Clip Việt: Những cuộc chơi tốn kém

Để có một clip đẹp như “Nếu phải xa nhau” của Hiền Thục trong VCD Vol.2 hay Thu Minh trong “Bóng mây qua thềm”, ca sĩ ít nhất phải ném vào đấy từ chục triệu đến hàng trăm triệu. Hay như Lam Trường với album mới "Katy" cũng tốn đến vài chục ngàn USD.

Clip đẹp: Cuộc chơi của nhà giàu

 

Hình ảnh Ngô Thanh Vân trước đây trong Thế giới trò chơi khiến nhiều người ngưỡng mộ đã mở màn cho sự bùng phát lần đầu của clip Việt do người nước ngoài làm hẳn hoi. Thế nhưng cuộc bùng phát đã "xuống màu" nhanh chóng chỉ vì đạo diễn đến từ Hồng Kông này đã cạn kiệt ý tưởng. Dẫn chứng là clip Nắng về theo anh của Hồng Nhung chỉ là "hàng khuyến mãi". Qua đến clip của Đăng Khôi và Nhất Thiên Bảo thì gần như kết thúc cuộc khuếch trương của những kẻ nhà giàu.

 

Khi VTV- Bài hát tôi yêu lần 1 thành công vang dội với những clip cơ bản ban đầu là chấp nhận được; đến lần thứ hai, sự sáng tạo ban đầu dường như bị ban tổ chức gò ép trong các giải thưởng nên càng về sau clip chẳng có gì mới lạ, cứ cảnh đẹp, người đẹp, nhạc trữ tình nhè nhẹ, hình ảnh lãng mạn là xong! Các bản sao xuất hiện ngày càng dày trong chương trình vì hầu như ca sĩ nào cũng chỉ thích "trữ tình". Những clip đạt chuẩn về kĩ thuật lại quá nghèo nàn về kịch bản trong khi clip có kịch bản tốt thì quay quá xấu.

 

Đến VTV- Bài hát tôi yêu lần 3 thì clip Việt trở thành một cuộc chơi của những người trẻ tuổi tìm danh vọng chứ chẳng ai còn mặn mà nữa. Chẳng hạn như clip Cuối đêm của Tùng Dương và Biển lạnh của Phương Anh dù tốn đến 25 triệu đồng nhưng clip lại chẳng khác gì những chương trình ca nhạc quay ngoại cảnh hoặc trong phim trường hay phát sóng trên đài. Đó là chưa kể đến việc ca sĩ, đạo diễn vì muốn clip đoạt giải cao nên ngoài chuyện "chạy đường trong", họ cũng bỏ thêm tiền cho clip được nâng cao.

 

Chính vì thế mà mặt bằng clip trong VTV- Bài hát tôi yêu lần 3 trở nên "hổ lốn", clip của Aron Toronto quay với Quang Hà chẳng khác gì một clip chợ nhưng vẫn được vinh danh. Anh của Lê Kiều Như quá bình thường và không đột phá vẫn lãnh giải. Chính sự qua loa của những người không có trách nhiệm nên một lần nữa cuộc cách mạng clip lần 2 thất bại. Công chúng giờ đây chẳng thèm quan tâm đến VTV - Bài hát tôi yêu nữa.

 

Cuộc cách mạng mới nhất là clip của Lam Trường, Hiền Thục và Thu Minh gần đây. Các clip đẹp kết hợp cùng những ca khúc ăn khách nhưng lại bất cân bằng về hình ảnh. Cụ thể là Thu Minh khiến thiên hạ chói mắt vì hình ảnh thật liêu trai, thật lạ với tóc dài; cảnh tuy ấn tượng nhưng lại lồng vào là chiếc ghế sa lon được đặt trong một gian phòng xấu xí.

 

Hiền Thục rất cố gắng cho VCD lần 2 nhưng tiếc cho cô là hai ca khúc Lạc lốiChuyện tình trong tủ kính quá đối lập với ba clip còn lại. Đồng đều nhất có lẽ là Lam Trường với hình ảnh và tất cả clip đều phủ một màu phim nhựa. Thế nhưng cho dù rất thành công về mặt doanh thu nhưng không ít người lại e dè cho một số tiền quá lớn: 25 ngàn USD mà anh bỏ ra. Do đó, dù liên tục cải tiến nhưng clip Việt vẫn chưa tạo cơn sốt.

 

Clip chợ: Rẻ tiền mà vẫn sống tốt!?

 

Lý Hải đã ra đến Trọn đời bên em 5 nhưng khán giả vẫn chờ mong đến album thứ 6. Không những thế, vẫn một lẽ đó, Vĩnh Thuyên-manage trước đây của Lý Hải -lại tiếp tục thành công khi lăng xê Trần Tâm và gần đây nhất là nữ ca sĩ Uyên Trang. Ưng Hoàng Phúc "ăn" liên tục với những video clip hàng chợ dù đã sang tận Hồng Kông để quay, nối tiếp đó là H.A.T với album VCD- CD I'm H.A.T vừa phát hành. Thiên trường - Địa Hải gây sốt với clip Ngã ba tình- không có lần thứ hai.

 

Duy Mạnh, Lưu Chí Vỹ tạo “cơn địa chấn” với clip và ca khúc đều là hàng chợ. Chính những dẫn chứng trên là biểu hiện hùng hồn cho sự bền vững và an toàn của clip hàng chợ, đánh vào thị hiếu giới bình dân.

 

Trước đây và bây giờ, thị hiếu khán giả vẫn chưa thay đổi nhiều, từ những ngày khai sinh hàng loạt Mưa bụi, Tình xuân… với những clip kết hợp nhiều yếu tố tạp kỹ, ví dụ các màn kiếm hiệp hay giật gân hơn là các ý tưởng xã hội đen. Tuy nhiên, phổ biến nhất là các câu chuyện lồng vào các ca khúc. Đó là những câu chuyện tình với các tình tiết thường thấy trong các thể loại phim truyền hình Hồng Kông, Đài Loan. Nhằm tạo yếu tố hấp dẫn, một số clip còn lồng cả tiếng nhân vật đối thoại. Dần dần từ việc xem clip để thưởng thức ca nhạc, khán giả chuyển thành xem… phim ca nhạc! Và nếu ca khúc được lồng vào clip thích hợp, tạo ấn tượng thì lập tức ca khúc đó ăn theo.

 

Bên cạnh đó, giá cả thực hiện clip này cũng không quá cao, chỉ khaỏng 20 triệu nếu đạo diễn biết tằn tiện. Có đạo diễn còn tuyên bố 5 triệu cũng làm được clip, trong ấy ca sĩ sẽ có được một bộ phim dài hơn 30 phút với những ca khúc được lồng vào có cả lời thoại (!).

 

Hiện nay, chúng ta chưa có trường đào tạo chính quy đạo diễn ca nhạc, do đó hầu hết là các đạo diễn sân khấu và điện ảnh học hỏi thêm từ clip nước ngoài. Chuyện trùng lắp ý tưởng là điều dễ hiểu, thậm chí một vài đạo diễn vốn có tiếng đạo diễn sân khấu đã tự động đẩy giá lên khá cao khi thực hiện clip. Một số ca sĩ lại rước đạo diễn nước ngoài về với cái mác khá ấn tượng nhưng thực chất chẳng có bao nhiêu ý tưởng. Mặt khác, âm nhạc của chúng ta chẳng có nhiều “không gian ảnh” đa dạng nên rốt cuộc chỉ là một hình thức đơn điệu.

 

Theo Công An TPHCM