"Nín thở" chờ mốc mở cửa toàn bộ, Việt Nam cần làm gì để có khách đến?
(Dân trí) - Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, việc khôi phục chính sách miễn thị thực là vấn đề cốt lõi giúp Việt Nam "hút" khách quốc tế.
Bên lề cuộc họp về việc chuẩn bị mở cửa toàn bộ du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, còn rất nhiều việc phải thực hiện đồng bộ khi chúng ta tiến dần tới mốc 15/3 tới. Trong đó, việc khôi phục chính sách miễn thị thực là vấn đề cốt lõi giúp Việt Nam "hút" khách quốc tế.
Chỉ còn ít ngày nữa, chúng ta sẽ tiến tới mốc quan trọng 15/3 mở cửa toàn bộ du lịch, những nhiệm vụ nào mà ngành du lịch cần phải làm ngay lúc này để "khi mở cửa là có khách trở lại" thưa ông?
Có rất nhiều công việc đồng bộ mà chúng ta cần phải triển khai ngay từ bây giờ đến lúc đó. Các bộ ngành liên quan phải phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch hoàn thiện phương án đón khách quốc tế, đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, phải rà soát lại toàn bộ quy định liên quan theo chức năng nhiệm vụ của từng ngành để đảm bảo hoạt động du lịch được diễn ra bình thường.
Thứ 2 là việc chuẩn bị cơ sở vật chất phải đáp ứng được nhu cầu mở cửa, đón khách trở lại.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải xây dựng được các sản phẩm du lịch mới phục vụ nhu cầu của khách trong bối cảnh mới. Đây là vấn đề quan trọng, tạo sức hấp dẫn và nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương cũng như cho du lịch Việt Nam.
Công tác truyền thông, xúc tiến du lịch cần đổi mới, triển khai trên nền tảng số; việc đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách cũng cần phải có sự chuẩn bị.
Tất cả các nhiệm vụ này phải hoàn thiện chu đáo, rốt ráo để đến trước mốc 15/3, chúng ta có bản hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, địa phương kết nối lại thị trường, khai thác được các nguồn khách quay trở lại Việt Nam.
Ông cho rằng chính sách miễn thị thực có vai trò như thế nào trong việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam?
Trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, một trong những động lực để Việt Nam thu hút được 18 triệu lượt khách quốc tế, ngoài nỗ lực xúc tiến quảng bá, thì cơ chế chính sách đóng vai trò quan trọng. Trong đó, việc miễn visa đã tạo điều kiện thuận lợi để du khách đến Việt Nam du lịch.
Việt Nam trước đây đã miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ. Song do dịch bệnh bùng phát từ năm 2020, Chính phủ đã có Nghị quyết ngừng thực hiện cơ chế miễn visa này.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã chính thức mở cửa trở lại, chúng ta cũng đã có những điều kiện đảm bảo an ninh, an toàn thì một trong những vấn đề cốt lõi cần phải khôi phục chính là chính sách miễn visa.
Đây là điều rất quan trọng để chúng ta có thể nâng cao được năng lực cạnh tranh cũng như tạo sức hấp dẫn thu hút khách quay trở lại Việt Nam. So sánh với một số nước trong khu vực, họ cũng đang có những chính sách rất cởi mở tạo điều kiện cho khách du lịch. Với chủ trương mở cửa du lịch của Chính phủ, việc áp dụng chính sách visa là một điều kiện rất tốt để Việt Nam nâng cao năng lực, hiệu quả trong việc đón khách trở lại.
Sau khi mở cửa toàn bộ du lịch vào ngày 15/3 tới, việc xác định các thị trường mục tiêu có thay đổi gì không khi nhiều nước Đông Bắc Á - thị trường khách quan trọng của Việt Nam hiện nay đều đóng cửa, thưa ông?
Chúng ta sẽ mở cửa đón khách quốc tế theo các điều kiện, phương án, lộ trình mà Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đã đề xuất, ngoài ra chúng ta cũng căn cứ vào điều kiện thực tế theo các quy định của từng quốc gia, thị trường mục tiêu để có những ưu tiên ngắn hạn, dài hạn.
Trước mắt, chúng tôi cho rằng, chúng ra sẽ hướng vào những thị trường không có những quy định quá chặt chẽ trong công tác cách ly khách sau khi đi du lịch Việt Nam trở về, thứ nữa là những thị trường đã có những động thái mở cửa, thu hút khách quốc tế đến, tạo điều kiện cho khách đi du lịch trở lại. Chúng tôi sẽ có những nghiên cứu cụ thể để từ đó có những chính sách, chiến lược cụ thể thu hút khách phù hợp ở từng thị trường.
Việt Nam đã đón khoảng 9 nghìn khách quốc tế có hộ chiếu vắc xin theo chương trình thí điểm trong 4 tháng triển khai. Đây là một nỗ lực của ngành du lịch nhưng nếu so sánh với các nước xung quanh thì vẫn là một con số khiêm tốn. Đơn cử như Thái Lan họ chỉ cần 4 ngày là đón lượng khách quốc tế tương đương chúng ta trong 4 tháng, thưa ông?
Trước hết, mỗi một quốc gia có những quy định xuất nhập cảnh và có những ưu tiên các lĩnh vực phục hồi khác nhau. Ngành du lịch Thái Lan đóng góp trên 20% vào GDP, chính phủ Thái Lan cũng rất quan tâm, ưu tiên việc mở cửa đón khách quốc tế. Từ tháng 7/2021, Thái Lan đã triển khai chương trình "Hộp cát Phuket", đây là một trong những điểm đến đầu tiên mở cửa đón khách trên thế giới nên rất được quan tâm. Ngoài ra, dịch vụ, du lịch của Thái Lan cũng rất phát triển. Việc họ đi trước, đón lượng khách quốc tế nhiều hơn Việt Nam đã được dự tính trước và không bất ngờ.
Tại Việt Nam, từ khi thực hiện chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế chúng ta đã đón được 9 nghìn khách du lịch.
Đáng chú ý, chỉ trong 9 ngày Tết Nhâm Dần, ngành du lịch đã phục vụ 6,1 triệu lượt khách nội, tổng thu là 25 ngàn tỷ đồng.
Dù chưa phải là con số lớn nhưng là sự nỗ lực của toàn ngành, đây là con số rất đáng khích lệ. Chúng ta đang tích cực triển khai nhiều hoạt động phục hồi du lịch, kết nối các thị trường khách, xúc tiến quảng bá du lịch. Thời gian qua, lượng khách quan tâm, tìm kiếm về đường bay, lộ trình, thời gian mở cửa của Việt Nam tăng vọt. Những kết quả đã đạt được trong thời gian qua sẽ là tiền đề, động lực giúp du lịch Việt Nam phục hồi trong thời gian tới.
Vậy chúng ta đặt mục tiêu như thế nào cho ngành du lịch trong năm 2022, thưa ông?
Năm nay, chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp với các bộ, ban ngành, địa phương đặt mục tiêu phục vụ 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 60 triệu lượt khách nội địa, khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu 400 ngàn tỷ đồng.
Đây là con số khá tham vọng. Chúng tôi hy vọng với sự nỗ lực, phối hợp của nhiều đơn vị, ngành du lịch sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra, lấy lại đà tăng trường, phục hồi cho toàn ngành.
Xin trân trọng cảm ơn ông!