Tour ngắm cá voi khổng lồ ở Bình Định gây tranh cãi, chuyên gia nói gì?

Doãn Công

(Dân trí) - Những ngày qua, cá voi liên tiếp xuất hiện ở biển Đề Gi, Bình Định thu hút sự quan tâm của nhiều người. Một số trang mạng xã hội "ăn theo" quảng bá tour du lịch đang gây nhiều ý kiến trái chiều.

Cá voi kiếm ăn ở biển Đề Gi là hiếm gặp

Nhiều ngày qua, trên một số trang Facebook liên tục đăng tải và cập nhật các hình ảnh về cá voi và giới thiệu các tour du lịch tự phát tại vùng biển Đề Gi, tỉnh Bình Định.

Nhiều người không khỏi lo lắng rằng hoạt động du lịch sẽ ảnh hưởng đến cá voi, dẫn tới loài cá này có thể không xuất hiện vào năm tới.

Trong khi đó, với nhiều người, việc được tận mắt xem cá voi ngoài đời cứ như một giấc mơ nên không dễ để vuột mất cơ hội. Còn giới chuyên "săn" ảnh độc, lạ thì càng không thể bỏ lỡ cơ hội nghìn năm có một với cảnh tượng thú vị và đẹp mắt này.

Tour ngắm cá voi khổng lồ ở Bình Định gây tranh cãi, chuyên gia nói gì? - 1

Cá voi xuất hiện ở vùng biển Đề Gi - Bình Định khiến nhiều người quan tâm (Ảnh: Nguyễn Dũng).

Trên trang mạng xã hội Facebook dẫn lại lời của Travel Blogger, nhiếp ảnh gia nổi tiếng Ngô Trần Hải An (Quỷ Cốc Tử) đã có hành trình 4 ngày lênh đênh trên biển để chờ đợi khoảnh khắc cá voi xuất hiện.

"Khoảnh khắc diện kiến cá Ông (tên người dân địa phương thời gọi cá voi) trên biển Đề Gi, mọi giác quan của tôi như tê liệt, chỉ còn ngón tay vẫn mải miết bấm máy. Ba tiếng lênh đênh theo cá Ông săn mồi là khoảnh khắc tuyệt đẹp, tôi sẽ không thể nào quên", blogger Hải An chia sẻ.

Ngày 23/8, trao đổi với PV Dân trí về vấn đề trên, Tiến sĩ Võ Văn Quang - Trưởng phòng Động vật có xương sống biển thuộc Viện Hải dương học Nha Trang - cho hay hiện có nhiều thông tin trái chiều trên mạng xã hội nên ông chưa đưa ra nhận định cụ thể.

Tuy nhiên, ông Quang cho rằng nếu hoạt động du lịch tự phát, không có quy củ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh sống, kiếm ăn của cá voi.

"Hiện tượng cá voi vào gần bờ kiếm ăn ở vùng biển Đề Gi - Bình Định là duy nhất ở Việt Nam. Vì trước giờ, chúng ta chỉ ghi nhận các trường hợp cá voi mắc cạn chết dạt vào bờ hoặc chúng bơi qua vùng biển trên hành trình di cư.

Việc tổ chức du lịch thì quy mô, cách thức tổ chức như thế nào, cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá cụ thể", Tiến sĩ Võ Văn Quang chia sẻ quan điểm.

Tour ngắm cá voi khổng lồ ở Bình Định gây tranh cãi, chuyên gia nói gì? - 2

Nhiều người đam mê săn ảnh độc, lạ đã tìm về biển Đề Gi, thuê tàu thuyền để chụp ảnh cá voi (Ảnh: Nguyễn Dũng).

Trước hiện tượng thú vị này, nhiều người đã đặt câu hỏi tại sao vùng biển Bình Định có cá voi xuất hiện và tại sao chúng lại ở lâu đến vậy?

Theo Tiến sĩ Quang, nguyên nhân có thể do môi trường biển ở đây có các yếu tố thuận lợi phù hợp với tập tính của cá voi như dòng hải lưu, nhiệt độ ấm, môi trường biển sạch, sinh vật phù du phong phú, tạo nguồn thức ăn phù hợp với cá voi.

Hướng dẫn cách tiếp cận an toàn với cá voi

Sau hàng loạt thông tin cá voi xuất hiện nhiều ngày ở vùng biển Bình Định, từ  ngày 12 đến 14/8, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và loài nguy cấp (CBES)  phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định tiến hành khảo sát thực tế tại khu vực biển Đề Gi để kiểm tra thông tin; đồng thời, có biện pháp quản lý, bảo vệ loài động vật hoang dã quý hiếm này.

Tour ngắm cá voi khổng lồ ở Bình Định gây tranh cãi, chuyên gia nói gì? - 3

Quy định và hướng dẫn tiếp cận cá voi an toàn của Chính phủ Úc (Ảnh: CBES).

Qua khảo sát, các chuyên gia CBSE xác nhận cá voi xuất hiện ở biển Đề Gi thời gian qua là loài cá voi Bryde (tên khoa học là Balaenoptera edeni). Loài này tương đối phổ biến ở khu vực Đông Nam Á.

Cá voi Bryde loài động vật hoang dã quý hiếm, Công ước CITES cấm buôn bán vận chuyển quốc tế. Loài cá này đối diện nguy cơ lớn sẽ bị tuyệt chủng ngoài thiên nhiên trong một tương lai tương đối gần, theo danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.

Theo đó, các chuyên gia kiến nghị tiếp tục nghiên cứu tập tính cặp mẹ con cá voi Bryde tại khu vực biển Bình Định. Mở rộng vùng khảo sát ra ngoài phạm vi Đề Gi. Có thể khảo sát vùng biển ven bờ (từ bờ biển ra đến Đường bờ theo quy định tại Điều 42, Nghị định 26/2019/NĐ-CP).

Truyền thông nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tại vùng biển Đề Gi, nhằm hạn chế rác thải nhựa trôi nổi.

Truyền thông mạnh các hướng dẫn cách tiếp cận cá voi an toàn cho người dân địa phương, đặc biệt là các tàu cá và tàu chở khách du lịch. Có thể xem xét và tạm sử dụng hướng dẫn an toàn khi xem cá voi của Chính phủ Úc cho đến khi các nghiên cứu tập tính cá voi ở Việt Nam có kết quả.

Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, cho biết hiện đơn vị chưa ghi nhận có tour du lịch đưa khách đi du lịch xem cá voi tại vùng biển Đề Gi.

Vừa qua, Chi cục vừa phối hợp với Trung tâm CBES khảo sát và hướng dẫn các đơn vị nếu hoạt động du lịch phải thực hiện theo khuyến cáo của đơn vị này.

Theo đó, quy định và hướng tiếp cận cá voi an toàn cụ thể: Vùng tiếp cận không quá 3 tàu cá cùng một lúc, khoảng cách từ 100-300m, hạn chế tốc độ, tốt nhất tắt động cơ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm