Đừng để sự phát triển của công nghệ cướp đi tiềm năng thiên tài của con
(Dân trí) - Đứa trẻ nào cũng mang trong mình tiềm năng vô hạn, và giáo dục trẻ em chính là dùng tình yêu thương để nhìn thấu sự bướng bỉnh, khó bảo và chạm được đến phần lấp lánh trong tâm hồn mỗi đứa trẻ.
Giáo dục trẻ em là một tiến trình lâu dài. Tiềm năng ở trẻ có thể bị mất đi nếu không được nuôi dưỡng đúng cách từ thuở còn thơ. Để khởi đầu, cha mẹ cần nhìn nhận được những vấn đề trong môi trường mà trẻ lớn lên, cũng như ảnh hưởng của những yếu tố đó lên trẻ, đặc biệt là phải có sự thấu hiểu tâm lý ở từng độ tuổi trẻ phát triển.
Thiệt thòi của con trẻ trong thời đại công nghệ
Ngày nay, trẻ em dành phần lớn thời gian ở trong lớp hoặc ở nhà - những không gian khép kín được trang bị đầy đủ tiện nghi của công nghệ. Chúng ta thường thấy nhiều cha mẹ quá bận rộn với công việc nên giao phó hoàn toàn trách nhiệm giáo dục trẻ cho các lớp học. Tệ hơn, các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại thông minh,... trở thành những công cụ trông trẻ toàn thời gian vì chúng có khả năng giữ trẻ ngồi yên một chỗ, không nghịch ngợm và quấy khóc trong hàng giờ đồng hồ.
Thế nhưng, hãy thử quay ngược thời gian về thuở ấu thơ của những thế hệ trước. Ngày xưa, ngoài giờ học, trẻ em cùng chúng bạn chạy chơi khắp xóm và những cánh đồng bạt ngàn. Những trò chơi dân gian thời đó như thả diều, bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, banh đũa… không chỉ đem lại niềm vui mà còn là cơ hội để trẻ vận động thể chất, rèn luyện sự dẻo dai và khả năng tư duy. Những đứa trẻ da sạm nắng, quần áo lấm lem ấy lại có sức khỏe bền bỉ, kỹ năng tự chăm sóc bản thân và khả năng phản ứng nhạy bén trong nhiều tình huống - điều mà nhiều trẻ em trong thời hiện đại, gắn bó với các thiết bị điện tử, đã không có cơ hội được rèn luyện.
Tài năng thiên bẩm của con có được khai phá hay không phụ thuộc vào cha mẹ
Trong "33 bài thực hành theo phương pháp Shichida", Tác giả Ko Shichida nhấn mạnh rằng giai đoạn đầu đời từ 0 đến 6 tuổi chính là "thời điểm vàng" mà cha mẹ không nên bỏ lỡ, vì đây là lúc não phải của trẻ có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhất, là khởi đầu để trẻ có thể tư duy đồng đều ở cả hai bán cầu não.
"Học mà chơi, chơi mà học" chính là phương pháp giáo dục hiệu quả nhất cho trẻ ở giai đoạn này. Bên cạnh việc cung cấp cho cha mẹ kiến thức khoa học về cơ chế hoạt động của não bộ trẻ em, quyển sách còn gợi mở 33 trò chơi vui nhộn để cha mẹ cùng chơi với trẻ tại nhà, giúp việc rèn luyện trí não trở nên dễ dàng, như trò chơi cảm âm, trò chơi kích thích năm giác quan, trò chơi làm thơ Haiku,...
Cốt lõi của phương pháp Shichida còn nằm ở sự gắn kết sâu sắc giữa cha mẹ và con trẻ, vì chúng không thể phát triển toàn diện nếu cha mẹ chỉ tập trung khơi gợi khả năng trí tuệ mà bỏ quên tâm hồn con. Ở độ tuổi này, trẻ chỉ có thể tiếp nhận và xử lý các bài học nếu chúng thực sự tìm thấy niềm vui trong các hoạt động ấy, cũng như chỉ chịu hợp tác với cha mẹ khi cảm nhận được an toàn tâm lý qua những lời khuyến khích và khen ngợi.
Vì vậy, 33 trò chơi này còn được xây dựng như cơ hội để cha mẹ và trẻ cùng nhau vun đắp mối quan hệ yêu thương bền vững. Bởi môi trường tràn đầy tình cảm, sự công nhận và tôn trọng chính là nền tảng để trẻ hình thành thái độ tích cực, tinh thần mạnh mẽ và niềm tin vào bản thân để đối mặt với mọi thử thách của cuộc sống trong tương lai.
Không quá dễ dãi, không quá khắc nghiệt
Quan trọng nhất là cha mẹ hãy áp dụng các bài thực hành đều đặn với một lưu ý: Không quá dễ dãi, không quá khắc nghiệt.
Sự dễ dãi của cha mẹ sẽ ngăn trẻ hình thành tính kỷ luật, thái độ tự giác; và sự khắc nghiệt sẽ khiến trẻ sợ hãi việc học. Tình cảm chân thành và thấu hiểu tâm lý sẽ giúp cha mẹ biết cách truyền tải sự nghiêm túc qua thái độ mềm mỏng và kiên nhẫn. Đừng sốt ruột, cũng đừng nóng giận. Bởi giáo dục trẻ em là dùng tình yêu để nhìn thấu vẻ ngoài bướng bỉnh, chạm đến phần lấp lánh trong tâm hồn mỗi đứa trẻ.
"33 bài thực hành theo phương pháp Shichida" thuộc bộ sách gồm 9 cuốn, cung cấp kiến thức và bí quyết nuôi dạy con toàn diện theo Phương Pháp Shichida đến từ Nhật Bản. Với hơn 60 năm nghiên cứu khoa học và thực hành, chương trình Giáo dục sớm của Viện Giáo dục Shichida đã nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển tài năng của rất nhiều trẻ em thông qua việc rèn luyện sự cân bằng não bộ và phát triển mối quan hệ sâu sắc với cha mẹ.