1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Giữa vô số ồn ào dạy con bằng bạo lực, Lan Phương kể “ký ức sai lầm”

(Dân trí) - “Nàng dâu order” đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm trong cách dạy con giữa lúc xã hội đầy rẫy những hiện tượng bố mẹ lạm dụng đòn roi lên con trẻ. Lan Phương kể, ngày xưa cô đã bắt chước dạy em trai mình như vậy và giờ nghĩ lại, cô vô cùng ân hận.

Những ngày qua, trong xã hội liên tục xuất hiện những hình ảnh và đoạn clip ghi lại cảnh đau lòng khi chính bố mẹ ruột lại ra tay đánh mắng con thậm tệ chỉ vì mục đích muốn dạy con. Điều này khiến dư luận dấy lên một luồng tranh luận không nhỏ về cách giáo dục con trong xã hội hiện đại: Liệu có nên áp dụng đòn roi hay từ tốn bằng lời lẽ?

Là một người mẹ, diễn viên Lan Phương quan tâm đến vấn đề giáo dục con trẻ. Cô không ngại ngần đưa ra chính kiến của bản thân. “Nàng dâu order” chia sẻ: 

“Có nhiều quan điểm xưa cho rằng, không được khen con, phải luôn chê bai, phê bình, phê phán, đừng cho con nghĩ mình hơn được ai… để con tốt hơn.

Đúng, con có thể sau này thành công như bố mẹ muốn nhưng tận sâu trong lòng con, những tổn thương từ những lần bị cha mẹ đay nghiến, chê bai vẫn và sẽ còn mãi, và rõ mồn một. Các bạn người lớn hãy tự hỏi chính mình mà xem những cảm giác bị cha mẹ mắng nhiếc, cho roi vọt ấy đã mất đi hay vẫn còn rõ như mới ngày hôm qua.

Có nhiều tranh cãi. Vẫn rất nhiều người tin vào sự nghiêm khắc, trừng phạt là cần thiết của bố mẹ với con cái. Họ đều có chính kiến và lí do riêng dựa trên trải nghiệm tuổi thơ của họ, dựa vào tính cách mỗi người, hay dựa vào số đông người xung quanh đang sử dụng cách cho con roi vọt để con tiến bộ hơn”.

Giữa vô số ồn ào dạy con bằng bạo lực, Lan Phương kể “ký ức sai lầm” - 1

Lan Phương cho rằng: "Người lớn la mắng, đánh con chẳng qua chỉ vì người lớn bất lực không biết làm gì với con. Người có lỗi nên là người lớn vì người lớn không thể hiểu trẻ con đang muốn gì".

Lan Phương kể, ngày xưa cô từng chứng kiến việc người xung quanh dạy con bằng đòn roi nên cô đã bắt chước và dạy em trai mình. Đến giờ nghĩ lại cô cảm thấy vô cùng có lỗi:

“Hồi còn bé, nhìn những người xung quanh trừng phạt con cái bằng cái tát, cái roi, và những câu mắng thậm tệ, Phương cũng đã bắt chước và từng áp dụng y như thế với em trai mình. Em làm gì mình cho là sai thì mình sẽ mắng em như tát nước, và sẵn sàng tát em khi không thể nói nổi với em. Đến giờ nghĩ lại thật sự cảm thấy có lỗi với em".

Cô tâm sự: "Sinh con được hơn 17 tháng, Phương chưa từng đánh con, chưa mắng mỏ, to tiếng hay doạ dẫm con. Phương chỉ luôn theo sát, động viên, khuyến khích con khám phá thế giới và bản thân con.

Càng hiểu con, Phương càng không thể tưởng tượng nổi việc mình tát con hay chửi mắng con hay làm gì để khiến con thấy mình kém cỏi. Trẻ con không thể nào bị trừng phạt chỉ vì các bé không thể kiểm soát năng lượng dồi dào và khao khát khám phá thế giới xung quanh được. Không thể nào chỉ vì bé không chịu ngồi yên để nghe người lớn nói chuyện hay để làm điều người lớn muốn mà bị quát là “hư lắm” cả.

Người lớn la mắng, đánh con chẳng qua chỉ vì người lớn bất lực không biết làm gì với con. Người có lỗi nên là người lớn vì người lớn không thể hiểu trẻ con đang muốn gì, đang cảm thấy gì để giúp con làm điều đúng. Người lớn có khả năng sinh ra trẻ con nên người lớn cần học cách hiểu trẻ con và trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất cho con.

Đừng nghĩ trẻ con không biết gì. Trẻ con hiểu, thông minh và nhạy cảm hơn là chúng ta nghĩ đấy.

Trẻ con dù vài tháng tuổi cũng đã là một con người thu nhỏ. Tâm hồn người lớn cần gì, con cũng cần y như vậy”.

Ngoài việc phân tích lợi hại của việc dạy con bằng đòn roi, Lan Phương còn hiến kế cho các ông bố bà mẹ cách giáo dục con trẻ hợp lí và hiệu quả:

- Hãy là bạn của con mình.

- Dạy con bằng lời nói nhỏ nhẹ, từ tốn, nghiêm khắc và yêu thương sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều so với câu quát nạt ầm ĩ, hay đánh con.

- Nếu cần phải đánh lắm thì cũng đừng tát con, chỉ phát mông hay đánh vào bàn tay để dạy con đúng sai nhưng đừng đi cùng thái độ căm ghét, cay nghiệt với con. 

- Và phải nhất quán trong kỉ luật: “1 là 1”, không phải “1 là 1 cũng có thể là 2, là 3…” 

(Tất nhiên nếu sau này dạy con về trí tưởng tượng và sáng tạo thì 1 còn có thể là 8, 9, 10…)”. 

Lan Phương hi vọng những chia sẻ của mình sẽ giúp nhiều bậc phụ huynh hiểu rõ, tìm ra phương pháp dạy con đúng đắn và tránh làm tổn thương con trẻ lẫn tình cảm gia đình.

Phương Nhung