Gian nan làm phim sử Việt:
Hư cấu đến đâu cũng phải mang chất Việt
Nhà sử học Lê Văn Lan được mời làm thành viên hội đồng xét duyệt, thẩm định một số kịch bản, phim truyện lịch sử Việt Nam sản xuất trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. PV đã có cuộc trò chuyện với ông xung quanh việc làm phim lịch sử.
Với góc nhìn của một nhà nghiên cứu lịch sử và thành viên tham gia vào hội đồng duyệt phim truyện lịch sử vừa qua, theo ông biên độ hư cấu trong các bộ phim lịch sử cần phải nằm trong giới hạn nào để phim vừa hấp dẫn nhưng vẫn đảm bảo được tính chân thực của lịch sử?
Tôi nhận thấy có hai dòng, hai quan niệm về việc làm các tác phẩm văn học nghệ thuật, trong đó có phim truyện lịch sử, được đúc kết lại như sau. Một dòng hay một trường phái coi lịch sử là điều tối thượng, cốt lõi. Các văn nghệ sĩ chọn và thực hiện quan niệm nghệ thuật đối với đề tài lịch sử là bám sát, phản ánh chân thực lịch sử, chỉ làm phong phú, sinh động, hấp dẫn, sâu sắc thêm. Họ tạo ra ngôn ngữ không phải của các nhà sử học mà là ngôn ngữ của văn học nghệ thuật cho lịch sử.
Trường phái thứ hai quan niệm: lịch sử là cái đinh để mắc “cái áo” văn học nghệ thuật vào đấy. Các nhà làm điện ảnh, nghệ thuật chỉ coi lịch sử là cái cớ, chứ không bám nhằng lấy. Họ chỉ mượn lịch sử, mượn sự kiện, nhân vật để mang đến những câu chuyện với những cảm xúc, ý tưởng, ý đồ và cả triết lý đã có qua ngòi bút, những thước phim.
Tôi nhận thấy trường phái thứ hai đã vô thức hay hữu thức bao trùm lên các bộ phim lịch sử mà chúng ta đã làm vừa qua. Chẳng hạn như bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ (dựa theo kịch bản văn học Trần Thủ Độ và người tình của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn). Thời điểm mà nửa đầu bộ phim nói đến là năm 1108-1109, trên thực tế lúc đó Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung, vua Lý Huệ Tông khi đó còn là Thái tử Lý Sàm mới 15 tuổi. Nhưng trong phim, các nhân vật không ở trong độ tuổi này mà đã trưởng thành.
Chúng ta cũng cần nói thêm về chuyện hư cấu trong trang phục. Các nhà làm phim vẫn hỏi các nhà nghiên cứu lịch sử hãy cho biết mũ hay long bào của vua Lý Thái Tổ ra sao để chúng tôi làm đúng như vậy, còn các nhà sử học thì trả lời rằng “chúng tôi đang còn nghiên cứu”. Chúng ta chưa biết được trang phục cụ thể ra sao, nhưng chắc chắn phải mang nét mỹ thuật, văn hóa Việt chứ không thể để vua mặc áo long bào kiểu của Tàu. Có thể thấy trong Huyền sử thiên đô hay Thái sư Trần Thủ Độ, vua quan đều chít khăn ngang đầu. Chúng ta không thể chắc chắn thời Lý hay tiền Lê, vua quan chít khăn ngang như thế nhưng nó lại ra “chất” Việt Nam. Đó là điều mà các nhà làm phim cần làm và khán giả thích xem.
Ông có đề xuất thế nào về các chính sách hỗ trợ cho dòng phim lịch sử Việt Nam?
Đây là vấn đề muôn thuở vì trình độ phát triển văn học nghệ thuật, trong đó có điện ảnh, của ta chưa cao. Văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Những nhà lãnh đạo cần có cái tâm, cái tầm để nhìn nhận vấn đề mà nâng sự nghiệp này lên.
Chiến lược làm phim lịch sử Bất cứ quốc gia, dân tộc nào cũng đều có lịch sử của mình, và cũng đều có nhu cầu muốn tái hiện lại tiến trình lịch sử ấy bằng nghệ thuật, để có thể liên tục soi mình vào lịch sử mà nhìn nhận tương lai phát triển của mình. Phim lịch sử là sự tái hiện bằng nghệ thuật một cách sinh động nhất những giai đoạn lịch sử, những sự kiện lịch sử hay những nhân vật lịch sử. Lẽ ra nó phải được Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, để nó có lộ trình cho sự thực hiện và khẳng định mình như một “thực đơn văn hóa nghệ thuật” không thể thiếu với bất cứ thế hệ nào, bất cứ giai đoạn nào của lịch sử đất nước ta. Vậy mà bao lâu nay phim lịch sử ở ta lại bị coi như “con ghẻ” hay như “đứa con hoang đàng” chỉ vì nó phải tiêu tốn nhiều tiền để làm nên, và chưa thật sự được người xem đón nhận do chất lượng chưa cao, nội dung và nghệ thuật chưa thuyết phục, chưa hấp dẫn. Thực tế cho thấy, do VN không tự làm được phim lịch sử của mình, nên các nhà đài truyền hình VN đành phải quanh năm chiếu phim lịch sử của… Trung Quốc hay Hàn Quốc, những quốc gia đã có hẳn một chiến lược lâu dài về làm phim lịch sử và quảng bá phim lịch sử. Không thể đổ cho chuyện “thiếu tiền”, bởi trong thực tế, để làm một phim lịch sử, VN phải bỏ số tiền gấp nhiều lần kinh phí thật của nó, do không có phim trường chuyên nghiệp nên phải dựng những phim trường tạm bợ “làm một lần rồi bỏ”, lãng phí vô cùng! Đã từng có vài phim trường ở VN, nhưng do thiếu quản lý, do vô trách nhiệm hay những gì nữa mà phim trường xuống cấp với tốc độ không ngờ sau mỗi bộ phim được thực hiện, tới mức có phim trường trở thành “bãi hoang chim ỉa”, coi như tự khai tử hay bị bức tử luôn. Cơ sự chỉ vì chúng ta chưa nhận thức được tầm quan trọng của phim lịch sử, chưa đầu tư đúng mức cho phim lịch sử, và dễ dãi dành toàn bộ “đất” trên truyền hình cho phim lịch sử nước ngoài mặc sức làm mưa làm gió. Bây giờ, những chuyện cười ra nước mắt như học trò VN thuộc lịch sử Tàu hơn lịch sử Việt, thuộc lòng các nhân vật lịch sử Tàu trong khi thường xuyên nhầm lẫn tên tuổi và thời đại của những nhân vật lịch sử VN, hình như vẫn chưa đủ cho một sự tỉnh thức để chúng ta đi tới một chiến lược về làm phim lịch sử. Chiến lược ấy phải được vạch ra bởi Nhà nước, phải được huy động bởi cả hệ thống chính trị, và phải nhận được sự đồng thuận của cả xã hội. Trước nhất là với những hãng phim, những tác giả kịch bản hay những đạo diễn phim lịch sử, những diễn viên đóng phim lịch sử: họ phải được đào tạo chuyên nghiệp, phải có được những điều kiện tối đa để thực hiện những phim lịch sử có chất lượng, đồng thời phải có trách nhiệm tối đa với người xem khi thực hiện những phim lịch sử đó. Chúng ta không hề có ý định “xâm lăng văn hóa” với ai, nhưng rất cần có đủ sức mạnh cho những “kháng cự văn hóa” của quốc gia mình thành công trước sự tấn công ồ ạt của văn hóa nước ngoài. Trong đó, sự tấn công của phim lịch sử truyền hình là mạnh mẽ và dai dẳng nhất. Nếu bây giờ chúng ta vẫn cứ dửng dưng trước cảnh “tất cả các nhà đài truyền hình” ở VN ngày đêm miệt mài chiếu phim lịch sử… Trung Quốc, thì hậu quả thật không thể lường hết! Cả trong hiện tại. Và nhất là trong tương lai. |
Theo Thanh niên