Tê giác đực gây áp lực, bám theo sát nút đòi quyền giao phối với con cái

Huy Hoàng

(Dân trí) - Thấy bị tê giác đực bám đuổi đòi giao phối, con cái thấy khó chịu nên quyết giao chiến, dẫn tới cuộc đọ sức căng thẳng giữa hai con vật.

Sự cố xảy ra trong khu bảo tồn tư nhân Kapama hồi giữa tháng 3 vừa qua ở Nam Phi trước sự chứng kiến của rất đông đoàn khách tham quan.

Theo lời kể của Nathan Newman, một hướng dẫn viên du lịch có mặt tại hiện trường, anh trông thấy một con tê giác trắng đi cùng một con non chừng 3 tuổi của nó. Không lâu sau đó, một con tê giác đực nặng chừng 2.300kg xuất hiện.  

Tê giác đực gây áp lực, bám theo sát nút đòi quyền giao phối với con cái

Con đực này tìm mọi cách xua đuổi con non để đòi giao phối với mẹ của nó. Người xem có thể thấy nó liên tục thét lên những tiếng chói tai, bám theo con cái sát nút quanh đồng cỏ để gây áp lực. Cuối cùng, tê giác mẹ thấy khó chịu nên quyết giao chiến, dẫn tới cuộc đọ sức căng thẳng giữa hai bên.

Tê giác đực gây áp lực, bám theo sát nút đòi quyền giao phối với con cái - 1
Tê giác đực gây áp lực để đòi quyền giao phối với con cái (Ảnh cắt từ clip).

"Suốt 6 năm làm hướng dẫn viên, tôi chưa từng chứng kiến cuộc đối đầu nào lại kịch tính như vậy. Tôi không ngờ tê giác đực lại bám dai và hung dữ đến thế. Sau cuộc đọ sức, tê giác cái dẫn con non bỏ đi, nhưng vẫn bị con đực bám theo rất lâu. Nhưng rất may, hai con vật đều không bị thương", anh Newman cho biết.

Tê giác đực gây áp lực, bám theo sát nút đòi quyền giao phối với con cái - 2
Cuộc đối đầu diễn ra căng thẳng nhưng may mắn cả hai không bị thương (Ảnh cắt từ clip).

Tê giác con thường cai sữa khi đạt độ tuổi 2,5 năm. Nhưng nó vẫn sống cùng mẹ tới khoảng năm 3 tuổi cho tới khi tê giác cái đẻ tiếp. Loài tê giác trắng có thể nặng từ 1.400kg đến 3.590kg. Đây là loài duy nhất trong số năm loài tê giác không bị nằm trong danh sách "Động vật nguy cấp". Tuy nhiên, chúng hiện chỉ còn khoảng 18.000 cá thể sống sót, thuộc nhóm sắp bị đe dọa.

Tê giác đực gây áp lực, bám theo sát nút đòi quyền giao phối với con cái - 3
Cận cảnh một cá thể tê giác trắng trên đồng cỏ châu Phi (Ảnh: WWF).

Tê giác vốn là loại có thị lực kém, thay vào đó, chúng có khứu giác và thính giác rất nhạy bén. Nhiều khu bảo tồn ở châu Phi, tê giác bị cưa sừng để ngăn thợ săn trộm.

Khu bảo tồn tư nhân Kapama là một phần của vườn quốc gia Kruger. Đây là nơi chuyên tổ chức các chuyến xe đưa khách tham quan, chiêm ngưỡng cuộc sống của động vật hoang dã ngoài môi trường tự nhiên. Những chuyến xe có sự hỗ trợ của hướng dẫn viên du lịch giàu kinh nghiệm.