1. Dòng sự kiện:
  2. Phim "Địa đạo"
  3. Bê bối của diễn viên Kim Soo Hyun

Gia tài âm nhạc của Hoàng Vân được công nhận là Di sản tư liệu thế giới

Hương Hồ

(Dân trí) - Vào 23h ngày 10/4 (giờ Paris), tức rạng sáng 11/4 theo giờ Việt Nam, Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Pháp đã chính thức công nhận bộ sưu tập âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân là Di sản tư liệu thế giới.

Đây là lần thứ 4 Việt Nam có một di sản tư liệu được vinh danh cấp thế giới, và là lần đầu tiên một bộ sưu tập âm nhạc cá nhân đạt được thành tựu này.

Từ hơn 700 tác phẩm trải dài 6 thập kỷ, âm nhạc của Hoàng Vân không chỉ là niềm tự hào của Việt Nam, mà còn trở thành một phần ký ức chung của nhân loại.

Gia tài âm nhạc của Hoàng Vân được công nhận là Di sản tư liệu thế giới - 1

Nhạc sĩ Hoàng Vân (1930-2018) (Ảnh: Hội nhạc sĩ Việt Nam).

Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân là kho tàng âm nhạc với hơn 700 ca khúc từ năm 1951 đến năm 2010, lưu giữ dưới nhiều dạng: Bản thảo viết tay, tổng phổ, phân phổ, băng đĩa, file âm thanh, phim ảnh và bản in.

Được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ) và số hóa trên trang web đa ngữ https://hoangvan.org, bộ sưu tập mang đến cái nhìn toàn diện về hành trình sáng tác của một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất Việt Nam thế kỷ 20.

Từ giao hưởng Thành đồng Tổ quốc đến những ca khúc đậm chất dân gian, các tác phẩm của ông phản ánh sâu sắc những biến đổi xã hội qua các thời kỳ kháng chiến và hòa bình, đặc biệt là vai trò của phụ nữ và tầng lớp yếu thế.

UNESCO công nhận bộ sưu tập sau 2 vòng đánh giá nghiêm ngặt từ Ủy ban Tư vấn Quốc tế Chương trình Ký ức thế giới (Memory of the World-MoW), chọn ra 74 hồ sơ từ 119 đề cử trong chu kỳ 2024-2025.

Giá trị lịch sử, văn hóa và tính toàn vẹn của tài liệu là những tiêu chí giúp bộ sưu tập vượt qua các chuẩn mực khắt khe.

Gia tài âm nhạc của Hoàng Vân được công nhận là Di sản tư liệu thế giới - 2

Bản thảo viết tay nhạc phổ của nhạc sĩ Hoàng Vân (Ảnh: Cục Di sản Văn hóa).

Theo đánh giá, đây không chỉ là di sản âm nhạc, mà còn là nguồn tài liệu quý để nghiên cứu văn hóa, xã hội Việt Nam trong bối cảnh hậu thuộc địa, góp phần làm sáng tỏ lịch sử âm nhạc thế giới.

Sự phong phú về thể loại, từ giao hưởng, nhạc phim đến ca khúc cùng nội dung sâu sắc đã nâng tầm giá trị toàn cầu của bộ sưu tập.

Công lao xây dựng bộ sưu tập thuộc về gia đình nhạc sĩ sau khi ông qua đời. Hai người con của ông là nhạc trưởng Lê Phi Phi và TS. Lê Y Linh - nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc - đã miệt mài sưu tầm, hệ thống hóa và khôi phục tư liệu, biến di sản cha mình thành một hồ sơ hoàn chỉnh để đề cử UNESCO.

Gia tài âm nhạc của Hoàng Vân được công nhận là Di sản tư liệu thế giới - 3

Tác phẩm giao hưởng thơ "Thành đồng Tổ quốc" (Ảnh: Cục Di sản Văn hóa).

Sự phối hợp giữa gia đình, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III và các cơ quan văn hóa Việt Nam đã mang lại thành công.

TS Vũ Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch MOWCAP và chuyên gia Ủy ban Tư vấn Quốc tế MoW, nhận định: "Việc ghi danh này sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh về việc lưu giữ các tư liệu âm nhạc không chỉ ở Việt Nam, mà còn trong khu vực và trên toàn thế giới.

Nó góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về việc bảo tồn các tư liệu góp phần làm giàu ký ức của quốc gia và thế giới từ các cá nhân, gia đình... cũng như các nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn, nhà thơ... Đây chính là một trong những mục tiêu của Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO". 

Việc UNESCO ghi danh nâng tổng số Di sản tư liệu thế giới của Việt Nam lên 11, gồm 4 di sản cấp toàn cầu: Mộc bản triều Nguyễn (2009), Bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám (2011), Châu bản triều Nguyễn (2017) và nay là Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân cùng 7 di sản cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, bộ sưu tập được quản lý cùng hai Bảo vật quốc gia khác đó là bộ sưu tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945-1946 và bộ sưu tập Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam của Họa sĩ Bùi Trang Chước. Đây là những tài liệu quý, không chỉ để bảo tồn mà còn để phục vụ nghiên cứu và lan tỏa giá trị văn hóa.

Gia tài âm nhạc của Hoàng Vân được công nhận là Di sản tư liệu thế giới - 4

Tác phẩm Vũ kịch "Chị Sứ" của nhạc sĩ Hoàng Vân (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III).

Sự kiện này không chỉ tôn vinh nhạc sĩ Hoàng Vân, mà còn khẳng định sức mạnh của âm nhạc trong việc kết nối quá khứ và tương lai. Trang web https://hoangvan.org cho phép công chúng và học giả toàn cầu tiếp cận dễ dàng, mở ra cơ hội để âm nhạc Việt Nam vang xa.

Lễ đón bằng Di sản tư liệu thế giới của UNESCO cho Sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 7 tới tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày sinh nhạc sĩ.

Đây là một cột mốc để Việt Nam tiếp tục tự hào và phát huy di sản văn hóa. Từ những bản thảo viết tay đến những giai điệu bất hủ, Hoàng Vân đã để lại dấu ấn không phai, không chỉ trong lòng người Việt mà trên bản đồ di sản thế giới.

Gia tài âm nhạc của Hoàng Vân được công nhận là Di sản tư liệu thế giới - 5

Hình ảnh kho và giá bảo quản tài liệu của nhạc sĩ Hoàng Vân (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III).

Nhạc sĩ Hoàng Vân sinh năm 1930 tại Hà Nội, trong một gia đình nho học, là biểu tượng của âm nhạc Việt Nam hiện đại. Ông sáng tác trong những giai đoạn đầy thử thách của đất nước, từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến thời kỳ xây dựng hòa bình.

Sau năm 1954, ông được gửi đi tu nghiệp tại Nhạc viện Bắc Kinh, Trung Quốc. Khi về nước, ông chỉ huy dàn nhạc, chỉ đạo nghệ thuật đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, đồng thời tham gia giảng dạy môn sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội cho đến năm 1989. Học trò ông nhiều người đã thành danh như: An Thuyên, Trương Ngọc Ninh, Văn Thành Nho, Phú Quang. Năm 1975, ông đi thực tập một thời gian tại Nhạc viện Sofia, Bulgaria.

Nhạc sĩ bắt đầu sáng tác từ năm 1951 với những ca khúc được phổ biến rộng rãi tại vùng Tây Bắc, Việt Bắc như: Chiến thắng Hòa Bình, Tin chiến thắng, Chiến thắng Tây Bắc. 

Năm 1954, ông sáng tác bài hát nổi tiếng Hò kéo pháo. Từ đây sự nghiệp sáng tác của ông bắt đầu nở rộ với nhiều ca khúc, hợp xướng, hòa tấu. Ngoài ra, ông viết nhạc cho phim, kịch nói, chèo, cải lương. Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000.

Ngoài Hò kéo pháo, Hoàng Vân còn là tác giả của rất nhiều ca khúc nổi tiếng về các tỉnh thành và các ngành nghề như: Tôi là người thợ lò, Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Quảng Bình quê ta ơi, Bài ca giao thông vận tải, Chào anh giải phóng quân - Chào mùa xuân đại thắng. 

Sau 1975, ông sáng tác Bài ca xây dựng, Hát về cây lúa hôm nay, Tình ca Tây Nguyên. Ông còn viết các ca khúc thiếu nhi như: Mùa hoa phượng nở, Em yêu trường em, Con chim vành khuyên. Ông cũng là tác giả nhiều hợp xướng, khí nhạc và phụ trách âm nhạc nhiều bộ phim nổi tiếng như Con chim vành khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội.

Nhạc sĩ qua đời năm 2018, ở tuổi 88. Ông có con gái là Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh, con trai là nhạc trưởng Lê Phi Phi.