Nữ "phượt thủ" đạp xe hơn 3 nghìn km, hai tháng chỉ tiêu hết vài trăm nghìn
(Dân trí) - Trong 6 tháng qua, Lãn Nguyên Huệ Trang đã đi 3.153 km từ Hà Nội vào Quảng Nam bằng xe đạp, dọc đường đi cô ăn ngủ nhờ nhà dân, trải nghiệm cuộc sống ở từng vùng đất mà cô đặt chân đến.
Lãn Nguyên Huệ Trang, cô gái trẻ đến từ Hà Nội đã tạm gác lại công việc, thực hiện hành trình xuyên Việt bằng xe đạp để được trở về với thiên nhiên và tìm lại chính mình.
Đi để khám phá bản thân
Sau 6 tháng chuẩn bị, Trang quyết định xuất phát vào sáng ngày 19/5/2020, ngày sinh nhật Bác. Trước ngày lên đường, cô hồi hộp vì không biết ngày mai mình sẽ ngủ ở đâu, đặt chân đến vùng đất nào nhưng Trang có bí quyết để củng cố, trấn an bản thân và bắt đầu chinh phục hành trình của mình với tâm trạng vui, phấn khích và một chút "ngông".
“Đây là một chuyến đi trở về với thiên nhiên, cũng là trở về với tâm hồn của mình”, Trang chia sẻ mục đích của hành trình này.
Hành trình xuyên Việt của cô gái trẻ bao gồm 2 chặng: Chặng 1 là Hà Nội - Cà Mau bằng xe đạp. Chặng 2 là đi bộ từ Hà Nội lên miền núi phía Bắc (Đông Bắc đến Tây Bắc).
Trang cho biết, cô chọn đi bộ ở hành trình 2 bởi cô muốn chậm lại, lắng tĩnh khi hiện diện trước thiên nhiên, tình yêu đó chính là nhà, là quê hương.
Nữ “phượt thủ” vừa đi vừa trải nghiệm, đến nay, cô đã đạp xe qua 9 tỉnh: Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và hiện đang ở Quảng Nam.
Tốc độ bình thường là 2 tỉnh một tháng, tuy nhiên đợt dịch Covid-19 vừa rồi, Trang trú ở Huế 1,5 tháng và ở Đà Nẵng 1 tháng để tránh bão lũ.
Dành 6 tháng để chuẩn bị cho chuyến đi
Để có chuyến đi an toàn, hiệu quả nhất, Trang đã dành 6 tháng để chuẩn bị, trong đó: 2 tháng để lên danh sách các điểm đến phù hợp với bản thân, nghiên cứu bản đồ cho cung đường đi xuôi một chiều, không bị đi vòng lại giữa các điểm đến.
Hai tháng tiếp theo, cô học cách sửa xe, học võ… còn 2 tháng cuối ,Trang mua xe và tập đạp, nhưng cũng không được nhiều vì thời gian đó Hà Nội giãn cách do dịch Covid-19.
“Đây là lần đầu tiên mình đi xa, trước đó mình không có nhiều hiểu biết về lĩnh vực thể thao hay mạo hiểm. Mình tập võ và thực hiện các kế hoạch cho đi hết quần áo, sách vở,... vì mình không ở nhà một thời gian dài thì những thứ đó nếu cứ ở lại sẽ rất hoài phí”, Trang cho biết.
Trang mang theo hành trình xuyên Việt những thứ thiết yếu: Quần áo, 1 cuốn sách, 1 cuốn vở ghi chép, đồ ăn khô dự trữ, đồ phượt (lều bạt, áo phản quang, đèn pin, bộ sửa xe mini…), đồ tự vệ, đồ dùng con gái (kem chống nắng, sữa rửa mặt, chống muỗi,…), tiền, giấy tờ, điện thoại/đồ công nghệ.
“Trước kia chẳng có lý do gì để làm thế cả, giờ thì đây là cuộc sống của mình, mình vui, rất khoái chí nằm trên vỉa hè, dưới tán cây xanh mướt”, Trang nhớ lại ngày đầu tiên trải tấm vải ngủ trên vỉa hè.
Dọc đường đi, “phượt thủ” gặp rất nhiều khó khăn về thay đổi thời tiết, hỏng xe, môi trường sống và cả bị... gạ tình. Những ngày đầu đạp xe dưới trời nắng như đổ lửa, da cô đỏ ửng, bỏng rát. Đường đi nhiều sỏi đá nên xe đạp bị thủng săm liên tục, nhờ chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người đã gửi lốp và săm mới cho cô thay để đi tiếp hành trình.
“Điều kiện hoàn cảnh sống trên đường thì rất đa dạng, mình tự thấy bản thân thích nghi rất tốt, mọi người sống được, mình cũng sống được. Và quan trọng là có tình người thì mọi thứ đều trở nên ấm áp”, Trang bộc bạch.
Tháng đầu xuyên Việt chỉ tiêu hết 85.000 đồng
Trang cho biết, cô không muốn chuyến đi của mình quá dễ dàng, ăn hàng quán, ở nhà nghỉ. Vì vậy, số tiền cô mang theo cho chặng 1 từ Hà Nội - Cà Mau là 3 triệu đồng.
“Gần như mình sẽ chỉ dùng tiền cho việc ốm đau, hỏng xe hoặc mua vé tham quan (nếu không xin được). Mình hạn chế tối đa nhu cầu của bản thân. Và mình đã hoàn thành khá tốt chỉ tiêu trên. Tháng đầu tiên mình tiêu 85.000 đồng, tháng thứ 2 là 210.000 đồng”, Trang kể lại.
Toàn bộ chuyện ăn và ngủ cô nhờ vào nhà dân bên đường, có nhiều gia đình còn mua bánh, luộc trứng, tặng sữa cho cô mang theo ăn trưa, thậm chí còn được những người anh, người chị mới quen mời đến dự đám cưới.
Trên trang cá nhân của mình, cô cũng thường xuyên cập nhật thông tin, hình ảnh về hành trình. Tại Quảng Nam, Trang cùng những người bạn vận chuyển quần áo từ thiện lên huyện Đông Giang, đi từ làm thiện tại bệnh viện Quế Sơn, chở sách vở quyên góp được cho các em học sinh ở vùng lũ lụt…
Suốt hành trình từ Hà Nội vào Quảng Nam, ngoài cảnh đẹp của các vùng miền đất nước, điều khiến Huệ Trang ấn tượng nhất là tình cảm, tấm lòng chân tình của người người dân địa phương. Trang đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người, cả về hiện vật lẫn tiền mặt.
“Mọi người tặng mình tiền, lều, bạt cách nhiệt, túi ngủ, cục sạc, lốp, săm xe đạp…Tổng kết lại thì nhờ tiền mọi người ủng hộ, tính đến nay 3 triệu của mình vẫn còn nguyên, thậm chí ngân sách còn tăng thêm”, Trang chia sẻ.
Thời gian tới, sau khi kết thúc hành trình đến với Đất Mũi Cà Mau bằng xe đạp. Huệ Trang sẽ tiếp tục hành trình đi bộ từ Hà Nội lên các tỉnh miền núi phía Bắc. Cô gái trẻ nhận ra: “Đây là một cuộc sống phong phú, vô vàn sự kiện màu sắc, mình được học qua trực tiếp trải nghiệm đầy sống động, chứ không phải chỉ ngồi bên bàn giấy và nhìn ra ngoài cuộc sống qua ô cửa sổ bé tí tẹo”.