Người dân tiếc nuối khi thiếu vắng cây cổ thụ trước Nhà thờ Lớn

Lại Diễm Quỳnh

(Dân trí) - 3 tuần sau khi cơn bão Yagi càn quét, cây cổ thụ trăm tuổi bị đổ trước Nhà thờ Lớn đã được dọn dẹp mang đi, để lại nhiều tiếc nuối cho du khách.

Từng là điểm check-in nổi tiếng của người dân, du khách khi ghé thăm Hà Nội, cây cổ thụ lớn trên con phố Nhà Chung đã đổ gục trước ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Kiến trúc Pháp xưa, kết hợp cùng bóng cây cổ thụ, những tán lá xanh tốt và rễ cây vươn dài tạo nên nét đặc trưng chỉ Hà Nội mới có.

Người dân tiếc nuối khi thiếu vắng cây cổ thụ trước Nhà thờ Lớn - 1

Cây cổ thụ xanh mướt bao trọn phía trước Nhà thờ Lớn là địa điểm nhiều cặp đôi lựa chọn để chụp ảnh cưới. Ảnh chụp trước khi cơn bão số 3 đổ bộ (Ảnh: Minh Anh).

Giờ đây, mọi người vẫn có thể ghé đúng vị trí để chụp lại những tấm hình lưu niệm, nhưng lại thiếu đi sự có mặt của cây cổ thụ lớn - nhân chứng sống của Hà Nội - qua nhiều năm nay.

Thanh Trà (23 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Hà Nội đang ở những ngày đẹp nhất, đi dọc theo con phố nhà thờ, không thấy hình ảnh của hai cây đại thụ nữa, tôi thấy tiếc nuối vô cùng. Không biết phải đến khi nào, mới có thể trồng được những cây cổ thụ với tán lá rộng, in hằn vết thời gian như thế".

Người dân tiếc nuối khi thiếu vắng cây cổ thụ trước Nhà thờ Lớn - 2

Cây cổ thụ bị gió bão quật đổ để lại khoảng trống trước Nhà thờ Lớn (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).

Chung một niềm tiếc nuối, ông Phan Hoàng Hà (64 tuổi, Hà Nội) - người dân sống lâu năm, chứng kiến nhiều sự lớn lên của hai cây cổ thụ - bày tỏ: "Từ khi cây cổ thụ bị dọn dẹp, tôi hàng ngày đi làm, trông cửa hàng cảm thấy trống vắng, như mất đi một người bạn. Không còn cây, tôi mất đi bóng râm mát, chỗ uống nước chè hàng ngày".

Ông Hoàng Hà nói thêm, cây cổ thụ thuộc loại rễ chùm, lại bị một cây khác cộng sinh lên, cuốn quanh, lấy dinh dưỡng để sống nên khi gặp bão to, cây dễ dàng bị gãy đổ.

"Có thể thân cây đã bị mục rỗng, là nơi trú ngụ của nhiều loại côn trùng, cũng may là cây đổ hôm trời bão, không có người qua lại nên không gây thiệt hại về con người", ông Hà nói.

Người dân tiếc nuối khi thiếu vắng cây cổ thụ trước Nhà thờ Lớn - 3

Người bảo vệ hy vọng khoảng trống của cây cổ thụ sẽ sớm được trồng cây bổ sung (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).

Cùng nằm trên trục phố Nhà Chung, một cây cổ thụ khác thuộc thân gỗ sồi cũng đã được dọn dẹp, chỉ còn gốc trơ trụi. 

Trước đó, do ảnh hưởng của bão Yagi, mưa lớn kèm theo gió mạnh đã khiến nhiều người đi đường ở Hà Nội bị gió quật ngã. Hàng loạt cây xanh cũng bị bật gốc và đổ rạp khắp các tuyến phố.

Chia sẻ với báo chí về công tác khôi phục cây xanh tại Hà Nội, ông Nguyễn Thế Công - Phó Giám đốc Sở Xây dựng - cho biết, thành phố dự kiến sẽ có 3.500-4.000 cây xanh có khả năng hồi sinh, bao gồm hơn 100 cây thuộc nhóm cây quý hiếm, cây cổ thụ và cây di sản được bảo tồn.

Trong số đó, có 9 cây sưa đỏ có giá trị cao, cùng với 94 cây thuộc nhóm cây di sản, bảo tồn, như sanh, si, đa, đề, tập trung chủ yếu tại khu vực Hồ Gươm và các di tích lịch sử.

Hiện tại về cơ bản, đường phố Hà Nội được dọn dẹp sạch sẽ, không còn tàn dư của cơn bão số 3. Người dân thủ đô đã sớm ổn định đời sống, kinh doanh trở lại. Hy vọng trong thời gian sớm nhất, "lá phổi xanh" của Hà Nội sẽ sớm được hồi phục, tiếp tục làm đẹp cho thành phố.