Cầu đá nghìn nhịp lộ diện khi hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc khô cạn
(Dân trí) - Hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc đang khô cạn bất thường khiến cây cầu đá nghìn nhịp với tuổi đời 400 năm hoàn toàn lộ diện.
Thời tiết nắng nóng và lượng mưa thấp khiến cây cầu đá 400 năm tuổi lộ diện hoàn toàn trên đáy hồ Bà Dương nứt nẻ. Đó là cầu đá Qianyan dài nhất bắc qua mặt hồ, nằm ở huyện Đô Xương, tỉnh Giang Tây.
Với chiều dài khoảng 2.650m và gần 1.000 nhịp, công trình được xây dựng từ thời nhà Minh (1368 - 1644), còn tồn tại tới ngày nay. Nó còn được coi là hiện vật lịch sử quan trọng.
Cầu Qianyan được làm từ đá granit, là một trong số khoảng 1.000 cây cầu đá tương tự ở thời Minh, xây vào năm 1631. Hồ Bà Dương chính thức bước vào mùa khô năm nay từ ngày 6/8. Đây cũng là thời điểm sớm nhất kể từ năm 1951 đến nay.
Những cảnh quay được nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc chia sẻ hôm 30/8 cho thấy, công trình lộ diện hoàn toàn khi hồ nước ngọt này khô cạn bất thường. Trong khi đó, vào các mùa khác trong năm, hầu như cầu bằng đá này đều chìm dưới nước.
Trước đó, năm 2016, chính quyền địa phương đã phân bố các quỹ đặc biệt để phục vụ tu bổ công trình. Hiện cầu Qianyan là một trong những cổ vật có giá trị văn hóa lịch sử quan trọng, thu hút khách du lịch tới chiêm ngưỡng.
Hồ Bà Dương nằm giữa vùng đồi núi hiểm trở của tỉnh Giang Tây. Đây là hồ nước ngọt có diện tích bề mặt rộng nhất Trung Quốc với chiều dài nam - bắc đạt 173km, chiều rộng hướng đông - tây đạt 74km, mực nước sâu trung bình 8,4 m.
Được ví như "quả thận" đóng vai trò điều phối nước sông Trường Giang, nhưng năm nay, nắng nóng kỷ lục kéo dài hơn 70 ngày kết hợp với hạn hán kéo dài khiến hồ nước bị "thu nhỏ" hơn bình thường.
Reuters đưa tin, hiện diện tích bề mặt nước của hồ chỉ còn bằng 1/5 so với cách đây vài tháng. Vào đời nhà Đường, hồ nước ngọt này từng đạt kích thước kỷ lục với diện tích bề mặt lên đến 6.000km2.
Hiện hồ Bà Dương còn là nơi sinh sống của những loài chim di cư và là điểm tham quan cho những ai ưa thích muốn tìm hiểu. Vào mùa đông, hồ là nơi sinh sống của loài sếu Siberia cực kỳ nguy cấp. Ước tính, khoảng 90 % quần thể loài này tới đây trú đông.