1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Dinh chúa Tiên Nguyễn Hoàng tại Quảng Trị được xếp hạng di tích cấp Quốc gia

(Dân trí) - Tối 29/1, trước thềm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, UBND huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp Quốc gia di tích lịch sử chúa Nguyễn tại Triệu Phong (1558-1626).

Di tích lịch sử các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn tại Triệu Phong được xếp hạng di tích cấp Quốc gia nhân kỷ niệm 460 năm chúa Nguyễn Hoàng dựng nghiệp trên đất Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (1558 - 2018).

Dinh chúa Tiên Nguyễn Hoàng tại Quảng Trị được xếp hạng di tích cấp Quốc gia - 1

Chương trình nghệ thuật đặc sắc ca ngợi truyền thống dân tộc.

 

Tại buổi lễ, bà Nguyễn Triều Thương – Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong đã khái quát về các giai đoạn lịch sử, quá trình chúa Nguyễn Hoàng dựng nghiệp trên đất Quảng Trị, mở cõi đàng Trong.

Theo lãnh đạo huyện Triệu Phong, cách đây 460 năm (năm Mậu Ngọ 1558), Nguyễn Hoàng được vua Lê cử vào trấn thủ xứ Thuận Hóa. Nguyễn Hoàng đã cùng đoàn tùy tùng theo đường biển tiến đến cửa Việt Yên (Cửa Việt) sau đó đi ngược sông Thạch Hãn (Quảng Trị) và dừng chân tại Ái Tử, huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong. Vừa đặt chân lên vùng đất mới, Nguyễn Hoàng được quan lại và nhân dân địa phương ủng hộ và ông đã quyết định chọn nơi đây để đóng doanh trại. Đây là dinh phủ đầu tiên của chúa Nguyễn tại huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong.

Trong 68 năm ở đất Vũ Xương, Triệu Phong, Nguyễn Hoàng đã 2 lần di dời dinh phủ. Lần thứ nhất vào năm 1570, sau 12 năm đóng tại Ái Tử, ông cho chuyển dinh trấn của mình sang Trà Bát; lần thứ hai vào năm 1600, ông cho chuyển dinh phủ từ Trà Bát sang Dinh Cát. Việc di dời dinh phủ/dinh trấn là quá trình mở rộng quy mô và kiên cố hóa lỵ sở chứ không phải thay đổi không gian lỵ sở.

Trong hành trình 68 năm đặt lỵ sở tại huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong, ngoài việc cho xây dựng các dinh phủ đảm bảo việc điều hành quản lý của chính quyền, chúa Tiên Nguyễn Hoàng và chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã tập trung cho việc thiết lập các thiết chế phục vụ hoạt động quân sự, thương mại và văn hóa.

Dấu vết còn để lại ngày nay qua các địa danh như: Bãi Trận, Mô Súng, Cồn Kho, Cồn Tập, Tàu Tượng, Chợ Hôm, Gềnh Phủ, Miếu Trảo Trảo Phu Nhân… Qua đó, đóng góp quan trọng trên mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội cho vùng đất Thuận Hóa-đàng Trong…

Dinh chúa Tiên Nguyễn Hoàng tại Quảng Trị được xếp hạng di tích cấp Quốc gia - 2

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị trao Bằng xếp hạng di tích cấp Quốc gia di tích lịch sử các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn của Bộ VH-TT&DL cho huyện Triệu Phong.

 

Với ý nghĩa và giá trị lịch sử đó, ngày 20/6/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định xếp hạng di tích Quốc gia di tích lịch sử các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558-1626) xã Triệu Ái, Triệu Giang, thị trấn Ái Tử của huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Đây là loại hình di tích lịch sử - khảo cổ bao gồm 3 địa điểm dinh phủ của chúa Nguyễn Hoàng và chúa Nguyễn Phúc Nguyên gồm dinh Ái Tử (1558-1570), dinh Trà Bát (1570-1600) và dinh Cát (1600-1626) cùng các địa điểm khác có liên quan như: miếu Trảo Trảo (thị trấn Ái Tử), Tàu Tượng, Mô Súng, Cồn Kho, Chợ Hôm, Cồn Tập (xã Triệu Ái), Gềnh Phủ Phước Châu, Bãi Trận (xã Triệu Giang).

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Trần Huy – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và ông Hoàng Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã trao Bằng xếp hạng di tích cấp Quốc gia di tích lịch sử các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn của Bộ VH-TT&DL cho huyện Triệu Phong.

 

Dinh chúa Tiên Nguyễn Hoàng tại Quảng Trị được xếp hạng di tích cấp Quốc gia - 3

Tiết mục hoạt cảnh "Hành trình mở cõi" gợi lại câu chuyện chúa Nguyễn Hoàng được người dân địa phương dâng nước khi đặt chân đến Ái Tử.

 

Sau lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đối với dinh chúa Nguyễn là chương trình nghệ thuật đặc sắc với các tiết mục ca múa nhạc dân ca, hoạt cảnh, kịch dẫn chuyện… mang chủ đề “Nước non ngàn dặm” với 2 phần chính là: Hành trình mở cõi và Triệu Phong - Thẳng hướng tương lai.

Đ. Đức