Billy Wilder: Đạo diễn của những kiệt tác

(Dân trí) - Trong con mắt của một số người, Billy Wilder (1906 - 2002) là một kẻ vô đạo đức và lệch lạc. Nhưng đối với những đồng nghiệp, Billy là một đạo diễn luôn tìm tòi những đề tài và ý tưởng độc đáo để thể hiện trong các tác phẩm của mình.

Cũng giống như Fritz Lang, Billy Wilder xuất thân trong một gia đình Áo gốc Do Thái. Tuy nhiên, thần tượng của ông lại là đạo diễn Berlin Ernst Lubitsch. Ông đã rời Wien từ rất sớm để đến Berlin bắt đầu sự nghiệp của một nhà báo và nhà viết kịch bản điện ảnh. Thời gian này, ông đã viết kịch bản đầu tay cho bộ phim Chủ nhật của mọi người.

 

Khi Hitler lên nắm quyền, cũng giống như nhiều trí thức Đức - Áo khác, ông đã phải rời xứ sở. Tới Hollywood, ông nhanh chóng làm quen với môi trường làm việc mới. Chỉ với bộ phim thứ ba Khoản bồi thường gấp đôi, ông đã bứt phá để trở thành một đạo diễn nổi tiếng. Tiếp theo là những bộ phim hài nổi tiếng như Cơn thèm sau 7 nămCăn hộ.

 

Cũng giống như tất cả những đạo diễn ngoài lề đến từ Trung Âu, ông đã chỉ ra cái mặt trái và sự giả tạo của xã hội Mỹ. Điều đặc biệt là ông không tìm cách giáo huấn hay dạy dỗ, mà ông thường tiếp cận những vấn đề cấm kị bằng óc khôi hài và sự cảm thông. Ngay cả cái nôi điện ảnh Hollywood, cái nôi đã nuôi dưỡng ông, cũng không tránh khỏi bị "mổ xẻ", châm biếm trong bộ phim Đại lộ hoàng hôn.

 

Billy Wilder: Đạo diễn của những kiệt tác - 1

 Marylin Monroe - người đã được Billy Wilder phát hiện

những thiên hướng "lệch lạc" tiềm ẩn.

 

Trong Xúc cảm cuồng nhiệt, ông đã đạt tới đỉnh cao điện ảnh. Với bộ phim này, ông đã xác lập một kiểu phim mới, kiểu Screwball Comedy, trong đó các nhân vật trâng tráo và trơ trẽn cọ xát với nhau, hết tình huống gay cấn này đến tình huống gay cấn khác.

 

Nhiều diễn viên lớn đã trưởng thành từ những bộ phim của ông như Jack Lemmon, Shirley McLane. Đặc biệt là Marylin Monroe, người đã nhờ Billy Wilder mà phát lộ được toàn bộ những thiên hướng đặc biệt tiềm ẩn của mình.

 

Những bộ phim giai đoạn sau của Billy Wilder không còn so được với giai đoạn 1950 nữa. Những năm cuối đời, ông thường chỉ đóng vai cố vấn. Ông mất cách đây 5 năm, để lại hơn 50 bộ phim. Ông đã được trao rất nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có 6 giải Oscar và 21 đề cử Oscar.

 

Cho đến hôm nay, nhiều nhà phê bình điển ảnh cho rằng nếu thiếu ông, người ta khó hình dung được chất lượng nghệ thuật của phim Hollywood thời kì đầu sẽ như thế nào.

 

Trong tháng 3 này, 11 tác phẩm của đạo diễn Billy sẽ được giới thiệu với khán giả Việt Nam tại rạp Hà Nội Cinematheque. Vé vào cửa miễn phí có tại Viện Goethe và Hà Nội Cinematheque.

 

Nhật Ninh