1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

“Biến vĩ của tình yêu” và ước mơ “đổi đời” của kịch hình thể

(Dân trí) - Đưa những trang phục “mát mẻ” đầy phá cách lên sân khấu, diễn viên nữ cởi trang phục “ngon lành”, đưa nước lên dàn dựng như mưa thật… Tất cả những cố gắng ấy đã thể hiện khát vọng “đổi đời” của kịch hình thể trong Biến vĩ của tình yêu.

Biến vĩ của tình yêu bám vào một cốt truyện không mới, thậm chí có thể nói, một cốt truyện không thể cũ hơn. Vẫn là những cô cậu bé thanh niên lớn lên từ những miền quê chân thật, do dòng đời xô đẩy phải tìm lên thành phố kiếm sống. Sự ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống đô thị đã vấy bẩn lên sự trong sáng, thật thà của người miền quê kiểng. Những cô bé, cậu bé tha thiết muốn trở về quê hương xưa, trong tiếng hát trong veo, trong không gian trong lành để nuôi tiếp giấc mơ tình yêu thuở bé.

Nội dung không mới, bởi vậy, Biến vĩ của tình yêu buộc phải đào sâu tìm tòi những cách thể hiện mới trong thể loại kịch hình thể. Âm nhạc được tận dụng như một phương cách chuyển thể cảm xúc cho cả vở diễn. Ca khúc “Giấc mơ trưa” của nhạc sỹ Giáng Son trong veo và tinh tế xâu chuỗi cảm xúc và trở thành nỗi ám ảnh cho quá trình Biến vĩ của tình yêu.

“Giấc mơ trưa” là cảm xúc nồng nàn của tình yêu trong sáng thuở ban đầu. “Giấc mơ trưa” là ước mong về một tương lai sáng trong của đôi bạn trẻ. “Giấc mơ trưa” là nỗi nhớ nhung làng quê khôn nguôi của Chiến (Công Dũng) và Thơm (Trà Hương) khi lên thành phố mưu sinh. Và “Giấc mơ trưa” là khát vọng muốn trở về nơi làng quê cũ của chàng trai, cô gái khi họ bị xô đẩy tới bờ vực của dối lừa.
 
“Biến vĩ của tình yêu” và ước mơ “đổi đời” của kịch hình thể - 1
Một cảnh trong vở diễn Biến vĩ của tình yêu

Cách sử dụng âm nhạc tinh tế đã thổi hồn cho Biến vĩ của tình yêu một “Giấc mơ trưa” trong trẻo, sinh động. Ca khúc của nhạc sỹ Giáng Son trở thành tinh thần cảm xúc chủ đạo cho vở diễn.

Cách dàn dựng vở diễn thể hiện nhiều nỗ lực cố gắng của đạo diễn- NSND Lan Hương. Không sử dụng nhiều đạo cụ, không trang hoàng sân khấu lộng lẫy, không nắn nót bối cảnh, chỉ có những chất liệu giản dị và mộc mạc, NSND Lan Hương tạo dựng sân khấu nơi diễn ra câu chuyện chính của “Biến vĩ của tình yêu” chỉ với ba bối cảnh chính. Cách sử dụng đạo cụ trong dàn dựng đã nói lên kinh phí hạn chế của vở diễn, đồng thời cũng thể hiện sự thông minh của người đạo diễn. Cách đưa nước lên sân khấu tạo mưa giống như thật, cách dàn dựng cõi chết, cách sử dụng chiếc ghế trong giấc mơ mộng mị của người đàn bà chủ hàng quần áo… khiến khán giả bất ngờ, thú vị.

Biến vĩ của tình yêu táo bạo đưa những phục trang phá cách lên sân khấu. Em bé gái lớp 9 chỉ mặc độc một chiếc áo sơ-mi trong cảnh ăn chơi thác loạn với con trai người hoạ sỹ, cảnh linh hồn của Thơm thăng hoa với chỉ một bộ đồ kiệm vải, hay cảnh Thơm đồng ý để hoạ sỹ vẽ khoả thân, diễn viên Trà Hương cởi bỏ trang phục “ngon lành” trên sân khấu… Đã tạo cảm giác “mạnh” với khán giả, đẩy cao trào cảm xúc của vở diễn lên cao. Những cảnh “nóng” được dựng khéo léo. Cảm xúc của vở diễn được xâu chuỗi, liền mạch, có cao trào, có thắt nút, và phần kết thúc mở để lại nhiều xúc động cho khán giả.
 
“Biến vĩ của tình yêu” và ước mơ “đổi đời” của kịch hình thể - 2
"Biến vĩ của tình yêu" liệu có đưa kịch hình thể đến gần hơn với khán giả?

Trong suốt quá trình vở diễn công diễn xuất đầu tiên, khán giả ngồi gần cánh gà có thể nhìn thấy đạo diễn- NSND Lan Hương đi lại phía bên trong, lo lắng, hồi hộp, nhắc nhở diễn viên, chuẩn bị đạo cụ cho từng cảnh diễn. Những nỗ lực cố gắng trong cách tân hình thức thể hiện cho kịch hình thể là khát vọng “đổi đời” muốn mong được gần gũi hơn với khán giả của loại hình sân khấu kén người xem này.

Hào Hoa

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm