1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Chuyện lỗ lãi của phim Việt

Thời gian qua, báo chí trong nước bàn luận nhiều về doanh thu phim của các đạo diễn người Việt. Ước tính, Võ lâm truyền kỳ đạt khoảng 16 tỷ, Dòng máu anh hùng khoảng 8 tỷ, Áo lụa Hà Đông khoảng 4 tỷ; và bộ phim Sài Gòn nhật thực chắc là thua lỗ!

Điều đó cho thấy trong thời buổi kinh tế thị trường, ngoài nội dung nghệ thuật, báo chí còn rất quan tâm đến chuyện kinh tế của các bộ phim... 

 

Nhìn vào những con số doanh thu, người ta không thể không lo lắng cho số phận và tương lai của các bộ phim Việt. Doanh thu đó còn phải chia cho rạp, tỷ lệ trung bình là 50/50. Sau đó còn chi phí cho các khâu làm phim ở các thời kỳ như kế hoạch làm phim, chuẩn bị (chi phí cho các thành phần), quay phim (phát sinh nhiều chi phí), hậu kỳ, marketing, chi phí dự các festival, phát hành ở thị trường trong và ngoài nước ra sao... Sơ lược như vậy đủ thấy việc sản xuất một phim phức tạp thế nào và chuyện lời lãi xa thẳm như chân trời.

 

Nhìn vào thực lực của thị trường phim Việt, chúng ta thấy khó khăn còn ngổn ngang trăm bề. Số lượng phim sản xuất hàng năm quá ít, số lượng rạp đạt tiêu chuẩn không nhiều. Vì thế phim Võ lâm truyền kỳ với số lượng in 60 bản phim đã dũng cảm chiếu ở hầu hết các rạp, kể cả những rạp cũ và máy móc cũ.

 

Vậy doanh thu của bộ phim đạt cao là lẽ đương nhiên. Trong khi đó, phim Dòng máu anh hùng, với khoảng 20 bản phim, lại kén rạp, chỉ chiếu ở những rạp đủ tiêu chuẩn như Galaxy, Megastar, Trung tâm chiếu phim Quốc gia... Do vậy, doanh thu phim này không cao cũng là điều dễ hiểu.

 

Song dư luận lại có khả năng tạo ra những sức mạnh vô hình, sức mạnh đặc biệt. Điều đó, không ít thì nhiều, đương nhiên tác động đến các hãng phim, các nhà sản xuất, các đạo diễn và nhiều thành phần khác.

 

Chuyện lỗ lãi của phim Việt  - 1
 Một cảnh trong phim "Dòng máu anh hùng"

 

Nếu nhà sản xuất yếu bản lĩnh, không trường vốn thì tất nhiên, họ sẽ ngại đầu tư vào những dự án làm phim mới. Hoặc nếu có đầu tư thì số vốn bỏ ra cũng ít dần. Điều đó dẫn đến tình trạng buồn thảm là phim Việt, về chất lượng và số lượng, sẽ ngày càng nhỏ bé hơn.

 

Con đường giải bài toán kinh tế điện ảnh chưa bao giờ đơn giản. Nhìn sang bên người hàng xóm to lớn của chúng ta là Trung Quốc cũng đủ thấy.

 

Những phim gần đây với kinh phí lớn hàng chục triệu đô la Mỹ như Vô Cực của Trần Khải Ca, Dạ Yến của Phùng Tiểu Cương, Hoàng Kim Giáp của Trương Nghệ Mưu cũng không đạt doanh thu cao. Song, không vì thế mà các Hãng phim và các nhà sản xuất không làm phim nữa. Các dự án làm phim vẫn tiếp tục chuyển động và các bộ phim vẫn mong đợi ngày công chiếu.

 

Vấn đề đặt ra với các nhà làm phim Việt Nam là gì? Nhiều người lạc quan cho rằng, một đất nước với số dân hơn 80 triệu sẽ là một thị trường lớn đối với điện ảnh. Nhưng con đường đi đến thị trường này còn rất nhiều gian truân. Trước hết cần phải nghiên cứu kỹ thị trường.

 

Các nhà làm phim người Việt ở nước ngoài có nhiều điểm mạnh nhưng lại thiếu kinh nghiệm làm phim ở thị trường trong nước. Các nhà làm phim trong nước có nhiều điểm yếu về kết cấu, kỹ thuật nhưng lại làm phim theo kiểu dễ dãi là chạy theo thị hiếu nhất thời của khán giả.

 

Chuyện lỗ lãi của phim Việt  - 2
Một cảnh trong phim "Sài Gòn nhật thực"

 

Đó là các hãng phim tư nhân. Còn những hãng phim nhà nước lại thường có xu hướng làm phim theo đề tài. Đây là một kiểu làm phim cũ kỹ và không bao giờ nhìn thấy một đồng xu hòa vốn.

 

Một căn bệnh kinh niên và nan giải của tất cả các hãng phim nhà nước, tư nhân hay người Việt ở nước ngoài là không chịu tiêu tiền cho việc quảng bá phim. Hầu hết các sách dạy maketing phim đều khẳng định rằng, vấn đề khó nhất và quan trọng nhất đối với nhà sản xuất không phải ở vấn đề làm được một bộ phim hay mà ở vấn đề có tiêu thụ được phim đó không.

 

Các chuyên gia kinh tế điện ảnh cũng đã tính, muốn một phim có lãi, kinh phí cho việc quảng cáo phải gấp 3 lần kinh phí cho việc làm phim. (1 USD làm phim/3 USD quảng cáo). Có thể các nhà làm phim đều biết điều này song “lực bất tòng tâm”.

 

Để khích lệ người Việt ở nước ngoài làm phim, có lẽ nhà nước cũng nên có chính sách hỗ trợ kinh phí đối với những bộ phim tốt. Bởi những bộ phim của các đạo diễn nước ngoài đã góp phần rất lớn vào việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra nước ngoài. Đó là giá trị vô hình nhưng quý hơn vàng!

 

Với những phim trong nước cũng vậy. Phim nào tốt nên tài trợ, thưởng tiền cho đạo diễn, diễn viên, cho hãng phim. Đồng thời nhà nước cũng hỗ trợ cho các dự án làm phim có nội dung tốt mà chưa đủ kinh phí như Lời nguyền của Quý Phi của đạo diễn Quan Lelan, thưởng cho các đạo diễn nước ngoài làm phim tốt về Việt Nam như Regis Wargnier (phim Đông Dương), Jean Stephane Bron (phim Em tôi cưới vợ)… Có thể tiền thưởng không cần nhiều song cái được là điều vô giá.

 

Theo Đoàn Tuấn

Thế Giới Điện Ảnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm