Loại lê ở "thiên đường suối nước nóng" của Nhật được khách Việt săn lùng
(Dân trí) - Vài năm gần đây, những vườn lê Oita ở Nhật Bản là điểm đến thu hút du khách khắp thế giới. Loại lê này cũng được nhiều du khách Việt ưa thích tìm tới thưởng thức hay mua làm quà.
Oita nằm ở phía Đông của hòn đảo Kyushu, khu vực của Nhật Bản có khoảng cách gần với Việt Nam nhất. Nơi đây được mệnh danh là thiên đường suối nước nóng và thủ phủ của trái lê.
Những năm gần đây, Oita thu hút nhiều du khách Việt bởi cảnh quan ấn tượng, những suối nước nóng lớn nhất thế giới, các mùa hoa rực rỡ quanh năm như cải vàng, anh đào, đỗ quyên, tử đằng… và mùa lê Oita thơm ngon nổi tiếng.
Trái lê Oita căng bóng, mọng nước, ngọt lịm và ngào ngạt hương thơm. Theo tìm hiểu, những khu vực trồng lê được bao bọc bởi dãy núi lửa Aso - Kuju và được ban tặng nguồn nước thiên nhiên dồi dào. Hai dòng sông chảy qua tỉnh, mang theo nước sạch từ các ngọn núi để nuôi dưỡng vườn cây trái sum suê.
Đặc trưng của lê Oita là được trồng tại thung lũng bao quanh bởi núi non. Nơi này có mức chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lên tới 20-25 độ C, một điều kiện quan trọng để lê phát triển mạnh và cho ra trái lớn, giòn và ngọt. Chủng lê Atago của thương hiệu lê Oita từng đạt kỷ lục với 2,5kg/2 trái.
Ngoài hương vị, lê Oita phải được chăm sóc kĩ lưỡng để trái thật to, đẹp, "tròn như trăng rằm". Để làm được điều đó, giai đoạn thụ phấn rất quan trọng.
Theo các kĩ sư nông nghiệp tại đây, cuối tháng 4, cây lê sẽ ra hoa, cần thụ phấn cẩn thận bằng cả phương pháp thủ công và máy móc.
Thụ phấn đúng cách sẽ tạo ra hạt lê bên trong quả, giúp trái lê sẽ to và tròn. Nếu lê không có hạt, hình dạng sẽ bị méo.
"Chăm bón đất là công đoạn rất quan trọng để trồng lê ngon. Tùy theo giai đoạn mà chúng tôi bón các loại phân phù hợp giúp đất màu mỡ. Thời gian trồng lê là một năm. Những người nông dân sẽ dành phần lớn thời gian ở ngoài vườn quan sát và chăm sóc từng trái lê. Đó là cách duy nhất để trồng lê ngon", vị kĩ sư nông nghiệp cho biết.
Sau khi thu hoạch, lê được đưa đến trung tâm phân loại kỹ thuật cao. Tại đây, lê được kiểm tra kích cỡ, hình dạng và độ ngọt. Khâu phân loại và đóng gói cũng được đầu tư với nhà máy rộng hàng nghìn m2, chứa máy móc hiện đại cùng quy trình vận hành nghiêm ngặt.
Loại lê này được ưa chuộng tại Nhật và được xuất bán ra nhiều nước. Những quả lê được lựa chọn, vận chuyển cẩn thận và đưa đến các trung tâm thương mại cao cấp tại Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam, Singapore…
Theo Phòng Phát triển nông nghiệp và Bộ phận xúc tiến xuất khẩu nông sản tỉnh Oita, sản lượng lê Oita năm nay ước đạt 3.000 tấn.
Hiện nay tại Việt Nam có bán chủng lê Hosui, kích cỡ từ 300-450gram/trái, giá khoảng 400.000-500.000 đồng/kg. Một chủng lê Oita đắt đỏ hơn là Niitaka, trọng lượng từ 600-800gram/trái, từng đạt giải thưởng danh giá cho sản phẩm nông nghiệp xuất sắc của Nhật, có giá dao động từ 600.000-800.000/kg.
Ảnh: Phòng Phát triển nông nghiệp và Bộ phận xúc tiến xuất khẩu nông sản tỉnh Oita