Sự thật phía sau bức tượng trâu có gương mặt biểu cảm "hốt hoảng, ngô nghê"

Huy Hoàng

(Dân trí) - Dù được đặt tại công viên đã lâu, nhưng tận khi "gây sốt" trên mạng xã hội nhờ biểu cảm "hốt hoảng", bức tượng trâu ở Malaysia mới được chú ý và trở thành biểu tượng du lịch địa phương.

Một bức tượng mô phỏng con trâu nước đặt tại công viên công cộng Taman Komuniti Serian ở Sarawak, phía đông Malaysia, trở thành điểm hút khách du lịch theo cách chẳng ai ngờ được nhờ biểu cảm sinh động.

Bức tượng trâu đặt tại Serian, một thị trấn cách thủ phủ Kuching của bang Sarawak khoảng 60km về phía nam. Từ trước đến nay, Serian vốn không phải là địa danh có tiếng tăm trên bản đồ du lịch của Malaysia. Địa phương này chủ yếu được biết tới nhờ trồng sầu riêng.

Sự thật phía sau bức tượng trâu có gương mặt biểu cảm hốt hoảng, ngô nghê - 1
Gương mặt biểu cảm sinh động của bức tượng trâu nước (Ảnh: Post Online).

Theo người dân địa phương, tượng trâu đặt tại công viên đã lâu nhưng ít người biết tới. Bản thân những người sống xung quanh cũng không chú ý nhiều đến nó. Phải tới đầu tháng 3 vừa qua, nhờ bức hình gây sốt trên mạng xã hội, gương mặt thể hiện sự "sửng sốt, ngô nghê" của nó khiến nhiều người bật cười. Phần lớn không ai hiểu tại sao con vật lại được tạo hình như vậy.

"Đây là gương mặt bạn đang đi chơi với bạn bè thì đột nhiên bị mẹ gọi về", một tài khoản có tên Andria Wahyudi hài hước nói.

Sau khi bức tượng thu hút sự chú ý, một công ty sản xuất ô tô ở địa phương đã tận dụng nó làm bối cảnh cho chiến dịch quảng bá sản phẩm của mình. Video ghi cảnh nhóm kỹ sư, công nhân mặc đồng phục, nhảy múa minh họa bên cạnh bức tượng trâu, thu hút người xem.

Và ngay chính giới chức địa phương ở thị trấn Serian cũng thấy khó hiểu khi khách du lịch bỗng trở nên quan tâm tới bức tượng này đến vậy.

Sự thật phía sau bức tượng trâu có gương mặt biểu cảm hốt hoảng, ngô nghê - 2
Bức tượng đặt ở trung tâm thị trấn từ lâu, nhưng mới được chú ý gần đây (Ảnh: News).

"Bức tượng có ở đây từ lâu rồi. Nó mới được sơn lại cách đây không lâu. Tôi ngạc nhiên không hiểu sao nó lại trở thành chủ đề bàn tán trên mạng xã hội như thế", ông John Ilus, một vị dân biểu của bang Sarawak, cho biết.

Trong khi đó, ông Lai Chau Liong, chủ tịch phòng thương mại của thị trấn Serian, cũng tỏ ra ngạc nhiên khi thấy bức tượng trở thành tâm điểm của sự chú ý.

"Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ lấy bức tượng trâu để quảng bá hình ảnh du lịch địa phương. Nhưng giờ đây, nó đang trở thành biểu tượng mới của thị trấn. Chính quyền Serian rất hoan nghênh điều này vì có thể đây là dấu mốc hoặc điểm đến mới thu hút du khách tới thăm", ông Lai nói.

Cũng theo vị quan chức này, trâu nước trong văn hóa địa phương vốn là biểu tượng của sự cần cù, chịu khó. Từ nhiều năm về trước, thị trấn Serian đã chọn con vật này để đúc thành tượng, với ý nghĩa nhằm tôn vinh những đức tính tốt đẹp của người dân địa phương. "Cha đẻ" của tác phẩm là một nghệ sĩ vô danh. Có thể biểu cảm sinh động trên gương mặt con vật xuất phát từ "nguồn cảm hứng riêng" của tác giả.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm