Thăm đình thờ “người trao chìa khóa” thành Đại La cho Lý Công Uẩn

(Dân trí) - Lưu Cơ không chỉ được biết tới là một trong những vị khai quốc công thần nhà Đinh mà còn có công lớn, "giao chìa khóa" thành Đại La cho vua Lý Công Uẩn. Hiện ngôi đình thờ ông ở làng Đại Từ, xã Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên.

Đình Đại Từ - Nơi in dấu sử xưa

Chỉ cách Hà Nội hơn 30km, Đại Từ là một vùng quê yên ả, thanh bình. 10 thế kỷ trôi qua, mọi thứ đã đổi khác nhưng vẫn còn đó ngôi đình người dân lập nên để thờ Thái sư Lưu Cơ. Ngôi đền nhỏ được người dân hương khói chu đáo hàng trăm năm nay là một di tích trong quần thể di tích thuộc xã Đại Đồng. Mảnh đất này là nơi còn lưu giữ được nguyên vẹn cấu trúc của làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Và đặc biệt, đó là nơi ghi lại dấu tích của Thái sư Lưu Cơ, người đã có công lao rất lớn đối với Hoàng thành Thăng Long.

Theo Đại Việt sử lược, cuốn sử đời Trần duy nhất ghi rằng, Lưu Cơ (sinh ngày mồng 3 tháng Giêng năm 940) đứng tên đầu danh sách các quan trong Triều đình Đại Việt dưới thời Đinh Bộ Lĩnh. Công trạng lớn nhất của ông với nhà Đinh là đã dẹp loạn sứ quân Lý Khuê (hay Lý Lãng Công) ở đất Siêu Loại cũ (nay thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Làng Đại Từ (Văn Lâm, Hưng Yên) là nơi Lưu Cơ đã đóng quân để xuất binh đi bình định sứ quân Lý Khuê. Dân làng, trai đinh Đại Từ đã ủng hộ và tham gia nghĩa quân.

Đình làng Đại Từ, nơi hiện đang thờ Thái sư Lưu Cơ.
Đình làng Đại Từ, nơi hiện đang thờ Thái sư Lưu Cơ.

Ông được giao trọng trách giữ cương vị Thái sư Đô hộ phủ. Và tòa thành Đại La quan trọng với vai trò cai quản kho người, vựa lúa của Giao Châu đã được vua Đinh giao cho ông trông coi.

Đương nhiên Lưu Cơ không thể sử dụng tòa thành thuộc địa hướng Bắc đó để thờ Hoàng đế Đại Việt đóng đô ở Hoa Lư. T.S Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á cho biết, Trung tâm đã tiến hành thực hiện đề tài nghiên cứu chuyên đề về Tuy Lộc Đại vương Lưu Cơ. Thông tin từ cuộc nghiên cứu kết luận: Lưu Cơ là người đã trông coi và sửa sang tòa thành Đô hộ phủ (Tức Đại La) trở thành một tòa thành Đại Việt cho đến tận khi Lý Công Uẩn dời đô (1010).

Lưu Cơ là người đầu tiên biến tòa thành Đại La thuộc địa hướng Bắc trở thành một tòa thành hướng Nam độc lập tự chủ, chầu về Hoa Lư. Đó chính là điều lý giải hợp lý nhất cho sự có mặt phong phú di tích kiến trúc, gạch ngói, vật liệu niên đại Hoa Lư tại các cuộc khai quật Hoàng thành Thăng Long gần đây.

Tháng 2 năm Canh Tuất (1010), sau khi lo tang lễ vua Lê, làm lễ lên ngôi và chấn chỉnh triều chính, Lý Công Uẩn về thăm quê ở Cổ Lễ (Bắc Ninh) và được chứng kiến tòa thành Đại La. Nhưng khác với thời Ngô Vương Quyền và Đinh Tiên Hoàng, tòa thành bây giờ đã thành tòa thành Đại Việt hướng về phía Nam, đủ điều kiện để ông thực hiện dời đô. Đó là lí do vì sao nói chính Lưu Cơ là người trao chìa khóa thành Đại La cho vua Lý Công Uẩn.

Kỉ niệm 1.000 năm ngày mất Thái sư Lưu Cơ

Thời điểm giao thành Đại La lại cho nhà Lý, Lưu Cơ đã gần 70 tuổi, sau khi hoàn thành sứ mệnh trao tòa thành đã sẵn sàng sử dụng được ngay cho vua Lý Công Uẩn, ông cáo quan về hưu, ba năm sau thì ông mất vào ngày 24 tháng Chạp. Sau khi mất, ông được thờ tại đình Đại Từ là Tuy Lộc Đại Vương, Thành hoàng làng Đại Từ. Đến nay, đình đã được UBND tỉnh Hưng Yên cấp bằng xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

Một trang bản thần tích chép lại vào năm 1887 
Một trang bản thần tích chép lại vào năm 1887 
nói về thân thế sự nghiệp của danh thần Lưu Cơ. 

Hiện nay, vẫn còn bản Thần tích hiếm hoi về ông. Bản Thần tích do Nguyễn Bính biên soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) đưa vào Bách thần phả lục, được lưu truyền và sao lại năm 1736 (Vĩnh Hựu nhị niên), đến thể kỷ XIX thì bị thất lạc. Tuy nhiên năm 1887 (Đồng Khánh nhị niên), một người dân địa phương làm quan đã phát hiện bản Thần tích trong cuốn Bách thần phả lục. Được tin đó thân hào, bô lão trong làng họp lại rồi cử người đến sao chép lại. Năm 2006, bô lão trong làng đã đưa nguyên bản Ngọc Phả Lục chép lại đến Viện Hán Nôm nhờ phiên dịch và hiệu đính.

Theo tài liệu phiên dịch, Lưu Cơ là con cầu tự của ông Lưu Kỳ và bà Lê Thị Phương (quê làng Tri Hối, Gia Viễn, Ninh Bình). Vì là con cầu tự, ông đã ăn chay gần như suốt đời và căn dặn dân làng Từ cúng chay cho ông thôi, điều này đã được ghi lại trong Thần tích.

Đại lễ Húy nhật tưởng niệm 1.000 năm Tuy Lộc Đại vương Thái sư Lưu Cơ tạ thế, sẽ được tổ chức vào ngày 24/01 tới đây tại Đình thờ Lưu Cơ.

Phương Nhung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm