Chàng nhiếp ảnh gia đi xuyên Việt 43 ngày đêm để... chụp ảnh rác
(Dân trí) - Gần 7000 km xuyên Việt, hơn 3000 bức ảnh chụp rác trong 43 ngày đêm ròng rã là những con số không tưởng về cuộc hành trình theo dấu rác thải nhựa của nhiếp ảnh gia Lekima Hùng.
Nhưng hơn cả câu chuyện về người đàn ông “săn” rác, người ta nhìn thấy từ hành trình của anh tiếng kêu thảm thiết của những cửa biển đang bị bức tử, nơi loài người vẫn hàng ngày ngâm mình trong rác.
“Con người quăng rác thải nhựa xuống những dòng sông, hay ra những cửa biển và nghĩ rằng rác đã tránh xa cuộc đời họ. Nhưng không phải vậy, đến một ngày nó sẽ quay lại trong hình hài khác, nguy hiểm hơn cho chính chúng ta và cho con cháu của chúng ta.” – Câu chuyện về hành trình “săn” rác được bắt đầu bằng lời khẳng định kiên quyết nhưng cũng đầy trăn trở của người đàn ông luôn thấy mình như “mắc nợ” với thiên nhiên, anh Lekima Hùng.
Lekima Hùng tên thật là Nguyễn Việt Hùng (sinh năm 1977). Nhiều năm nay, mọi người biết đến anh là một nhiếp ảnh gia, một người thầy nhiệt huyết của nhiều thế hệ đam mê nhiếp ảnh.
Tháng 1/2019, anh Nguyễn Việt Hùng trở thành nhiếp ảnh gia đầu tiên thực hiện hành trình xuyên Việt kéo dài 43 ngày đêm, chụp hàng nghìn bức ảnh về thực trạng kinh hoàng của rác thải nhựa dọc đường bờ biển Việt Nam. Từ đó, người ta gọi anh là “anh Hùng chụp rác”.
6879 km theo dấu rác thải nhựa
Bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về rác thải đặc biệt là rác thải nhựa cách đây 3 năm. Anh Hùng nhận ra mối nguy hại khủng khiếp của “ô nhiễm trắng” (ô nhiễm do túi nilong gây ra cho môi trường) từng ngày len lỏi trong cuộc sống của người dân Việt Nam. Nó đã và đang cướp đi sự sống của nhiều sinh vật biển và nguy hiểm hơn, có thể là sinh mạng của chính con người.
Với đôi mắt của người làm nhiếp ảnh lâu năm, hiểu được sức lay động sâu sắc của những bức ảnh, anh Hùng mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé từ khả năng, chuyên môn của mình vào việc ghi nhận thực trạng đang xảy ra trên dọc bờ biển Việt Nam.
Sau gần một năm ấp ủ, một năm tích lũy kiến thức về môi trường, nghiên cứu địa hình Việt Nam, cũng như chuẩn bị tài chính, đầu tư máy móc thiết bị… tháng 8 năm 2018, anh Nguyễn Việt Hùng bắt đầu hành trình “săn” rác của mình.
Hành trình của anh được chia làm hai chặng chính. Trong đó, chặng 1 kéo dài suốt 33 ngày đêm. Ở chặng này, anh xuất phát từ Hà Nội tới Ninh Bình, từ đó bám theo đường bờ biển và đất mũi Cà Mau. Sau đó lại đi dọc biển tới Hà Tiên (Kiên Giang), giáp biên giới Campuchia rồi quay về TP.HCM và gửi xe bay trở ra Hà Nội. Tổng quãng đường chặng 1 khoảng 5879 km.
Chặng 2 là hành trình khám phá vùng biển phía Bắc trong 10 ngày, tổng quãng đường khoảng 1000 km. Bắt đầu từ tháng 12/2018, anh đi tiếp từ Hà Nội xuống Nam Định và dọc biển của 3 tỉnh thành còn lại là Thái Bình, Hải Phòng (qua đảo Cát Bà) và Quảng Ninh tới mũi Sa Vỹ - Địa đầu tổ quốc.
Trên chiếc Yamaha cũ, anh Hùng xuất phát cùng với 3 thùng đồ chở thiết bị gồm máy ảnh; flycam; GoPro,… đồ y tế và vật dụng cá nhân. Do đi xe máy vào địa hình phức tạp, có thể gặp mưa gió dễ ngã nên anh phải dùng hộp đựng đồ nghề chụp ảnh chuyên dụng, loại có khả năng chống va đập và chống nước.
Ngoài quần áo bảo hộ, anh Hùng dùng thêm bảo hộ cho chân, tay. Quần áo cá nhân chuẩn bị đủ cho 7 ngày có thể giặt một lần.
Đường đi nhiều đoạn khó khăn và phải di chuyển cả trên cát nên bên cạnh túi sơ cứu, anh không quên mang theo 1 chiếc còi và luôn đeo nó trên cổ, phòng trường hợp gặp chuyện bất trắc khi không còn đủ sức để kêu cứu, anh sẽ thổi chiếc còi báo hiệu cho người xung quanh đến giúp.
Dù đã chuẩn bị kỹ về cả kiến thức và tinh thần, những trong hành trình chụp rác của mình, anh Hùng vẫn phải đối diện với không ít khó khăn thậm chí là những lần nguy hiểm đến tính mạng.
Anh Hùng kể lại: “Một thân một mình đi qua nhiều đoạn đường vắng, lắm lúc anh cũng thấy sợ. Nhớ có lần từ Phan rang đi Cà Ná, đường tối sập không một bóng người, lúc đó gió còn thổi mạnh nghiên cả xe, trong khi một bên là vách núi, bên kia là bờ biển tối đen. Anh không nhìn được phía trước là gì, chỉ biết lao đi theo cảm tính.”
Trong suốt hành trình gần 2 tháng, anh Hùng gặp nhiều vụ tai nạn trên quốc lộ, thậm chí có cả người chết ngay trước mắt. Đối diện với những rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào, nhưng khi tiếng gọi của môi trường thôi thúc, anh lại thấy mình như “mắc nợ” với thiên nhiên, những nỗi sợ hãi trở nên nhỏ bé.
Anh Hùng bảo: “Chuyến đi cũng làm tôi nhận ra chính bạn chứ không ai khác sẽ là người đưa bạn tới nơi bạn muốn, khi bạn thấy khó khăn thực ra chỉ là do nỗi sợ hãi đã lớn hơn mong ước của bạn thôi.”
Dường như môi trường và những năm tháng lăn lộn cùng… rác đã tôi luyện anh trở thành một chiến binh. Một “chiến binh diệt rác” đầy bản lĩnh, sẵn sàng tạm gác mọi công việc, bất chấp mọi khó khăn để thực hiện một hành trình mà ở thời điểm đó, nhiều người cho nó là điên rồ.
3000 bức ảnh chụp rác - Lời kêu cứu từ những cửa biển đang bị “bức tử”
Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng kết thúc hành trình xuyên Việt với hơn 3000 bức ảnh chụp rác. Nhưng không chỉ là ảnh, anh còn mang về theo đó những ám ảnh không dứt về thực trạng báo động của rác thải nhựa trên vùng biển Việt Nam.
Cậu nhóc lọt thỏm trong khoảng không. Không biết đâu là biển, đâu là “biển” rác
Hình ảnh ở sông Hậu (Sóc Trăng), đoạn cửa sống chuẩn bị đổ ra biển có người đàn ông đang ngâm mình tắm giữa những túi rác trôi lềnh bềnh, đầu vẫn còn xà phòng.
Từng khoảnh khắc được tái hiện trong mỗi bức ảnh gắn với từng câu chuyện cụ thể. Một phần của bức tranh môi trường biển Việt Nam hiện lên chân thực trước mắt người xem và qua đó, người ta còn “nghe” thấy tiếng kêu cứu thảm thiết từ những cửa biển đang bị bức tử.
Một khu chợ Tuy Phong (Khánh Hòa) người ta không còn nhìn thấy cát trên biển mà chỉ thấy những bãi rác khổng lồ. Một cảng Sa Kỳ (Lý Sơn) nơi thùng rác duy nhất là mặt biển hay một khu rừng ngập mặn ở Nam Định trơ trọi giữa “biển” túi nilong…Tất cả hiện lên trước mắt anh, ngỡ ngàng như thể nó không tồn tại trong sự thật. “Không thể hiểu được. Không thể tin nổi vào mắt mình” – anh Hùng vẫn sửng sốt khi kể lại.
Một cậu bé vượt qua bãi biển đầy rác để mang đồ lên thuyền ở thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong (Bình Thuận). Anh Hùng kể, buổi tối ở đây có những con chuột cống to “khủng”, bồ lồm ngồm kiếm ăn quanh đống rác.
Người dân thản nhiên phơi hải sản ngay gần khu vực ngập ngụa rác ở Cần Giờ, TP.HCM
“Những đứa trẻ đang chơi đùa trên rác; những người đàn ông ngâm mình trong rác hay nhưng khu dân cư đang sống chung với rác. Tôi đã tự hỏi con người đã và đang làm gì với chính cuộc sống của mình?” – Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng chia sẻ.
Cả con kênh đổ ra biển Bình Thuận, ken đặc rác gần như không thể nhìn thấy dòng nước chảy.
Trong hành trình của mình, một trong những vùng biển khiến anh Hùng ám ảnh nhất là khu vực xã Chí Công (huyện Tuy Phong, Bình Thuận), nơi có hàng trăm km rác thải trong đó chủ yếu là rác thải nhựa.
Người dân ở xã Chí Công chủ yếu làm nghề đánh bắt và buôn bán hải sản. Do vậy chợ hải sản ở đây trở thành nguồn xả rác kinh hoàng. Đi bộ dọc trên bờ biển này nhiều khi chân thụt lún sâu trong rác toàn túi nilon.
Chợ hải sản trở thành nguồn xả rác kinh hoàng ở đây, biến đường bờ biển trở thành chiếc thùng rác khổng lồ. Những khu chợ to, nhỏ được cấp phép hoặc tự phát bên bờ biển thuôc xã Chí Công, người dân kinh doanh đều sử dụng chủ yếu túi nilong để giao dịch. Nguy hiểm hơn, túi nilong sau đó sẽ quăng ngay ra sát biển, họ đã chấp nhận sống chung với rác như thế trong rất nhiều năm nay.
Ông Nguyễn Lương, người phụ trách lò đốt ở đảo Bình Ba (Khánh Hòa) đang dùng chân đẩy rác xuống dưới. Đây là một đoạn sườn dốc của đảo, bên dưới là bãi tắm và vinh nuôi tôm hum, thủy hải sản.
Việc xử lý rác thải khu vực ven biển Việt Nam đến nay vẫn là ẩn số, bởi những thói quen trong sinh hoạt của người dân khó có thể thay đổi một sớm một chiều. Tại xã Bình Châu nơi có cảng Sa Kỳ dẫn ra đảo Lý Sơn nổi tiếng Quảng Ngãi, người dân thản nhiên coi biển là nơi chứa rác của… gia đình.
Bình Châu không có thùng rác, từ hộp sữa nhỏ đến những bịch rác to tất cả đều được chút xuống biển như thể biển là cỗ máy khổng lồ mang rác tránh xa cuộc sống của họ.
“Khi được hỏi tại sao không để rác vào thùng, người dân ở đây cho biết thùng rác duy nhất chỉ có ở cảng Sa kỳ. Còn ở đây, cửa biển chính là bãi đổ rác của họ” – Anh Hùng kể lại.
Và không chỉ có Bình Châu hay Chí Công, rất nhiều những cửa biển khác trên dọc miền đất nước vẫn đang hàng ngày bị bức tử bởi rác thải nhựa.
Một khu rừng đã chết khô ở biển Quất Lâm, Nam Định trở thành “móc treo” rác mỗi lần sóng đánh vào bờ. (Tháng 12/2018)
Vẫn là khu rừng đó, sau 3 tháng nhiếp ảnh gia Lekima Hùng cùng các bạn nhỏ trở lại đây trực tiếp dọn sạch đoạn bờ biển ngập rác.
“Mỗi việc nhỏ chúng ta có thể làm sạch và bảo vệ đại dương hôm nay có thể chỉ là giọt nước giữa biển cả bao la. Nhưng đại dương sẽ ít đi nếu thiếu những giọt nước ấy.” – Đó là tất cả những gì mà anh Hùng muốn gửi gắm cho cộng đồng sau hành trình dài 43 ngày đêm của mình.
Tất cả chúng ta không phải ai cũng đủ khỏe để đi xuyên Việt và đủ giỏi để ghi lại những bức hình về rác. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể mơ cùng một giấc mơ với Lekima Hùng về hành trình mang rác thải nhựa dời xa cuộc sống con người chỉ với những hành động nhỏ như thay thế ống hút nhựa bằng các loại ống hút tái sự dụng hoặc hạn chế dùng túi nilong khi mua sắm…
Thanh Thúy
Ảnh, video: NVCC