cột gỗ chống hầm hun hút chạy dài như dẫn đến một nơi vô tận. Tám mươi hai gia đình trong thôn đã tự tay tháo dở nhà mình, lấy vật liệu đưa xuống hầm làm cột và xà ngang phòng chống đất sạt lở. Những chiếc cột nhà tổ tiên để lại bằng gỗ gõ (gụ), gỗ mít, gỗ xoan, những chiếc xà nhà còn nguyên nét chạm khắc đầu rồng, đầu lân cùng hoa lá…, những ngôi nhà từng là nhưng nơi sinh sống ấm êm, chứng kiến bao buồn vui của những đời người nay cùng được quy về một mối dùng xây địa đạo vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Từ trong bóng tối bước ra bãi biển, mắt tôi còn chói lòa trước ánh sáng rực rỡ mênh mông của trời biển Cửa Tùng, chợt nhìn thấy một cháu bé chưa đầy năm tuổi đang nằm ngủ ngon lành trong cái thúng nan vốn dùng đựng cá, một chiếc áo bộ đội cổ áo có gắn quân hiệu hẳn hoi đắp lên người cháu: bố cháu vừa mới được về phép tối hôm qua. Tôi hỏi, cháu tên gì. Anh bạn cùng đi đáp thay người mẹ: “Tên nó là thằng Đạo”.
Anh đùa hay nói thật?
- “Sinh ra dưới địa đạo thì đặt tên thằng Đạo chứ còn gì! Ở đây có đến một chục đứa cùng mang tên Đạo”…
Trích từ bài “Đảo nhỏ và dòng sông”, báo Nhân Dân số ra ngày 17 và 18/10/1975,
In lại trong sách “Đất nước một dải” của Phan Quang, NXB Thanh niên, 1975, tr. 69-75.