Du lịch Triều Tiên có gì lạ: Cho khách xem nhà máy sản xuất, ngân hàng

Huy Hoàng

(Dân trí) - Du khách không thể tới đây tự túc mà phải mua tour qua công ty lữ hành được cấp phép với thời gian 5 ngày 4 đêm. Đi theo đoàn, khách không cần xin visa nhờ giấy phép nhập cảnh một lần đặc biệt.

Ngày 16/1, Triều Tiên chính thức mở cửa trở lại đặc khu kinh tế Rason - thành phố biên giới thuộc phía Đông Bắc và đón khách du lịch trở lại sau 5 năm khép kín vì đại dịch.

Theo đó, khu vực này cho phép công dân của hầu hết các nước trừ Mỹ và Hàn Quốc nhập cảnh.

Tuy nhiên, du khách không thể tới đây tự túc mà phải mua tour qua công ty lữ hành được cấp phép như Young Pioneer Tours và Koryo Tours. Đây là 2 công ty du lịch Trung Quốc chuyên tổ chức các tour đưa khách tới Triều Tiên.

Du lịch Triều Tiên có gì lạ: Cho khách xem nhà máy sản xuất, ngân hàng - 1

Một góc không gian của thành phố biên giới Rason (Ảnh: North Korea Travel).

Với các tour này, du khách sẽ có lịch trình tham quan kéo dài 5 ngày 4 đêm, đi cùng hướng dẫn viên của công ty du lịch và hướng dẫn viên địa phương theo sát hành trình. Nếu đi theo đoàn, khách Trung Quốc không cần xin thị thực nhờ giấy phép nhập cảnh một lần đặc biệt vào Triều Tiên.

Thành phố Rason tiếp giáp biên giới với Nga và Trung Quốc, từng là điểm đến đông khách du lịch trước khi nơi này bị đóng lại vào tháng 1/2020 do đại dịch.

Đại diện công ty lữ hành Young Pioneer Tours mô tả thành phố Rason hoạt động có điểm khác so với phần còn lại của Triều Tiên.

Đây là nơi tự do hơn một chút, mang tới cho du khách cơ hội được tận mắt chứng kiến những hoạt động kinh doanh của đất nước này. Đó là các chuyến tham quan đưa khách tới tìm hiểu các nhà máy sản xuất, cảng biển, trường dạy ngoại ngữ, trường dạy võ Taekwondo, ngân hàng...

Giữa bối cảnh mở cửa trở lại, Triều Tiên cũng bắt đầu thu hút thêm nguồn khách mới là những người đăng ký tham gia giải chạy Marathon quốc tế Bình Nhưỡng dự kiến tổ chức vào tháng 4. Đây là cuộc thi quốc tế diễn ra thường niên tại Bình Nhưỡng, đã bước sang lần thứ 31.

Du lịch Triều Tiên có gì lạ: Cho khách xem nhà máy sản xuất, ngân hàng - 2

Cô gái Triều Tiên trong trang phục truyền thống (Ảnh: NK News).

Việc mở cửa đặc khu Rason, Triều Tiên còn cho xây dựng khu nghỉ dưỡng rộng gần 250ha nằm ở giữa sân bay mới mở tại bờ biển phía đông. Dự án được xem là một phần trong kế hoạch phát triển du lịch, tạo nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. 

Ông Simon Cockerell, đại diện của hãng lữ hành Koryo Tours, nhận định, thành phố Rason tuy không phải là điểm đến thú vị nhất, nhưng nơi này có nét độc đáo riêng về vị trí địa lý.

"Đây là một khu vực xa xôi, thường được biết tới là địa điểm thử nghiệm kinh tế ở Triều Tiên. Rason cũng là một trong những khu vực đầu tiên ở Triều Tiên triển khai mạng di động. Cũng tại đây, người nước ngoài có thể thực hiện các giao dịch mua bán đất.

Nhìn chung, rất ít khách nước ngoài không phải người Trung Quốc có thể đặt chân tới đây. Vào khoảng năm 2006, tôi là khách du lịch duy nhất tại đây", ông Simon nhớ lại.

Trên trang web chính thức của Koryo Tours, giá tour tới Triều Tiên dự kiến dao động từ 600 Euro đến 1.500 Euro (17 triệu đồng - 42 triệu đồng) một khách, tùy thuộc vào các yếu tố như điểm khởi hành, thời gian, quy mô nhóm khách và cơ sở lưu trú.

Theo số liệu được NK News thống kê, năm 2019, khoảng 350.000 khách Trung Quốc tới Triều Tiên du lịch, mang lại nguồn doanh thu lớn cho Bình Nhưỡng.

"Tôi tin rằng du khách tới Triều Tiên du lịch sẽ nhận được nhiều điều tích cực và mở rộng tầm mắt", ông Simon chia sẻ nhận định.