Thót tim cảnh du khách chen chân chật cứng giữa vách đá thẳng đứng

Tô Sa

(Dân trí) - Hình ảnh du khách "tắc đường" trên vách núi, mắc kẹt giữa vách đá chênh vênh suốt một giờ, đã lan truyền khắp các diễn đàn mạng xã hội Trung Quốc.

Theo CNN, dịp nghỉ lễ 1/5, các nhóm du khách leo núi Yandang (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) đã bị mắc kẹt giữa vách đá, cố bám vào sợi dây dọc theo tuyến đường leo cố định trong hơn một giờ.

Hàng dài nối tiếp nhau, bám trên những hành lang bằng kim loại (còn được gọi là via ferrata) được cố định vào núi, trong khi chờ những vị khách trước đó di chuyển.

Hình ảnh du khách "tắc đường" trên vách núi đã lan truyền khắp các diễn đàn mạng xã hội Trung Quốc. 

"Điều này thật đáng sợ! Người sợ độ cao như tôi sẽ không chịu nổi mất", một người dùng mạng bình luận. 

"Tôi thậm chí sẽ không đi ngay cả khi được trả tiền để làm việc này", một người khác nói.

Thót tim cảnh du khách chen chân chật cứng giữa vách đá thẳng đứng - 1

Du khách mắc kẹt trên đường leo núi Yandang trong kỳ nghỉ lễ kéo dài ở Trung Quốc (Ảnh: Xiaohongshu).

Trong khi đó, nhiều người thắc mắc điều gì sẽ xảy ra nếu một trong những người leo núi bị ngã và cần được giải cứu. Tuy nhiên, tất cả du khách đều đội mũ bảo hiểm, dây đai và thiết bị an toàn. 

Công ty Phát triển Thể thao Ôn Châu Định Thành, đơn vị quản lý tuyến leo núi, cho biết họ đã đánh giá thấp số lượng du khách trong dịp nghỉ lễ 1/5.

"Do đánh giá sai lầm của chúng tôi về số lượng khách, việc thiếu các biện pháp kiểm soát giao thông hiệu quả như hệ thống đặt vé và những thiếu sót trong quản lý tại chỗ, khách hàng đã bị mắc kẹt trên tuyến đường leo núi", công ty thông báo. 

Đơn vị này đã tạm dừng bán vé để xử lý tình huống và sẽ triển khai hệ thống kiểm soát lượng du khách trong tương lai.

Núi Yandang cách Thượng Hải khoảng 410km về phía Nam, cao 1.150m. Dịp nghỉ lễ Lao Động dài ngày ở Trung Quốc đã khiến nhiều điểm du lịch chật kín khách du lịch, trong đó có ngọn núi này. 

Là một địa điểm nổi tiếng dành cho khách du lịch, núi Yandang đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2001.