Sự thật "lạnh gáy" phơi bày quá khứ đen tối của hòn đảo đầy "xương người"

Huy Hoàng

(Dân trí) - Từng là một trung tâm cách ly và là mồ chôn tập thể của những nạn nhân bị bệnh dịch hạch khiến hòn đảo còn bị gọi với cái tên rợn người: "Đảo của những hồn ma".

Poveglia là một hòn đảo nhỏ nằm ở giữa Venice và Lido thuộc phía bắc Italia. Dù có vẻ đẹp quyến rũ nhưng nơi đây từ lâu trở thành hòn đảo hoang vu, không bóng người qua lại và cũng ít ai dám bén mảng tới.

Đối lập với vẻ ngoài bình thường, nơi đây cất giấu lịch sử đen tối và được cho là một trong những nơi ám ảnh nhất châu Âu. Điều gì khiến hòn đảo xinh đẹp Poveglia trở thành nơi ám ảnh nhất thế giới như vậy?

Sự thật "lạnh gáy" phơi bày quá khứ đen tối của hòn đảo đầy "xương người"

Đầm phá Venice đẹp như tranh vẽ có 166 hòn đảo, bao gồm cả đảo nhỏ nằm ngay phía nam Piazza San Marco. Đó chính là đảo Poveglia, vùng đất nhỏ bé lần đầu được nhắc tên vào thế kỷ thứ 5 khi người La Mã chạy trốn tới đây để tránh khỏi cuộc xâm lược của người Goth và người Hun.

Sự thật lạnh gáy phơi bày quá khứ đen tối của hòn đảo đầy xương người - 1
Ảnh tư liệu cũ của đảo Poveglia (Ảnh: AIT).

Khi Venice phát triển mạnh, Poveglia trở thành điểm phòng thủ quan trọng. Vào thế kỷ 14, người Venice xây dựng một pháo đài trên đảo để có thể tiêu diệt mọi tàu địch cố gắng tiếp cận.

Theo tài liệu cổ ghi lại, năm 1348, bệnh dịch hạch "Cái chết đen" đã tàn phá một nửa dân số ở Venice. Thời điểm này, Venice là trung tâm thương mại quốc tế, tiếp đón tàu hàng từ khắp nơi trên thế giới đổ về khiến dịch bệnh càng dễ dàng lây lan nhanh chóng. Khi đó, đảo Poveglia được chọn làm giải pháp tình thế - trở thành điểm cách ly tập trung với những nạn nhân mắc bệnh.

Ngoài việc cách ly người bệnh, nơi này đã trở thành hố chôn tập thể khổng lồ của những người chết. Các sà lan từ Venice chở thi thể tới đảo và đưa người còn sống rời đi. Trong khi đó trên đảo, các nạn nhân phải trải qua 40 ngày để chờ xem sẽ chết hay hồi phục. Hầu như những người này không qua khỏi và được hỏa táng.

Sự thật lạnh gáy phơi bày quá khứ đen tối của hòn đảo đầy xương người - 2
Một hố chôn tập thể trên đảo (Ảnh: Huffpost).

Năm 1485, một đợt dịch bệnh lại bùng phát mạnh. Nhà nhân chủng học Luisa Gambaro cho biết: "Khi dịch hạch tấn công, những người mắc hay có bất cứ triệu chứng nghi ngờ đều phải ở lại đảo chờ tới khi hồi phục hoặc chết". Tại Lazzaretto Vecchio, khu vực nằm ở phía đông bắc đảo Poveglia, số lượng xác chết nhanh chóng áp đảo khả năng chôn cất của những hố chôn.

"Khoảng 500 người chết mỗi ngày tại Lazzaretto Vecchio. Những người vận chuyển thi thể không còn thời gian để lo việc chôn cất", nhà khảo cổ học Vincenzo Gobbo nói.

Thời kỳ này được nhà biên niên sử thế kỷ 16 Rocco Benedetti mô tả "như địa ngục" khi "người bệnh phải nằm ba hoặc bốn người trên một người".

"Khi các nạn nhân chết vì dịch hạch, xác họ bị đưa tới những ngôi mộ tập thể. Người thu gom thi thể phải làm việc cả ngày không ngừng nghỉ. Các hố chôn cứ thế chất đầy", Benedetti ghi chép.

Sự thật lạnh gáy phơi bày quá khứ đen tối của hòn đảo đầy xương người - 3
Khu vực kiểm soát dịch bệnh trên đảo vào cuối thế kỷ 19 (Ảnh: AIT).

Thời điểm "Cái chết đen" hoành hành ở châu Âu suốt nhiều thế kỷ, Venice đã xây dựng các trạm kiểm dịch dịch bệnh trên các đảo. Và đảo Poveglia trở thành trạm kiểm soát dịch bệnh quan trọng nhất trong thế kỷ 18. Khi đó, bất cứ con tàu nào muốn tới Venice đều phải dừng lại ở Poveglia để kiểm tra. Nếu bất cứ thủy thủ có dấu hiệu mắc bệnh đều phải cách ly trên đảo.

Cho tới năm 1814, hòn đảo vẫn là địa điểm kiểm dịch quan trọng và người dân Venice bắt đầu gọi đó là "đảo của những hồn ma". Lịch sử đen tối của Poveglia vẫn chưa dừng lại. Vào năm 1922, các tòa nhà trên đảo được chuyển đổi thành bệnh viện dành cho người mắc bệnh tâm thần.

Đây là giai đoạn liên quan tới những tin đồn về một vị bác sĩ chuyên thực hiện những ca thí nghiệm vô nhân đạo. Sau cùng, người này được cho là đã tử vong sau khi rơi từ một tháp chuông xuống dưới.

Sự thật lạnh gáy phơi bày quá khứ đen tối của hòn đảo đầy xương người - 4
Những vật dụng còn sót lại của bệnh viện tâm thần (Ảnh: Times).

Bệnh viện tâm thần đóng cửa năm 1968 khiến đảo Poveglia một lần nữa bị bỏ hoang. Không có gì ngạc nhiên khi câu chuyện về những nạn nhân chết vì dịch hạch và bệnh nhân tâm thần bị ngược đãi "ám ảnh" hòn đảo cho tới ngày nay.

Nơi này càng trở nên nổi tiếng hơn sau khi các chuyên gia của chương trình truyền hình ăn khách "Ghost Adventures" của Mỹ tới đây trải nghiệm. Đây vốn là chương trình chuyên điều tra những địa điểm bị cho là ma ám trên thế giới do kênh Travel Channel phát sóng từ năm 2008.

Năm 2014, giới chức tại Venice cố gắng bán đấu giá hòn đảo nhưng thỏa thuận bị thất bại. Ngày nay, du khách có thể tới thăm "đảo ma" mà không bị hạn chế. Nhưng thực tế, số du khách dám đặt chân tới đây rất hạn chế.