Tử Cấm Thành không một bóng cây, nguyên nhân chẳng ai ngờ
(Dân trí) - Sau khi bị nhóm thích khách trèo cây lẻn vào cung định ám sát vào năm 1813, vua Gia Khánh thời nhà Thanh đã ra lệnh chặt toàn bộ số cây xanh ở trung tâm Tử Cấm Thành và nghiêm cấm trồng lại.
Tử Cấm Thành vốn là khu phức hợp cung điện ở khu Đông Thành thuộc Bắc Kinh, Trung Quốc, với tổng diện tích lên tới 720.000 m2. Đây là nơi ở của giới hoàng tộc thuộc hai triều đại phong kiến nhà Minh và nhà Thanh, đồng thời là trung tâm chính trị của Trung Quốc suốt 500 năm.
Được xây dựng từ năm 1406 đến năm 1420, nơi đây gồm 980 tòa nhà, được cho là gồm 9.999 căn phòng. Cung điện là minh chứng cho sự xa hoa của các Hoàng đế Trung Hoa từng sinh sống, đồng thời phản ánh nét kiến trúc cung đình truyền thống Trung Quốc.
Khu vực trung tâm của Cố Cung được chia thành 3 đại điện lớn, gồm điện Thái Hòa, điện Trung Hòa và điện Bảo Hòa. Tiếp đó mới tới chốn Hậu cung là nơi ở của các phi tần.
Điện Thái Hòa là khu vực tối thượng của Tử Cấm Thành, được chọn làm nơi tiến hành nhiều sự kiện quan trọng của Hoàng gia, như lễ đăng quang, hôn lễ của Hoàng đế, lễ mừng thọ. 24 vị Hoàng đế của triều đại nhà Minh và nhà Thanh đều tổ chức các buổi lễ lớn tại đây.
Tiếp theo, điện Trung Hòa là nơi Hoàng đế nghỉ ngơi, tiếp đãi quan viên.
Cuối cùng là điện Bảo Hòa, được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau trong hai triều đại nhà Minh và nhà Thanh. Trước khi diễn ra đại lễ nhà Minh, Hoàng đế thường thay hoàng bào ở đây. Còn ở thời nhà Thanh, đây là nơi Hoàng đế ban yến tiệc vào đêm giao thừa và ngày tết nguyên tiêu.
Với tổng diện tích của tam điện lên tới 150.000m2 có quy mô hoành tráng, nhưng khi bước chân vào trong, nhiều du khách ngạc nhiên khi thấy không có bóng dáng bất cứ cây xanh nào. Trong khi đó, các khu vườn ở hậu cung, vườn ở cung Từ Ninh, vườn Càn Long vẫn có cây cối xanh tốt.
Nguyên nhân chính của việc "xóa sổ" cây cối ở 3 sảnh chính được các nhà sử học cho rằng xuất phát từ một vụ ám sát Hoàng đế thời nhà Thanh.
Vào năm Gia Khánh thứ 18 (1813), một giáo phái do Lý Thanh cầm đầu, nổi dậy ở các tỉnh như Hà Nam, Sơn Đông. Ngày 15/9/1813, Lý Thanh dẫn hơn 200 người hóa trang thành thương nhân. Cả nhóm vào thành Bắc Kinh, tính kế mưu sát vua Gia Khánh.
Nhờ sự tiếp sức của một số hoạn quan, nhóm thích khách chia thành hai đường. Nhóm một tiến vào cổng Tây Hoa, nhóm còn lại đi theo cổng Đông Hoa. Nhưng chỉ 50 tên lọt vào cổng Tây Hoa. Do bị đánh úp bất ngờ, thị vệ hoàng cung trở tay không kịp, chạy về cổng Long Tông. Khi đó, quân nổi loạn áp sát cung Càn Thanh cũng chính là nơi ở của vua Gia Khánh.
Do quân triều đình đóng hết cổng Long Tông nên phiến quân không vào trong được. Tuy nhiên, chúng phát hiện thấy bên ngoài tường các cung có những hàng cây cao nên lợi dụng leo lên, vượt rào vào trong. Lúc này, Hoàng đế Gia Khánh đang đi tránh nóng ở ngoài Bắc Kinh nên may mắn thoát khỏi đại họa.
Đúng lúc này, Mẫn Ninh, con trai thứ 2 của vua Gia Khánh, sau này là Hoàng đế Đạo Quang, dẫn đầu một đội súng tới giải cứu. Hơn 1.000 binh lính có trang bị súng, tiêu diệt các thành viên quân nổi loạn. Thủ lĩnh Lý Thanh cũng tử nạn trong trận này.
Khi trở về Bắc Kinh, Hoàng đế Gia Khánh ra lệnh đốn hạ toàn bộ số cây xanh bao quanh 3 đại điện lớn trong Tử Cấm Thành. Kể từ đó, cây xanh hoàn toàn vắng bóng tại những khu vực này, nhằm tránh để thích khách lợi dụng trèo vào với mưu đồ xấu.