Chùa Cầu - Hội An "khoác áo mới": Cục Di sản văn hóa lên tiếng

Lạc Thành

(Dân trí) - Diện mạo mới của Chùa Cầu sau cuộc đại trùng tu đang nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) đã lên tiếng.

Sau gần 2 năm che chắn phục vụ trùng tu, di tích Chùa Cầu (thành phố Hội An, Quảng Nam) đã lộ diện, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách.

Theo đó, di tích Chùa Cầu đã được hoàn thành toàn bộ các hạng mục trùng tu gồm: Hệ nền, móng, mố, trụ cầu; hệ sàn, khung gỗ, mái; hệ thống điện, chống mối công trình...

Diện mạo mới của Chùa Cầu sau cuộc đại trùng tu đang nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Trong đó, nhiều người cho rằng việc trùng tu làm mất đi vẻ đẹp cổ kính, rêu phong của công trình được coi là biểu tượng của đô thị cổ Hội An (Quảng Nam), khiến cây cầu trở nên lạ lẫm so với trước đây.

Chùa Cầu - Hội An khoác áo mới: Cục Di sản văn hóa lên tiếng - 1

Diện mạo mới của Chùa Cầu sau khi trùng tu ở Hội An (Ảnh: Ngô Linh).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) - cho biết, việc tu bổ Chùa Cầu được Bộ VH-TT&DL thẩm định trước khi triển khai thực hiện.

Trong quá trình thẩm định dự án, thiết kế và triển khai trùng tu, Cục Di sản văn hóa đều tham gia vào các phương án điều chỉnh, cũng như tổ chức hội nghị, hội thảo và những vấn đề liên quan đến di tích.

"Dự án tu bổ Chùa Cầu được triển khai cách đây khoảng 7-8 năm, nhưng di tích được trùng tu bắt đầu khoảng 2 năm trở lại đây. Màu sắc, kiến trúc được các cấp bộ, ngành đề xuất, quyết định. Tôi đã nhìn thấy hình ảnh Chùa Cầu sau khi trùng tu, thì thấy hình ảnh đảm bảo yêu cầu với hồ sơ của Bộ và Cục Di sản văn hóa thẩm định. 

Cục Di sản văn hóa cũng có văn bản thống nhất một số nội dung, điều chỉnh theo quy định, thông tư về tu bổ di tích. Đây công trình thuộc di tích quốc gia đặc biệt ở đô thị cổ Hội An nên việc trùng tu sẽ phải theo Luật Di sản văn hóa", ông Thành nói.

Ông Thành cho biết thêm, Chùa Cầu được trùng tu với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng được tỉnh Quảng Nam triển khai. Theo đó, ngân sách của Nhà nước cấp cho tỉnh, sau đó UBND tỉnh lựa chọn di tích để tu bổ theo chương trình trung hạn. 

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện trùng tu) - cho biết, việc tu bổ Chùa Cầu được thực hiện trên tinh thần như một cuộc "giải phẫu - chữa bệnh" nên mọi hoạt động đều cẩn trọng, tỉ mỉ, bài bản, khoa học từ khâu chuẩn bị dự án đến các giải pháp tổ chức và kỹ thuật thi công, tu bổ di tích. 

Theo ông Ngọc, việc trùng tu luôn nhận được sự quan tâm của những ai yêu mến di sản kiến trúc nói chung, di tích Chùa Cầu nói riêng. Đồng thời cũng là nỗi đắn đo, trăn trở của những người trực tiếp thực hiện dự án, đó là sau lần đại trùng tu này, Chùa Cầu vẫn giữ được nét cổ kính, vẻ đẹp nhuốm màu thời gian như chúng ta vẫn từng chiêm ngưỡng.

Theo đó, màu sắc hoàn thiện sau tu bổ của Chùa Cầu được quyết định giữ nguyên màu hiện trạng của tất cả cấu kiện gỗ, bao gồm cả những chi tiết chạm khắc trang trí, hoành phi, liễn đối, không sơn vẽ gì thêm. Cấu kiện hoặc thành phần gia cố chỉ quét phủ chất bảo quản không màu. Tương tự phần thân mố, trụ cầu cũng hoàn toàn giữ nguyên không can thiệp về màu sắc.

"Thực tế màu sắc của hệ trang trí mái Chùa Cầu được tu bổ, phục hồi dựa theo một số vị trí màu sắc nguyên trạng, kết hợp với kết quả nghiên cứu, khảo sát các công trình tín ngưỡng truyền thống tương tự ở Hội An như đề xuất của các chuyên gia qua các lần tham vấn, tọa đàm.

Việc phục hồi màu sắc, dù thế nào cũng không thể tránh làm cho di tích có phần "mới" ra, nhưng điều quan trọng hơn là đã giữ gìn được tính nguyên gốc, đảm bảo tính nguyên tắc trong tu bổ di tích phù hợp với bản chất vốn có của di tích.

Để rồi theo thời gian, Chùa Cầu lại trở về với nét cổ kính, trầm mặc như đã từng trải qua trong lịch sử sau những lần trùng tu, hay trong mỗi dịp cúng tế, lễ hội, Tết đến xuân về hằng năm", ông Ngọc nói.

Chùa Cầu - Hội An khoác áo mới: Cục Di sản văn hóa lên tiếng - 2

Chùa Cầu, Hội An sau khi trùng tu có màu sắc gây tranh cãi (Ảnh: Ngô Linh).

Cuối năm 2022, dự án đại trùng tu Chùa Cầu được tỉnh Quảng Nam triển khai. Đây được xem là lần trùng tu theo phương pháp hạ giải quy mô, bài bản nhất.

Thành phố Hội An đang hoàn thiện các công đoạn cuối cùng để đưa di tích Chùa Cầu phục vụ du lịch.

Chùa Cầu là công trình kiến trúc do các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại Hội An xây dựng vào đầu thế kỷ 17. Chiếc cầu dài 18m với 7 gian bằng gỗ, vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Hoài (một nhánh sông Thu Bồn) nối giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú. Chùa Cầu có dáng uốn cong mềm mại và được chạm trổ nhiều họa tiết tinh xảo. Trên cửa chính của Chùa Cầu có chạm nổi 3 chữ Hán "Lai Viễn Kiều" nghĩa là cầu của những người bạn từ xa đến.

Trên cầu có ngôi miếu nhỏ thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ. Ở hai đầu cầu có đặt hai nhóm tượng khỉ và chó ngồi chầu. Chùa Cầu gắn liền với truyền thuyết về con Cù - một loài thủy quái có đầu nằm ở Ấn Độ, thân ở Việt Nam và phần đuôi ở tận Nhật Bản. Mỗi lần con Cù cựa quậy là gây ra lũ lụt, động đất ở những nơi này. Vì vậy, ngoài việc xây cầu để phục vụ giao thông, người xưa còn có hàm ý trấn yểm loài thủy quái, giữ cho cuộc sống yên bình. Chùa Cầu được chọn làm biểu tượng của Hội An.