9.999 căn phòng trong Tử Cấm Thành được bảo vệ thế nào để chống hỏa hoạn?

Việt Hà

(Dân trí) - Với chất liệu xây dựng chủ yếu bằng gỗ, lại có tới 9.999 căn phòng bên trong, làm thế nào Tử Cấm Thành chống chọi được những trận hỏa hoạn lớn để tồn tại suốt nhiều thế kỷ?

Tử Cấm Thành hay Cố Cung nằm ngay giữa trung tâm thành phố Bắc Kinh trước kia. Đây là nơi ở của Hoàng tộc từ triều đại giữa nhà Minh tới cuối nhà Thanh. Với diện tích 720.000m2 gồm 9.999 phòng, UNESCO đã xếp Cố Cung vào loại quần thể cổ bằng gỗ lớn nhất thế giới và công nhận là Di sản Thế giới năm 1987.

9.999 căn phòng trong Tử Cấm Thành được bảo vệ thế nào để chống hỏa hoạn? - 1
Tử Cấm Thành từng xảy ra rất nhiều trận hỏa hoạn lớn nhỏ trong lịch sử tồn tại của mình (Ảnh: CGTN).

Trong lịch sử suốt hơn 600 năm, hỏa hoạn gây ra mối nguy hiểm lớn nhất với Cố Cung vì công trình được xây dựng gần như hoàn toàn bằng gỗ. Điều này xuất phát từ việc đốt đèn nến, đuốc chiếu sáng trong cung, bắn pháo hoa vào dịp lễ hội, đốt lò sưởi ấm vào mùa đông, cho tới những trận sét đánh khi trời mưa.

Kết cấu đặc biệt của Tử Cấm Thành giúp đông ấm, hè mát

Vốn là công trình kiến trúc bằng gỗ lớn nhất thế giới được bảo tồn cho tới ngày nay, để đạt được điều này, ở một góc độ nào đó, có thể do các phương pháp chống cháy hiệu quả được "kỹ sư" thời xưa sớm dự liệu từ hàng trăm năm trước.

Lắp đặt dây dẫn sét

Theo sử sách ghi lại, Cố Cung xảy ra tổng cộng gần 100 vụ cháy lớn nhỏ. Trong cung vốn cất giữ nhiều văn vật, đồ quý giá, bởi vậy mỗi lần đại hỏa hoạn thì tổn thất không đo đếm nổi.

Tử Cấm Thành hoàn thành vào năm 1420 dưới triều đại nhà Minh (1368-1644). Chỉ 2 năm sau ngày khánh thành, điện Thái Hòa - một trong ba điện chính, bị sét đánh cháy.

Sau đó, ngọn lửa lan sang cả điện Trung Hòa và điện Bảo Hòa khiến cả khu vực rộng lớn thành bãi đất trơ trọi. Khi đó, Minh Thành Tổ Chu Đệ phải mất hơn 3 năm mới phục hồi toàn bộ các điện trở về trạng thái như trước.

9.999 căn phòng trong Tử Cấm Thành được bảo vệ thế nào để chống hỏa hoạn? - 2
Cứu hỏa ở Tử Cấm Thành vào năm 2016 (Ảnh: Chinaplus).

Mỗi vụ cháy xảy ra trong cung đều được ghi chép rất cẩn thận. Theo tài liệu cổ, 34 trong số gần 100 vụ hỏa hoạn đều do sấm sét. Nhận thấy điều này, bắt đầu từ triều đại nhà Thanh, Cố Cung được lắp đặt thiết bị chống sét. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, con người vẫn chưa có đủ kiến thức khoa học về dây dẫn sét. Không phải tất cả những thiết bị này đều hoạt động. Bởi vậy, không loại trừ khả năng Tử Cấm Thành vẫn tiếp tục bị sét đánh trúng.

Vạc khổng lồ chứa nước để chống cháy

Dù thời gian Hoàng tộc của triều nhà Thanh sống ở Cố Cung lâu hơn so với nhà Minh, nhưng số vụ hỏa hoạn xảy ra lại ít hơn. Có vẻ như tới triều đại này, việc ý thức về phòng chống cháy được rút kinh nghiệm nhiều hơn.

Trường hợp điển hình là Hoàng đế Khang Hy (1661-1722) trị vì triều Thanh trong 61 năm. Suốt triều đại của ông, Cố Cung chỉ xảy ra duy nhất một trận hỏa hoạn. Bởi, Khang Hy vốn là Hoàng đế rất thận trọng trong việc phòng cháy. Ông đưa ra nhiều quy tắc kiểm soát lửa nghiêm ngặt. Các thái giám được chỉ định để kiểm tra việc đốt lửa, thắp nến trong cung mỗi ngày.

9.999 căn phòng trong Tử Cấm Thành được bảo vệ thế nào để chống hỏa hoạn? - 3
Một trong những chiếc vạc đồng ở Cố Cung còn tồn tại tới ngày nay (Ảnh: Chinaplus).

Khắp Tử Cấm Thành có 308 vạc nước lớn. Mỗi vạc có thể chứa tới 3.000 lít nước. Hầu như mỗi cung đều có một vạc đặt gần đó. Mỗi ngày, các thái giám phải thay nước thường xuyên trong vạc, không được để mùi hôi thối.

Theo tài liệu ghi chép dưới thời Hoàng đế Càn Long, những chiếc vạc đồng mạ vàng có đường kính 1,66 m, nặng gần 1,7 tấn. Đến nay, còn 18 chiếc vạc dát vàng đặt ở điện Thái Hòa, điện Bảo Hòa và Càn Thanh Môn.

Ở triều nhà Minh, vạc chứa nước chống cháy được thiết kế tự nhiên, có khuyên tròn gắn bên ngoài. Trong khi đó, dưới triều Thanh, những chiếc vạc được làm tinh xảo, cầu kỳ hơn.

Vào mùa đông, nước ở Tử Cấm Thành thường đóng băng vì tiết trời giá lạnh. Để tránh nước trong vạc hóa đá, chúng được đặt trên đá tảng có lỗ tròn chính giữa. Các thái giám phải đốt than cháy bên dưới để đun nước.

Thành lập đội cứu hỏa đầu tiên

Từ xưa, người Trung Quốc đã biết dập tắt đám cháy ở nơi cao hoặc xa bằng "jitong". Thiết bị này có hai đầu. Khi chữa cháy, người ta đặt xô nước vào một đầu của "jitong" và đẩy đầu còn lại thì nước sẽ bắn phụt lên.  

Dưới thời Hoàng đế Khang Hy, một đội quân mang tên "jitong" có nhiệm vụ chữa cháy. Năm 1905, đội "jitong" được đổi thành đội cứu hỏa với quy mô 100 đến 200 người. Có lẽ đây cũng là đội cứu hỏa đầu tiên được ghi trong các tài liệu lịch sử của Trung Quốc.

Ngày nay, nếu hỏa hoạn xảy ra, đội cứu hỏa thời hiện đại vẫn gặp khó khăn khi di chuyển giữa các điện trong Cố Cung. Họ không thể lắp vòi chữa cháy trong công trình lịch sử này. Dù các thiết bị có tiên tiến như robot, xe cứu hỏa, những phương pháp chống cháy cổ xưa hiện vẫn được sử dụng.