Lăng mộ của nữ tể tướng được coi là "cánh tay phải" của Võ Tắc Thiên

Huy Hoàng

(Dân trí) - Lăng mộ của Thượng Quan Uyển Nhi, nữ tể tướng thân cận nhất, được ví như "cánh tay phải" của Võ Tắc Thiên, phần nào hé lộ về cuộc đời của bà.

Khi bảo tàng khảo cổ học Thiểm Tây mở cửa đón khách vào đầu năm nay, điểm thu hút nhất du khách chính là tấm bia mộ hàng nghìn năm tuổi.

Đó là phiến đá vuông có chiều rộng 74cm, dày 15,5cm, làm bằng đá vôi, được trang trí bằng những hình chạm khắc tinh xảo như hoa mẫu đơn, cây kim ngân và các con vật tượng trưng cho điềm lành trong văn hóa Trung Hoa.

Tất cả bao quanh một văn bia với 982 ký tự mang nội dung tưởng nhớ Thượng Quan Uyển Nhi. Bà là đại thần quan trọng trong triều đại Võ Tắc Thiên ở thế kỷ thứ 7, cũng là một trong những phụ nữ ưu tú nhất của lịch sử Trung Hoa.

Lăng mộ của nữ tể tướng được coi là cánh tay phải của Võ Tắc Thiên - 1
Chân dung Thượng Quan Uyển Nhi (Ảnh: Sohu).

Dù quê gốc ở phía tây bắc, nhưng Thượng Quan Uyển Nhi được sinh ra vào năm 664 tại Sơn Châu thuộc tỉnh Hà Nam, miền trung của Trung Quốc ngày nay.

Truyền thuyết kể lại, mẹ bà, Trịnh thị, có giấc mơ kỳ lạ khi sắp sinh con. Trong mơ, bà thấy một người khổng lồ đưa cho mình cái cân và phán "hãy cầm lấy để đo lường nhân sĩ trong thiên hạ". Vì giấc mơ này, Trịnh thị tưởng đứa trẻ sẽ là con trai, mang tài năng xuất chúng. Thế nhưng bà lại sinh hạ một bé gái.

Phụ thân và ông nội của Thượng Quan Uyển Nhi đều là đại thần của triều đại nhà Đường dưới thời Thái hậu Võ Tắc Thiên. Họ đều bị vị Thái hậu này bức chết. Nhưng, trong một sự xoay vần của số phận, 10 năm sau, Thượng Quan Uyển Nhi lại "lọt mắt xanh" của Võ Tắc Thiên.

Bà được đưa vào triều, ngồi cạnh Thái hậu, ghi chép nội dung những buổi triều chính quan trọng.

Lăng mộ của nữ tể tướng được coi là cánh tay phải của Võ Tắc Thiên - 2
Tạo hình của Thượng Quan Uyển Nhi trong phim truyền hình "Võ Tắc Thiên" phiên bản năm 1995 (Ảnh: Douban).

Khi quyền lực Võ Tắc Thiên lớn dần, bà đưa Thượng Quan Uyển Nhi lên vị trí đứng đầu các nữ quan, chuyên soạn chiếu thư và được phép tham gia công việc triều chính, quân sự.

Kỷ nguyên cho phép Thượng Quan Uyển Nhi và những nữ quan khác vươn lên vị trí tối cao triều đình được coi là "giai đoạn chưa từng có" trong lịch sử Trung Hoa. Võ Tắc Thiên nắm quyền lực tối cao suốt gần 50 năm, từ năm 656 đến năm 705. Con gái bà là Công chúa Thái Bình cũng có tầm ảnh hưởng lớn trong triều.

Khi khai quật phần lăng mộ các cháu nội của Võ Tắc Thiên gồm công chúa Vĩnh Thái, công chúa Phòng Lăng và công chúa Tín Thành, nhóm chuyên gia nhận thấy những bức tranh tường mô phỏng hình ảnh nữ quý tộc thời đó thường ca hát nhảy múa bên ngoài, tham gia nhiều hoạt động săn bắn. Họ có thói quen búi tóc cao, cài trâm và mặc trang phục để hở nửa ngực.

Đôi khi, họ mặc Hồ phục. Đó là trang phục của người Hồ chứ không phải người Hán với đặc điểm phần tay áo hẹp. Họ đi lại như nam giới, được uống rượu, làm thơ trong tửu lầu, tháp tùng phụ thân tới vùng biên ải. Hay nói cách khác, họ được quyền tham gia nhiều hoạt động mà phụ nữ quý tộc các triều đại Tống, Minh và Thanh không được phép làm.

Từng có nhiều giai thoại về cuộc đời nhân vật này, nhưng tận tới khi lăng mộ lớn của bà được phát hiện gần sân bay Hàm Dương, thủ phủ Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây vào tháng 6/2013, sự thật về Thượng Quan Uyển Nhi mới dần được hé lộ.

Lăng mộ của nữ tể tướng được coi là cánh tay phải của Võ Tắc Thiên - 3
Phần lăng mộ của bà được khai quật vào tháng 8/2013 (Ảnh: Sohu).

Trong nhiều chuyện dã sử Trung Quốc nhắc tới mối quan hệ không tốt giữa Thượng Quan Uyển Nhi và công chúa Thái Bình. Nhưng chuyện khắc trên bia mộ lại mang tới góc nhìn khác. Chính công chúa Thái Bình phụ trách việc an táng Thượng Quan Uyển Nhi, cho khắc văn bia ca ngợi tài năng và đức hạnh của bà.

Việc khai quật lăng mộ tiến hành vào tháng 8/2013. Ngôi mộ dài 36,5m và sâu 10,1m, gồm các lối đi, đường hầm, khu chôn cất. Những chữ khắc trên tấm bia cho thấy đây là nơi an nghỉ cuối cùng của người phụ nữ nổi tiếng thời Đường này.  

Nhóm khảo cổ rất vui mừng khi thấy lăng mộ không có dấu vết bị trộm cướp. Tuy nhiên sự thất vọng lại sớm đến vì hầm mộ trống rỗng, không có quan tài hay hài cốt. Vết tích còn lại trong hầm cho thấy nơi này không bị đột nhập từ bên ngoài, mà bị đào xới theo lệnh của triều đình không lâu sau khi bà được chôn cất.

Ở thời điểm được phát hiện, lăng mộ đã hư hại nặng, song những dấu tích còn lại cho thấy công trình được xây dựng công phu trên quy mô lớn.

"Việc phát hiện ra lăng mộ cùng nhiều văn bia cổ là tài liệu quan trọng cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu rõ hơn về triều đại nhà Đường", nhà sử học Du Wenyu nhấn mạnh.