Mở cửa du lịch đảm bảo an toàn, không cứng nhắc
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, không phân biệt người Việt Nam và người nước ngoài trong chống dịch. Việc mở cửa cần đảm bảo an toàn, không áp dụng cứng nhắc tại các địa phương.
Phát biểu tại hội nghị "Triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả" chiều 15/3 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, mở lại du lịch quốc tế phải đặt trong bối cảnh chúng ta mở lại toàn bộ hoạt động kinh tế, giao thương. Đặc biệt, không phân biệt người Việt Nam và người nước ngoài trong chống dịch.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh yếu tố đảm bảo hoạt động du lịch an toàn, đây là yêu cầu tiên quyết và quan trọng cho thành công của chiến dịch mở cửa lại du lịch quốc tế. Công tác triển khai mở cửa cũng cần linh hoạt, thích ứng với điều kiện của từng địa phương, không áp dụng cứng nhắc kế hoạch mở cửa giống nhau khi các địa phương còn có cấp độ dịch khác nhau.
"Việt Nam chính thức mở lại giao lưu, giao thương quốc tế từ ngày 15/3, như trước khi có dịch Covid-19, nhưng kèm theo một số giải pháp quản lý kiểm soát rủi ro, có biện pháp tối thiểu để giữ an toàn cho tất cả mọi người", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, Việt Nam cũng như các nước khác, mở cửa du lịch không có nghĩa là khách đến ngay mà đây là một quá trình phục hồi tính bằng nhiều tháng. Mốc 15/3 được chọn là thời điểm mở cửa quốc tế cũng đã được tính toán, xem xét rất thận trọng.
Chúng ta đã có kinh nghiệm 2 năm chống dịch. Năm 2020, Việt Nam là điển hình chống dịch thành công trên thế giới. Trong năm 2021, dịch bệnh đã có những diễn biến hết sức phức tạp. Chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình ở Bắc Ninh, Bắc Giang, nhưng sau đó dịch bùng phát tại TPHCM và các tỉnh phía nam, có những thời điểm thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát của hệ thống y tế.
Sau khi dịch bệnh được khống chế, Chính phủ đã có Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, không vượt ngưỡng đáp ứng của hệ thống y tế, giảm thiểu số ca nhập viện, số tử vong. Đây là cơ sở để Việt Nam thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Liên quan đến vấn đề miễn thị thực cho khách nước ngoài, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, chính sách cấp thị thực nhập cảnh cho khách nước ngoài được áp dụng như khi chưa có dịch.
Việc kiểm soát y tế đối với du khách nhập cảnh không có sự phân biệt với người Việt Nam. Thời gian tới, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần tích cực đấu nối, xúc tiến mở lại các hoạt động du lịch như trước khi có dịch.
Chia sẻ với những khó khăn chưa từng có của các doanh nghiệp du lịch, nhất là những hộ dân tham gia làm du lịch trong 2 năm dịch bệnh vừa qua, Phó Thủ tướng mong muốn, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch, nhất là những doanh nghiệp lớn, cùng với người dân cùng nhau khơi lại tinh thần sáng tạo để làm tốt hơn nữa các khâu xúc tiến, quảng bá, sản phẩm, tạo môi trường du lịch…
"Chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh, cần khơi lại tinh thần sáng tạo, có những bước tiến mạnh mẽ, bù lại khoảng thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh", Phó Thủ tướng bày tỏ.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, quyết định mở cửa trở lại du lịch quốc tế với các biện pháp mạnh mẽ được triển khai từ ngày 15/3/2022 là hết sức quan trọng, đúng thời điểm, được đưa ra trên cơ sở những nền tảng vững chắc trong quá trình chúng ta ứng phó với dịch bệnh. Việt Nam có tỉ lệ tiêm chủng cao, có các biện pháp kịp thời trong tiếp cận thuốc và các phương pháp điều trị. Bên cạnh đó là sự đồng lòng và ý thức của người dân.
"Chúng ta đã bước sang một giai đoạn mới trong ứng phó với dịch bệnh, có thể có khả năng và tự tin mở cửa, đón du khách quốc tế đến Việt Nam", Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nói.
Với vai trò và tầm quan trọng của ngành du lịch đối với nền kinh tế, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho rằng việc mở cửa để phục hồi, "vực dậy" ngành du lịch sau giai đoạn hết sức khó khăn hơn hai năm qua, đồng thời tạo đà bứt phá trong thời gian tới, có ý nghĩa cấp thiết hơn bao giờ hết.
Hỗ trợ phục hồi và đẩy mạnh du lịch chính là góp phần thiết thực thực hiện các mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.