Pà Cò - chợ người Mông những ngày giáp Tết

(Dân trí) - Chợ Pà Cò mỗi tuần họp một phiên vào ngày Chủ nhật. Từ lúc gà gáy, bà con người Mông từ các xã Hang Kìa, Pà Cò xa tới vài ba chục cây số đã theo nhau xuống núi đi chợ Pà Cò.

Vì đi chợ không chỉ để mua bán mà giao lưu kết bạn, nên các chị, các cô đều chọn cho mình những bộ váy áo đẹp nhất, mới nhất, màu sắc sặc sỡ.

Ngày xưa bà con đi bộ, đi ngựa nhưng bây giờ thì xe máy cặp đôi, cặp ba chạy vù vù.

Từ ngày đường 6 nâng cấp mở rộng, du khách từ Hà Nội muốn đi chơi chợ Pà Cò rất dễ dàng. Đến bản Cò Chàm, xã Lóng Luông thuộc địa phận huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La rẽ vào khoảng dăm trăm mét là đến cửa chợ Pà Cò.

Nhà báo Đàm Quang ở Đài Phát thanh - Truyền hình Hoà Bình cho biết, bây giờ Pà Cò là chợ thu hút cả người Mông ở ba tỉnh: Hoà Bình, Sơn La và Thanh Hoá.

Nếu như bà con người Mông đi chợ vào ngày Chủ nhật chứ không phải vào các ngày âm lịch hàng tháng như các vùng quê thường thấy, thì Tết đầu năm của người Mông cũng gần trùng với Tết dương lịch, thường sớm hơn Tết âm lịch độ một tháng.

Đông nhất vẫn là khu váy áo. Người Mông Trắng, Mông Hoa, Mông Đen đều có cách ăn mặc khác nhau .
Đông nhất vẫn là khu váy áo. Người Mông Trắng, Mông Hoa, Mông Đen đều có cách ăn mặc khác nhau .

Bởi vậy phiên chợ ngay từ đầu tháng 12 dương lịch đã rộn ràng không khí chuẩn bị cho Tết của người Mông. Tết gia đình nào cũng lo cho con em mình những bộ váy áo mới cho nên khu váy, áo, vải, sợi, khăn, chăn, gối… gần như chiếm trọn khu trung tâm của chợ.

Pà Cò - chợ người Mông những ngày giáp Tết - 2
Đứng quan sát, dễ thấy người bán người mua không cò kè bớt một thêm hai mà mua bán khá chóng vánh.
Đứng quan sát, dễ thấy người bán người mua không cò kè bớt một thêm hai mà mua bán khá chóng vánh.

Có những quầy hàng chỉ chuyên bán váy áo màu đỏ, vàng, có những quầy chỉ chuyên bán váy áo màu xanh, đen... Nhiều quầy bán thổ cẩm dệt tay hết sức công phu cùng những con chỉ màu, những hạt cườm long lanh để chị em mua về tự may.

Người Mông đi chợ, họ đi thành từng nhóm, đặc biệt là các nhóm nữ thanh niên ăn mặc rất đẹp nhưng rất ngại để cho người lạ chụp ảnh. Đứng quan sát, dễ thấy người bán người mua không cò kè bớt một thêm hai mà mua bán khá chóng vánh.

Chợ Pà Cò đến giờ cũng phản ánh rõ bộ mặt của một số nghề thủ công truyền thống đặc sắc, phục vụ đắc lực cho cuộc sống hàng ngày như: Nghề dệt vải lanh, in hoa văn bằng sáp ong, nghề rèn, làm đồ mộc... và một nghề mà sản phẩm của nó không thể thiếu trong cuộc sống tâm linh của đồng bào đặc biệt là ngày Tết, đó là giấy. Giấy có thể làm bằng cây dướng, tre hoặc rơm rạ để cúng và cắt dán lên các công cụ lao động trong dịp Tết để cầu may.

Nghề rèn và nghề đan lát mây tre cũng thu hút khách từ xa đến. Tôi xem thử cái thớt gỗ nghiến cũng tới 500.000đồng, cái ghế mây đan 200.000 đồng.

Khu đồ bán mây tre đan thu hút người mua.
Khu đồ bán mây tre đan thu hút người mua.
Ở đây có bán cả những chiếc bẫy thú, mà anh bạn tôi thì cứ lăn tăn mãi về việc cho bán loại bẫy này liệu có vi phạm luật cấm săn bắt động vật hoang dã.
Ở đây có bán cả những chiếc bẫy thú, mà anh bạn tôi thì cứ lăn tăn mãi về việc cho bán loại bẫy này liệu có vi phạm luật cấm săn bắt động vật hoang dã.

Từng nghe tiếng người Mông rèn giỏi, bạn tôi mua kỷ niệm con dao đút trong cái võ gỗ cũng ngót nghét vài trăm nghìn đồng. Ở đây có bán cả những chiếc bẫy thú, mà anh bạn tôi thì cứ lăn tăn mãi về việc cho bán loại bẫy này liệu có vi phạm luật cấm săn bắt động vật hoang dã!

Là người từng công tác trong ngành Phát thanh - Truyền hình, tôi rất quan tâm đến khu bán hàng điện tử, băng đĩa nhạc. Thật đáng mừng khi thấy ở chợ có quầy hàng bày bán các loại máy thu thanh như Masan ICF F100, Sony Sw 701… đó là những loại radio có 3-5 băng tần từ sóng trung đến FM khá tốt hiện nay.

Hỏi một anh thanh niên đang thử nghe một cái radio, sao không mua tivi mà mua máy thu thanh, anh nói: “Cái tivi mình không mang lên rừng đi làm nương được. Nó cũng không theo mình đi chợ được”.

Quay sang quầy băng đĩa nhạc, nhiều băng ca nhạc tiếng Mông do nước ngoài sản xuất khá bắt mắt. Vì không biết tiếng Mông nên chẳng biết nội dung thế nào. Không biết có ai quan tâm quản lý nội dung các loại băng đĩa trôi nổi này? Đó cũng là điều băn khoăn của chúng tôi.

Đã gần trưa, tôi thấy đói bụng mới tìm đến khu thực phẩm. Chợ ở đây không thấy món thắng cố như ở Lào Cai, Hà Giang mà có nhiều loại bánh, kiểu bánh cuốn miền xuôi và bánh dày, cơm lam.

Chợ cũng có những quày bán các loại cá khô buôn từ đồng bằng lên và sản phẩm vùng núi như măng, nấm, các loại khoai, gừng, rau quả do bà con các xã mang đến. Nhưng có lẽ phiên chợ giáp Tết người ta quan tâm đến gà là con vật mà nhà nào cũng phải có để cúng.

Theo tập tục, người Mông cúng lợn, gà sống trong chiều tất niên, sau đó làm thịt để đón giao thừa vào lúc có tiếng gà gáy sáng. Người Mông quan niệm con gà sống gọi ông mặt trời lên báo hiệu một ngày bắt đầu một năm mới tốt đẹp. Bởi vậy ai cũng muốn chọn cho mình những con gà sống tốt nhất. Nghe nói giờ đây khi cuộc sống khấm khá, nhiều người còn kỳ công đi tìm gà rừng về cúng Tết. Hôm ấy ở chợ có đôi gà rừng ra giá triệu rưỡi, người mua đã trả đến 1 triệu đồng mà chưa thấy bán.

Hình ảnh những người phụ nữ Mông dắt ngựa chở chồng say khướt trở về nhà giờ hầu như ít thấy, mà những chiếc xe máy chở cả nhà vượt núi trở về sau phiên chợ là khá phổ biến.

Người phụ nữ ngóng chờ chồng về bản xa hơn 30km bằng xe máy.
Người phụ nữ ngóng chờ chồng về bản xa hơn 30km bằng xe máy.

Tôi cũng lại thấy lo lo khi những người lái xe đã vui bạn bè đầy những bát rượu ngô quanh chợ! Hỏi một chị đang bế con ngồi ở cửa hàng xe máy trên đường Lóng Luông chị chỉ cười: “Nhà xa lắm hơn 30 cây số đường núi chênh vênh, nhưng quen rồi chồng mình đi tốt mà”.

Nguyễn Lương Phán

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm