Nghề đúc lưỡi cày trên phía đỉnh trời
(Dân trí) - Để chế tác một chiếc lưỡi cày, những người thợ rèn Mông phải khá vất vả. Họ phải có kinh nghiệm, kiên trì mới tạo nên những chiếc lưõi cày phù hợp với địa hình của những nương ruộng bậc thang. Vì thế chỉ có người Mông mới rèn ra những lưỡi cày như thế…
Suốt mùa đông dài đến trung tuần tháng 2 dương lịch hàng năm là lúc nông nhàn đối với bà con nông dân các dân tộc thiểu số vùng cao khí hậu lạnh giá nên vụ chính bắt đầu từ tháng ba, tháng tư. Thời điểm nông nhàn cũng là lúc hầu hết các lò rèn của người Mông đỏ lửa.
Nghề đúc lưỡi cày của người Mông xuất hiện từ từ khá lâu, được truyền từ đời này sang đời khác. Những nghệ nhân rèn người Mông thường được sinh ra trong những gia đình có nghề rèn truyền thống. Ở những gia đình như thế, từ lâu lắm rồi, người con theo cha vào rừng tìm cây gỗ cho than tốt để rèn. Cho đến nay, đã trở thành nghề truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa của người Mông.
Công đoạn tiến hành làm xong một chiếc lưỡi cày khá vất vả, đòi hỏi người làm nghề phải có kinh nghiệm, sự kiên trì, bền bỉ mới tạo nên những chiếc lưõi cày tốt, phù hợp với địa hình nương ruộng bậc thang ở vùng cao miền núi.
Những người làm thợ rèn lâu năm ở Mèo Vạc cũng cho rằng, để rèn được lưỡi cày thật tốt phải có bí quyết riêng. Điều quan trọng là tìm được loại thép tốt để rèn, tạo cho lưỡi cày độ bền để khi va vào đá không hề hấn gì. Do đó, khâu tuyển chọn nguyên liệu để rèn lưỡi cày phải hết sức kỹ càng. Họ thường tận dụng các loại phụ tùng ô tô đã cũ. Tuy nhiên, để rèn được một lưỡi cày tốt, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm trong nung thép. Thép được đưa vào lò nung phải đủ thời gian, lưỡi cày mới cứng và bền.
Có nhiều loại cây cho than để rèn, song phổ biến là cây dẻ chua. Dẻ chua có mùi chua đặc biệt ở phần lõi và đun rất khó cháy. Người Mông chọn những cây dẻ chua già để hầm than. Đây là công việc công phu và tỉ mỉ.
Vì có bí quyết riêng nên lưỡi cày của họ rèn ra những loại quốc, xẻng, dao phát đặc biệt là lưỡi cày rất sắc bén mà người. Ngoài kỹ thuật đúc, rèn, đất nguyên liệu làm lên lò đúc cũng đóng vai trò quan trọng quyết định đến sản phẩm của họ. Chẳng thế mà họ thường ví von: “Đất có lẫn sỏi đá cứng bao/lưỡi cày ta lật xới tơi hết/cuốc, xẻng người Mông ta cũng không mẻ”.
Trước đây người Mông thường lấy nhíp xe ô tô, lò xo, mảnh bom để làm nguyên liệu chế tác các sản phẩm rèn. Những nguyên liệu đó vốn dĩ đã tốt, qua bàn tay tài hoa của thợ rèn Mông bỗng chốc biến thành những công cụ hết sức hữu dụng. Đó là những sản phẩm rất đa dạng nhỏ bé tinh xảo như bộ cò súng kíp, lưỡi dao gặt lúa nương cho tới lưỡi cày.
Lưỡi cày của người Mông nhỏ và có mũi hơi cong, khi cày nếu có va vào đá, người ta chỉ cần nâng nhẹ cày lên rồi quay trái hoặc quay phải là được. Theo kinh nghiệm của người Mông, chiếc lưỡi cày nào càng cày càng bóng, ít mòn là thép tốt. Thường tay cày tốt nhất được bà con làm bằng gỗ nghiến. Trên địa hình đá núi, chiếc cày phải được thiết kế sao cho gọn, nhẹ, nhưng lại phải chắc, bền.
Vượt qua quãng đường dài 20km gập gềnh, lởm chởm đá núi từ trung tâm thành phố với gần 2 giờ đồng hồ đi bằng xe máy, bạn sẽ đến được phiên chợ Xín Cái, huyện Mèo Vạc. Bà con gọi đây là phiên chợ lùi, bởi mỗi phiên họp sau lại được lùi lại một ngày so với phiên chợ trước. Hàng hóa ở đây nhiều và phong phú chẳng kém gì dưới xuôi, nhưng có một mặt hàng không thể thiếu đó là chiếc lưỡi cày.
Người nông dân miền núi phía Bắc coi chiếc lưỡi cày như người bạn thân thiết, nên mỗi khi năm hết tết đến, được nghỉ ngơi sau một năm ròng làm lụng vất vả, họ không quên dán tờ giấy bản vào chiếc lưỡi cày, với dụng ý thông báo lưỡi cày được nghỉ ngơi.