Tránh nóng như "địa ngục trần gian", người dân xuống lòng đất sống cho mát

Huy Hoàng

(Dân trí) - Phần lớn cư dân ở thị trấn này chọn cuộc sống dưới lòng đất để tránh cái nóng khắc nghiệt ở vùng hoang mạc.

Ở khu vực hẻo lánh của Australia là một thị trấn có những ống khói, trục thông gió nhô lên từ cát và các tấm biển lớn màu đỏ cảnh báo người đi đường có thể không may rơi xuống hố sụt.

Đó chính là Coober Pedy, thị trấn nhỏ ở bang nam Australia, cách thành phố Adelaide chừng 846km về phía bắc. Trên bề mặt của thị trấn ước tính có hàng triệu hố sụt.

Tránh nóng như "địa ngục trần gian", người dân xuống lòng đất sống cho mát

Nơi đây còn được mệnh danh là "thủ phủ ngọc mắt mèo" của thế giới. Trái ngược với khung cảnh hoang sơ khô hạn trên bề mặt, trong lòng đất là khung cảnh khác hoàn toàn. Hơn một nửa cư dân ở đây chọn cuộc sống dưới lòng đất.

Tránh nóng như địa ngục trần gian, người dân xuống lòng đất sống cho mát - 1
Quang cảnh bên trên thị trấn là vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, cây cối rất thưa thớt (Ảnh: Fritz16).

Vào khoảng 150 triệu năm trước, đại dương bao phủ xung quanh Coober Pedy. Khi nước biển rút đi, biến đổi khí hậu làm mực nước ngầm hạ xuống. Silica lắng động trong hang và khe nứt dưới lòng đất, qua hàng triệu năm đã hình thành nên loại đá mắt mèo.

Tránh nóng như địa ngục trần gian, người dân xuống lòng đất sống cho mát - 2
Ngọc mắt mèo ẩn dưới lớp đá dưới lòng đất (Ảnh: Smithsonianmag).

Trước thời điểm những năm 1915, nơi này là vùng đất xa xôi ít được biết tới, chỉ có những nhà khai thác mới để ý đến. Một trong số đó là thành viên của New Colorado Prospecting Syndicate. Người này thất bại trong việc tìm mỏ vàng ở phía nam thị trấn, nhưng may mắn phát hiện tại đây có nhiều ngọc mắt mèo (opal).

Tránh nóng như địa ngục trần gian, người dân xuống lòng đất sống cho mát - 3
Lối hầm vào bên trong thị trấn (Ảnh: AIT).

Ban đầu, thị trấn có tên "Ruộng đá mắt mèo của dãy Stuart" theo tên của John McDouall Stuart, nhà thám hiểm châu Âu đầu tiên tới đây năm 1858. Tới năm 1920, nơi này phải đổi tên để lập bưu cục vì tên cũ gần giống với Dãy Stewart ở bang Washington, Mỹ. Thợ khai thác đá đã chọn tên mới Coober Pedy theo tiếng thổ dân có ý nghĩa "Người da trắng trong hố".

Nhờ tuyến đường sắt xuyên lục địa hoàn thành năm 1917, Coober Pedy nhanh chóng trở thành tâm điểm của giới khai thác mỏ. Điều kiện thời tiết vùng hoang mạc rất khắc nghiệt. Vào mùa hè, nhiệt độ có thể lên tới 50 độ C trong bóng râm, trong khi mùa đông lại lạnh sâu. Do vậy, việc khai thác gặp rất nhiều khó khăn.

Tránh nóng như địa ngục trần gian, người dân xuống lòng đất sống cho mát - 4
Nhà thờ Chính thống giáo Serbia xây dựng năm 1993 (Ảnh: Smithsonianmag).

Để tránh cái nóng quá bức bối, những cư dân thời kỳ đầu ở đây đã đưa ra quyết định táo bạo - chuyển hẳn xuống lòng đất sinh sống. Hơn 100 năm qua đi, qua nhiều thế hệ, đến nay, thị trấn dưới lòng đất này đã trở thành nơi nhộn nhịp với cuộc sống khá đầy đủ tiện nghi hiện đại.

Tránh nóng như địa ngục trần gian, người dân xuống lòng đất sống cho mát - 5
Thị trấn cũng có một hiệu sách nhỏ (Ảnh: AIT).

Vật liệu chính trong các ngôi nhà ở thị trấn bằng đá sa thạch, mang lại sự kiên cố, ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Dù nhiệt độ trên mặt đất có nóng chảy tới mức nào, thì những căn nhà dưới lòng đất luôn duy trì ở ngưỡng từ 22 đến 24 độ C dù không dùng điều hòa không khí.

Những ngôi nhà có lối đi vào liền kề với phố bên ngoài. Một số căn có diện tích rộng tới 450m2. Người dân lắp đặt đầy đủ điện, nước, internet để sinh hoạt. Việc cung cấp nước cho thị trấn đến từ một nguồn dẫn ngầm dài khoảng 24km về phía bắc từ lưu vực Great Artesian.

Tuy nhiên, đường ống này thường xuyên bị rò rỉ, nên người dân có thói quen sử dụng nước tiết kiệm. Cuộc sống trong lòng đất được đánh giá yên tĩnh, mọi thứ đều thuận tiện, trừ thứ duy nhất "thiếu thốn" đó là ánh sáng mặt trời.

Tránh nóng như địa ngục trần gian, người dân xuống lòng đất sống cho mát - 6
Những người định cư đầu tiên trốn nóng làm nhà dưới lòng đất từ cách đây cả trăm năm (Ảnh: News).

Ngoài các hộ gia đình, thị trấn trong lòng đất còn có bảo tàng, nhà thờ, quần bar, khu vui chơi, hiệu sách, phòng trưng bày nghệ thuật và cả khách sạn phục vụ du khách muốn trải nghiệm cuộc sống đặc biệt. Thị trấn nhỏ còn có nhà thờ Chính thống giáo Serbia, xây dựng vào năm 1993. Công trình do người Serbia tạo nên khi họ tới đây định cư làm thợ khai thác mỏ. Trong khi đó, gara ô tô và siêu thị được xây trên mặt đất.

Tránh nóng như địa ngục trần gian, người dân xuống lòng đất sống cho mát - 7
Một khách sạn tiện nghi dưới lòng đất (Ảnh: AIT).

Hiện Coober Pedy vẫn là "thủ phủ của ngọc mắt mèo", nơi cung cấp hơn 70% sản lượng loại đá này trên khắp thế giới, nên việc khai thác vẫn là công việc chính của người dân nơi đây. Điểm khác biệt duy nhất đó là, thay vì dùng những dụng cụ đào thô sơ trước kia, nay các thợ mỏ dùng nhiều thiết bị hỗ trợ hiện đại. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm