Cuộc đời chìm nổi của nam diễn viên "Tể tướng Lưu gù"
(Dân trí) - Lý Bảo Điền vất vả nửa đời người mới có được danh tiếng ở tuổi 50 nhờ đóng "Tể tướng Lưu gù". Ngoài đời thực, nhân vật Lưu Dung dường như "vận" vào cuộc đời ông.
Lời tòa soạn: Người giàu cũng khóc, Bao Thanh Thiên, Tây Du Ký, Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên, loạt phim của vua hề Sác-lô… từng là những bộ phim gắn liền với tuổi thơ của thế hệ 8X và 9X tại Việt Nam. Đây không chỉ là những tác phẩm nổi tiếng toàn cầu mà còn là bàn đạp đưa nhiều nghệ sĩ đến gần với khán giả, mở ra sự nghiệp huy hoàng cho chính họ.
Tuy nhiên, phía sau sự nổi tiếng và tiền bạc, các nghệ sĩ cũng có những góc khuất, những nỗi lòng không biết ngỏ cùng ai. Cuộc sống màn bạc và cuộc sống đời thường của họ đôi khi khác biệt tới đau lòng. Sau 20-30 năm, cuộc đời họ cũng đi theo những hướng khác nhau.
Dân trí thực hiện loạt bài Những nghệ sĩ nổi tiếng gắn với ký ức khán giả Việt để gợi lại những thước phim nổi tiếng, hồi tưởng những ký ức đẹp và lắng nghe câu chuyện cuộc đời của những nghệ sĩ đình đám.
Bộ phim truyền hình Tể tướng Lưu gù (1996) kể từ khi ra mắt đến nay vẫn được xem là một trong những phim truyền hình Hoa ngữ hay nhất. Chuyện phim xoay quanh nhân vật Lưu Dung lưng gù, nhưng tấm lòng ngay thẳng, trí tuệ hơn người.
Đối đầu với Lưu Dung là nịnh thần Hòa Thân. Diễn xuất của Lý Bảo Điền và Vương Cương được đánh giá là cặp bài trùng ăn ý, tạo nên một bộ phim Hoa ngữ kinh điển.
Những cuộc đối đầu giữa Lưu Dung và Hòa Thân luôn được khắc họa vừa kịch tính, trí tuệ, vừa hài hước, thâm thúy, khiến người xem thích thú theo dõi.
Tể tướng Lưu gù được xem là bộ phim mở đầu cho sự phát triển mới của phim truyền hình cổ trang Hoa ngữ. Tác phẩm được mệnh danh là "phim truyền hình quốc dân", được khán giả ở nhiều độ tuổi và trình độ yêu thích.
Qua các tập phim, người xem thấy những câu chuyện nhân sinh gần gũi, được thể hiện tự nhiên và hấp dẫn. Tại Việt Nam, công chúng từng chờ đón từng tập phim Tể tướng Lưu gù lên sóng vào mỗi dịp cuối tuần.
Chính từ bộ phim này, nam chính Lý Bảo Điền được công chúng Việt Nam biết đến và yêu thích. Tính đến nay, đã gần 3 thập kỷ trôi qua, Lý Bảo Điền đã ở tuổi U80, cuộc sống của ông đã đi qua nhiều thăng trầm, biến động.
Lý Bảo Điền trong phim "Tể tướng Lưu gù" (Ảnh: Sina).
Vất vả nửa đời người mới có được danh tiếng ở tuổi 50
Lý Bảo Điền sinh năm 1946 ở Từ Châu, Giang Tô, Trung Quốc. Cha mẹ ông rất nghiêm khắc, họ từng mong con trai học hành giỏi giang, trở thành trí thức, nhưng ngay từ nhỏ, Lý Bảo Điền đã đam mê diễn xuất. Cậu bé Lý Bảo Điền từng hay trốn học đi xem kịch.
Cậu bé thường xuyên bị cha mẹ trách phạt. Khi Lý Bảo Điền bày tỏ mong muốn theo học diễn xuất, gia đình không ủng hộ. Ở tuổi 13, Lý Bảo Điền bỏ nhà để gia nhập đoàn kịch. Trong 5 năm lang bạt cùng đoàn kịch, Lý Bảo Điền không có một liên hệ nào với gia đình.
Lý Bảo Điền phải làm công việc vất vả trong đoàn kịch như một cách trả học phí và sinh hoạt phí. Có lần Lý Bảo Điền kiệt sức và bị ngất, khi tỉnh lại trong bệnh viện, ông thấy cha đang ngồi bên giường bệnh trông nom mình. Hai cha con bật khóc và làm hòa.
Hóa ra, gia đình vẫn theo dõi hành trình của Lý Bảo Điền, chỉ tới khi ông bị ngất, người cha mới xuất hiện. Thời điểm này cũng là thời điểm cha ông mắc bệnh nặng và sắp qua đời.
Về sau này, Lý Bảo Điền luôn thấy có lỗi với cha bởi không thể báo đáp cha. Khi sự nghiệp diễn xuất của ông có thành quả, cha ông đã qua đời.
Sau khi nối lại quan hệ, cha của Lý Bảo Điền cũng có những lần đi xem con trai diễn kịch, nhưng chỉ đến xem rồi về. Hai cha con không nói một lời, nhiều lần cha ông lắc đầu và bỏ đi. Giai đoạn này vẫn nằm trong quãng 19 năm bươn chải của Lý Bảo Điền trong các đoàn kịch.
Trong 19 năm này, ông không bao giờ được đóng chính, chỉ được giao vai phụ và làm công việc nặng nhọc trong đoàn.
Cuộc đời của Lý Bảo Điền bước sang trang mới hồi năm 1978, khi Học viện Hý kịch Trung ương (Trung Quốc) tuyển học viên từ khắp mọi miền đất nước. Lý Bảo Điền khi ấy đã 32 tuổi, ông đăng ký dự thi và được nhận vào học.
Kỹ năng diễn xuất của ông thăng hạng nhanh chóng. Sau khi tốt nghiệp, ông tham gia các vở kịch sân khấu, đóng phim truyền hình và điện ảnh, tham gia nghiên cứu và giảng dạy tại học viện.
Dù có những vai diễn được đánh giá cao, nhưng phải tới năm 1996, khi xuất hiện trong Tể tướng Lưu gù, Lý Bảo Điền mới trở thành ngôi sao màn ảnh nhỏ, lúc bấy giờ ông đã ở tuổi 50.
Lý Bảo Điền trân trọng những trải nghiệm khó khăn, khắc nghiệt trong sự nghiệp. Nhờ đó, về sau này, ông có đủ nghị lực để sống đúng theo ý mình, không sợ hãi: "Tôi là người có cá tính mạnh và độc lập. Tôi đã phải đi qua cái đói, bệnh tật, thất bại, vận hạn rồi mới có được thành công. Vì vậy, dù có chuyện gì xảy ra trong đời, tôi cũng thấy mọi chuyện bình thường, không quá nặng nề".
Nam diễn viên Lý Bảo Điền hiện đã ở tuổi 77. Ông sống giản dị, trầm lắng, không còn đóng phim, không tham gia các sự kiện, chương trình giải trí, hạn chế trả lời phỏng vấn.
Lý Bảo Điền trong những năm tháng tuổi già (Ảnh: Sina).
Bị tẩy chay vì "ngang ngược, một mình một phách"
Sau Tể tướng Lưu gù (1996) và đặc biệt là sau phim Thần y Hỷ Lai Lạc (2003), Lý Bảo Điền nhận được vô số lời mời đóng quảng cáo cho các hãng dược phẩm. Nhưng ông một mực từ chối, bất kể thù lao cao tới mức nào.
Lý Bảo Điền từng nói: "Nếu tôi nhận lời đóng quảng cáo, người xem sẽ lẫn lộn giữa hình ảnh của tôi trong phim và hình ảnh của tôi trong quảng cáo, như vậy là có lỗi với nhân vật. Đa phần quảng cáo mời tôi đóng là quảng cáo dược phẩm.
Tôi đã bao giờ uống những thuốc ấy đâu, tôi không biết chúng có lợi, có hại thế nào. Tôi không lừa dối khán giả được. Họ có thể vì tin tôi nên mới mua thuốc, tôi phải xứng đáng với lòng yêu mến của họ".
Năm 2004, khi đóng phim Khâm sai đại thần, nam diễn viên đã ký hợp đồng với nhà sản xuất. Trong đó, đôi bên thống nhất phim dài 30 tập. Khi phim thực hiện xong, nhà sản xuất tự ý kéo dài thành 33 tập, đưa vào cả những cảnh đã bị Lý Bảo Điền cắt.
Trong vai trò nam diễn viên kiêm chỉ đạo nghệ thuật của bộ phim, Lý Bảo Điền đưa sự việc ra tòa. Vì vi phạm hợp đồng đã ký, nên công ty sản xuất phim bị xử thua kiện.
Sự việc này gây nên nhiều sóng gió cho sự nghiệp của ông. Sau đó, nhiều công ty sản xuất phim đã thống nhất sẽ không hợp tác với Lý Bảo Điền, họ sẽ khiến ông phải từ giã sự nghiệp diễn xuất.
Trước thông tin này, Lý Bảo Điền cho biết ông chỉ muốn hợp tác với những người thực sự yêu và trân trọng nghề nghiệp. Ông đã phải từ chối quá nhiều kịch bản gửi đến, nên việc bị một nhóm người tẩy chay cũng không ảnh hưởng gì.
Sau đó, Lý Bảo Điền xuất hiện trong phim truyền hình Vai hề ba ba (2010) và phim điện ảnh Chim dạ oanh (2012), ông nhận được nhiều lời khen ngợi.
Dù vậy, nam diễn viên cũng chủ động rút lui dần khỏi giới làm phim vì tuổi đã cao và không còn nhận được những vai diễn chất lượng như ông hằng mong mỏi.
Lý Bảo Điền bên con trai Lý Úc (Ảnh: Sina).
Lý do đằng sau lựa chọn đi quay phim thay vì dự lễ cưới con trai
Lý Bảo Điền kết hôn sớm và có một người con trai. Con trai ông là nam diễn viên kiêm đạo diễn Lý Úc, người từng đóng vai phụ Lưu An trong Tể tướng Lưu gù.
Lý Úc tốt nghiệp Học viện Hý kịch Trung ương (Trung Quốc). Anh đã có tới 3 lần thi trượt vào Học viện, nơi cha anh từng tham gia giảng dạy.
Lý Bảo Điền quyết không tận dụng các mối quan hệ của mình. Ông muốn con phải tự gặt hái được thành tựu bằng năng lực của bản thân.
Sau khi ra trường, Lý Úc mở một công ty sản xuất phim. Rất nhanh, có người liên hệ đầu tư sản xuất phim và mời Lý Úc làm đạo diễn, yêu cầu duy nhất là cha của anh - Lý Bảo Điền - phải xuất hiện với một vai phụ trong phim.
Lý Úc liền đồng ý ký hợp đồng. Vì sự việc này mà Lý Bảo Điền giận con trai và không nói chuyện với con trong 4 năm, bởi theo ông, kịch bản phim rất tệ.
Vì hợp đồng con trai đã ký rồi và không muốn con lâm vào cảnh khốn cùng ngay bước đầu mở công ty, nên Lý Bảo Điền đã một lần duy nhất chấp nhận xuất hiện trong bộ phim mà ông không ưng ý.
Lý Úc bên vợ và con gái (Ảnh: Sina).
Về sau, khi Lý Úc kết hôn hồi năm 2009, Lý Bảo Điền lựa chọn đi quay phim thay vì dự lễ cưới của con. Khi sự việc được biết đến, Lý Bảo Điền giải thích rằng ông không muốn vì việc riêng mà gây ảnh hưởng tới việc chung của cả đoàn phim.
Dù vậy, trong năm 2023, con dâu của Lý Bảo Điền - nữ diễn viên Trần Yến Lâm - quyết định tiết lộ lý do thật sự khiến cha chồng cô vắng mặt trong hôn lễ.
Khi lên kế hoạch tổ chức hôn lễ, Lý Úc muốn mời nhiều khách khứa, còn Lý Bảo Điền muốn tổ chức sự kiện nhỏ, giản dị. Vì Lý Úc không nghe theo lời cha, mời nhiều khách khứa, nên Lý Bảo Điền đã giận và không tới dự lễ cưới của con.
Trần Yến Lâm cho biết, dù cha chồng cô rất nghiêm khắc với con trai, nhưng luôn nhẹ nhàng và ưu ái con dâu, nên mối quan hệ giữa cô và nhà chồng khá tốt đẹp.
Sau khi con trai lập gia đình, Lý Bảo Điền hiếm khi ghé chơi nhà con. Chỉ khi vợ chồng Lý Úc có con, ông mới thường ghé thăm các cháu. Dù vậy, cứ tới giờ cơm là vợ chồng ông ra về, bất chấp vợ chồng con trai níu kéo thế nào.
Về sau, mẹ chồng mới nói cho Trần Yến Lâm biết rằng, Lý Bảo Điền ăn uống giản dị, ông không muốn con dâu phải áp lực chuyện cơm nước mỗi khi có cha mẹ chồng ghé chơi.
Một số tác phẩm hội họa và điêu khắc của Lý Bảo Điền (Ảnh: Sina).
Tuổi già trở thành họa sĩ, nhà điêu khắc, nhưng không bán tác phẩm, không triển lãm
Lý Bảo Điền đã "ở ẩn" nhiều năm. Hiện tại, thú vui của ông là hội họa, điêu khắc. Lý Bảo Điền được giới chuyên môn đánh giá là có nội lực sáng tạo dồi dào. Những tác phẩm được ông giới thiệu trong cuốn sách ảnh Lý Bảo Điền tác phẩm (2020) hay Tự thuyết tự họa: Lý Bảo Điền (2022) được đánh giá là rất ấn tượng, thể hiện sự tài hoa của ông.
Trong cuốn Lý Bảo Điền tác phẩm, ông còn viết về những suy nghĩ và chiêm nghiệm của bản thân trong công việc và cuộc sống.
Ông từng tiết lộ trong cuốn sách ảnh này: "Vai diễn trong Tể tướng Lưu gù đã mở ra cho tôi rất nhiều cơ hội. Khán giả vẫn rất yêu thích những bộ phim cổ trang, những câu chuyện lấy bối cảnh hoàng cung, những cuộc đấu đá chốn quan trường. Thực tế, ý tưởng thực hiện phần tiếp theo cho phim Tể tướng Lưu gù đã được đưa ra, nhưng tôi không còn cảm thấy hứng thú nên đã từ chối".
Hiện tại, dù đã vẽ hàng trăm bức tranh và còn xuất bản sách để giới thiệu các tác phẩm của mình, nhưng Lý Bảo Điền không bán tác phẩm và cũng không đem triển lãm.
Lý Bảo Điền cho biết giữa diễn xuất và hội họa, hội họa giúp ông cảm thấy thỏa mãn hơn. Ông nhận thấy diễn xuất phải chịu nhiều giới hạn, bị phụ thuộc vào ý tưởng kịch bản. Trong khi đó, vẽ tranh hay điêu khắc là hoạt động sáng tạo tự do, độc lập, nghệ sĩ không bị người khác chi phối.
Theo Sina/Sohu
Bài 4: Đời thăng trầm của dàn diễn viên "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên" sau 50 năm