Cất giữ vẻ đẹp của ngôi làng hơn 500 năm tuổi
(Dân trí) - Triển lãm “Bóng di sản” là một hoạt động nằm trong dự án dài hơi “Đánh thức di sản” của nhóm họa sĩ 33A trên khắp mọi miền đất nước. Nhóm đã chọn điểm đến đầu tiên là làng Cựu, Hà Nội.
Triển lãm trưng bày hơn 50 tác phẩm về làng Cựu, xã Vân Từ, Phú Xuyên, Hà Nội của 9 họa sĩ Dương Tuấn, Bùi Văn Tuất, Chu Viết Cường, Minh Đông, Cấn Mạnh Tưởng, Đạt Phú, Tuấn Đạt, Nguyễn Thế Long và Nguyễn Minh “phố”. Khách mời đặc biệt: Họa sĩ Trần Huy Oánh, còn viết lời tựa triển lãm là họa sĩ Lê Thiết Cương.
Các bức tranh muôn màu muôn vẻ đã cất giữ vẻ đẹp của “ngôi làng biệt thự” hơn 500 tuổi với kiến trúc Việt cổ đan xen kiến trúc Pháp và làm thổn thức trái tim người xem bằng việc giữ nguyên tinh thần của di sản nhưng được thổi làn gió mới của hơi thở đương đại.
Để có những tác phẩm này, nhóm họa sĩ 33A đã có thời gian đi điền dã, ăn ở và sinh hoạt cùng người dân làng Cựu. Các nghệ sĩ đi quanh làng, thăm thú, nhìn ngắm và được hít thở cả màu thời gian của những vật thể mà anh em nghệ sĩ mạnh dạn gọi đó là di sản văn hóa.
Theo chia sẻ của các thành viên, làng Cựu dù nổi tiếng là thế nhưng không khí trong làng khá im ắng và vắng lặng. Vốn là làng nghề may mặc được hình thành từ thời Pháp thuộc, giờ nhiều người đã chuyển đến sinh sống và làm ăn ở nhiều nơi khác nhau.
Trong làng chỉ còn người già và trẻ con. Đường làng ngõ xóm rất ít người đi lại, không huyên náo và sôi động như một số làng cổ khác. Những ngôi biệt thự cổ xưa giờ ít người ở...
Họa sĩ Dương Tuấn đặt ra câu hỏi đau lòng, nếu một ngày nào đấy những ngôi làng này, những mái cổng này, những bờ tường rêu phong cổ kính này hoàn toàn mất đi thì sẽ ra sao?
Vì thế, triển lãm “Bóng di sản” của nhóm 33A nhằm lưu lại vẻ đẹp của làng Cựu thông qua ngôn ngữ hội họa. Tuy nhiên, thử thách đặt ra đối với các nghệ sĩ là sẽ sử dụng cảnh quan, kiến trúc và con người làng Cựu làm nguyên liệu nhưng họa sĩ cần mang được vào tác phẩm hơi thở đương đại của một tư duy mới những không làm mất đi tinh thần, giá trị của di sản đó. Bên cạnh việc tạo ra cái mới, cái đương đại ấy, người nghệ sĩ vẫn phải giữ được phong cách sáng tác của riêng mình.
Họa sĩ Tuấn Đạt đã mang tới các tác phẩm về cổng làng. Từ sau cánh cổng làng đã phai màu thời gian, người xem như bước vào một thế giới khác, xưa cũ và cổ kính. Nhưng đằng sau đó là cả một câu chuyện dài về làng Cựu với nét kiến trúc đan xen giữa Việt cổ và Pháp độc nhất vô nhị.
Trong khi ấy, Thế Long đã thay thế chữ Lộc bằng chữ Vạn trong bộ ba Phúc Lộc Thọ để tạo nên một ý nghĩa khác. Mạnh Tưởng lại có những quan sát tinh tế về sự mong manh của một ngôi làng trên 500 năm.
Bùi Văn Tuất yêu vẻ đẹp của làng quê tĩnh lặng và yên bình thì Minh Đông cố gắng pha trộn hiện thực làng và suy nghĩ trong tâm tưởng cá nhân vào những bức tranh panorama ấn tượng.
Còn họa sĩ Nguyễn Minh “phố” thể hiện làng trong hình hài rất mới, hình ảnh thân thuộc gợi nhớ về phố. Theo hoạ sĩ Nguyễn Minh (Minh Phố), các di sản của tạo hóa, của cha ông để lại từ nhiều đời luôn đáng trân trọng và cần bảo tồn, tuy nhiên – đứng ở góc độ hội họa những di sản ấy sẽ là nguyên liệu để cho nghệ sĩ sáng tạo nên các tác phẩm mới.
Cái khó và cũng là thử thách cho các nghệ sĩ là cũng với những nguyên liệu ấy, bạn phải mang được vào đó hơi thở đương đại của một tư duy mới mà không làm biến dạng hoặc mất đi tinh thần, giá trị của di sản đó, nếu không – bạn sẽ luôn dập khuôn đi theo lối mòn với cách vẽ, cách tạo hình đã có từ trước. Bên cạnh việc tạo ra cái mới, cái đương đại ấy người nghệ sĩ vẫn phải “trình làng” những phong cách, những đặc trưng mà đã tạo nên tên tuổi của mình, để mình vẫn là mình...
Nguyễn Hằng