Thành phố nổi đầu tiên trên thế giới sức chứa 12.000 người trông thế nào?
(Dân trí) - Những hình ảnh thiết kế mới nhất về cảnh quan bên trong thành phố nổi đầu tiên trên thế giới với sức chứa khoảng 12.000 người vừa được tiết lộ.
Dù dự án về thành phố nổi được công bố năm 2021, nhưng gần đây, Oceanix, một công ty công nghệ có trụ sở ở New York, Mỹ, mới công bố những hình ảnh đầu tiên về thiết kế và cảnh quan bên trong.
Theo nguồn tin ban đầu, thành phố được xây dựng trên diện tích gần 6,3 ha với sức chứa khoảng 12.000 người. Trong tương lai có khả năng mở rộng lên hơn 100.000 người và đón du khách tới thăm. Thành phố nổi Oceanix được xây dựng ở Busan, Hàn Quốc, với tổng chi phí dự kiến khoảng 200 triệu USD, hoàn thành năm 2025.
Dự án này được coi là một trong những cách giảm thiểu tác động của mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu. "Mực nước biển dâng gây ra mối đe dọa hiện hữu với một số đảo nhỏ và những vùng bờ biển trũng". Đây là một phần trong nội dung báo cáo từ Liên Hợp Quốc đưa ra hồi cuối tháng 2 vừa qua.
"Việc tạo ra thành phố nổi ở Busan là cách chứng minh cơ sở hạ tầng nổi có thể tạo ra đất đai cho những nơi ven biển đang tìm kiếm giải pháp bền vững để mở rộng ra đại dương, thích nghi với mực nước biển đang dâng cao", ông Philipp Hofmann, Giám đốc điều hành Oceanix, cho biết.
Cũng theo ông Philipp, dự án nhằm hướng tới giúp đỡ những người dân sống ở vùng ven biển đang bị xóa sổ bởi nước biển dâng cao. Theo Oceanix, lũ lụt khiến hàng triệu người dân phải rời bỏ nhà cửa.
Hình ảnh thiết kế mới tiết lộ cho thấy, thành phố nổi Oceanix nằm trên hồ nước xanh, có nhiều sàn nối với nhau bằng những cây cầu. Mỗi "hòn đảo" trong thành phố sẽ thiết kế hình lục giác, có lớp phủ bằng đá vôi, cứng gấp 2-3 lần bê tông nhưng nổi được. Thành phố được phân thành nhiều khu, có nơi sinh sống, khu nghiên cứu, nhà nghỉ. Các tòa nhà được xây dựng thấp, từ 7 tầng trở xuống, qua đó giúp chịu được sức gió và tạo trọng tâm thấp.
Hệ thống năng lượng của thành phố sử dụng từ năng lượng mặt trời. Nguồn nước sử dụng trong thành phố được xử lý và tái chế. Do mùa hè ở Busan thường oi bức nên mái nhà sẽ tối ưu hóa khu vực có bóng râm, hạ thấp chi phí làm mát. Những đặc điểm khác đáng chú ý như hệ thống xử lý rác thải, năng lượng không khí thải, giao thông tiên tiến, tái tạo môi trường sống ven biển...
Hiện tại, phía công ty chưa tiết lộ cư dân tới đây sinh sống có phải trả chi phí hay không, nếu có, phí thuê sẽ như thế nào.