PhotoStory

Khám phá Viện Pasteur hơn 130 tuổi ở TPHCM

Thực hiện: Trần Đạt - Ngà Trịnh

(Dân trí) - Trải qua 132 năm nhưng Viện Pasteur TPHCM dường như không bị ảnh hưởng bởi những biến động của không gian và thời gian. Viện là một trong những công trình kiến trúc cần được bảo tồn của thành phố.

Khám phá Viện Pasteur hơn 130 tuổi ở TPHCM - 1

Năm 1891, nhà Khoa học Louis Pasteur và học trò của ông Albert Calmette đã lên ý tưởng xây dựng Viện Pasteur Sài Gòn (L'Institut Pasteur de Sai Gon). Đây là Viện Pasteur duy nhất tại Đông Dương và là chi nhánh đầu tiên đặt ngoài nước Pháp thời bấy giờ. Năm 1976 Viện đổi tên thành Viện Dịch tễ học. Năm 1979 thì đổi tên thành Viện Pasteur TPHCM.

Khám phá Viện Pasteur hơn 130 tuổi ở TPHCM - 2

Viện có tổng diện tích trên 24.000m2, được vây quanh bởi 4 con đường Võ Thị Sáu, Pasteur, Trần Quốc Toản và Nam Kỳ Khởi Nghĩa. 3 dãy nhà chính được thiết kế hình chữ U. Khuôn viên nằm ở giữa có diện tích là 5.000m2. Các khu nhà mới như nhà khách, nơi khám bệnh đều được thiết phù hợp với kiến trúc của các dãy nhà chính, tạo nên một tổng thể hài hòa. 

Theo anh Huy - nhân viên ở Viện Pasteur cho biết, vào năm 2022, ba tòa nhà chính đã được sơn và cải tạo mới (Ảnh: Ngà Trịnh).

Khám phá Viện Pasteur hơn 130 tuổi ở TPHCM - 3

Mỗi dãy nhà chính có diện tích là 1.800m2 được thiết kế với kiến trúc đặc trưng của Pháp. Điều dễ thấy nhất là các vòm cửa, lá sách bằng gỗ là điểm nhấn kiến trúc làm nổi bật toàn bộ công trình.  

Phần mặt tiền của tòa nhà được thiết kế rất nhiều cửa sổ hỗ trợ cho việc lấy gió, che mưa, che nắng cho tòa nhà. Theo bản Khảo tả di tích của Phòng Văn hóa di sản, số lượng cửa sổ của từng lầu được bố trí theo số lượng nhất định; tầng hầm có 7 cửa sổ , tầng trệt có 9 cửa sổ và tầng lầu có 11 cửa sổ. Tổng con số này là 27, hai số này cộng lại với nhau thành 9. Trong phong thủy của người Việt, con số 9 tượng trưng cho an lành, thuận lợi và hạnh phúc.

Khám phá Viện Pasteur hơn 130 tuổi ở TPHCM - 4

Kiến trúc các cửa vòm mặt trước sử dụng phong cách Roma. Một điểm đặt biệt là phía trên các cửa này trang trí gạch Merselle màu đỏ tươi, tạo điểm nhấn cho cả tòa nhà.

Khám phá Viện Pasteur hơn 130 tuổi ở TPHCM - 5

Điểm nổi bật nhất trong kiến trúc của Viện Pasteur đó là thiết kế bán hầm. Phần hầm này không nằm dưới lòng đất mà nửa ở trên, nửa dưới đất. Phần nổi của tầng hầm xây bằng đá kiên cố. Thêm vào đó, hầm vẫn được trang bị cửa sổ hỗ trợ lấy ánh sáng và gió. Lối vào hầm nằm ở mặt sau chứ không phải ở mặt trước tòa nhà. Tầng hầm này hiện nay vẫn được sử dụng.

Theo ông Phạm Thành Nam - Trưởng phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể Thao TPHCM) cho biết, căn hầm không sợ bị nước ngập và ẩm thấp là do Viện nằm ở vùng đất cao. Người Pháp làm bán hầm là vì thiết kế này giúp hầm có nhiệt độ ổn định và mát mẻ hơn tầng trệt. Nơi đây phù hợp với việc đặt các máy móc, lưu trữ các mẫu vật và tài liệu khoa học.

Khám phá Viện Pasteur hơn 130 tuổi ở TPHCM - 6
Khám phá Viện Pasteur hơn 130 tuổi ở TPHCM - 7

Mái lợp ngói vẩy cá và bậc thang dẫn vào sảnh chính với số lượng 10 bậc tạo điểm nhấn cho Viện.

Khám phá Viện Pasteur hơn 130 tuổi ở TPHCM - 8

Khi bước vào bên trong tòa nhà, ta sẽ thấy một hành lang rộng khoảng 2m, nội thất các phòng đơn giản, rộng rãi, sàn nhà lót gạch trắng đen bắt mắt.

Khám phá Viện Pasteur hơn 130 tuổi ở TPHCM - 9
Khám phá Viện Pasteur hơn 130 tuổi ở TPHCM - 10
Khám phá Viện Pasteur hơn 130 tuổi ở TPHCM - 11

Cầu Thang được thiết kế theo phong cách nghệ thuật Baroque - là sự giao thoa hoàn hảo của tính cân xứng với những đường nét uốn lượn. Dù trải qua bụi thời gian nhưng những chiếc cầu thang này vẫn giữ được vẻ đẹp ban sơ và chắc chắn.

Khám phá Viện Pasteur hơn 130 tuổi ở TPHCM - 12

Phía bên ngoài khuôn viên của tòa nhà trồng rất nhiều cây cổ thụ trên 100 năm tuổi. "Cây sọ khỉ này đã có hơn 100 năm rồi, đến giờ vẫn tươi tốt", ông Long - nhân viên chăm sóc vườn chia sẻ.

Khám phá Viện Pasteur hơn 130 tuổi ở TPHCM - 13

Năm 2015, Viện Pasteur TPHCM đã được UBND TPHCM công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cần được bảo tồn. Theo đó, quyết định của UBND TPHCM cũng nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở khu vực di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh phải được sự chấp thuận của Chủ tịch UBND thành phố.