Khách Việt kể chuyện khóc dở mếu dở trải nghiệm nhà vệ sinh ở Trung Quốc

Việt Hà

(Dân trí) - Có lần sau khi "giải quyết" xong xuôi ở nhà vệ sinh công cộng Hậu mới phát hiện bên trong không có giấy, lại chẳng có vòi xịt như ở Việt Nam nên đành gọi chồng nhờ người cầm giấy vào giúp.

Chuyển tới thành phố Đức Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, sinh sống cùng gia đình nhà chồng từ năm 2019, khi nhìn lại quãng thời gian suốt mấy năm qua, chị Phạm Thị Hậu vui vẻ nói đùa rằng có lẽ "cú sốc văn hóa" lớn nhất là những trải nghiệm khó quên ở nhiều nhà vệ sinh công cộng tại "quốc gia tỷ dân".

Năm 2017, cô gái quê Bình Dương mở một trung tâm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Chẳng ai ngờ đó lại là cơ duyên để chị và anh Ngô Phàm (người Trung Quốc) gặp nhau.

Tình cảm hai bên nảy nở và chỉ 2 năm sau họ quyết định về chung một nhà. Sau khi kết hôn, chị Hậu chuyển về quê chồng sinh sống.

"Ban đầu, điều mình khó thích nghi nhất là ẩm thực quê chồng quá nhiều dầu mỡ và thời tiết vào mùa đông rất lạnh, thậm chí có thể hạ xuống -20 độ C. Nhưng sau 4 năm làm quen và trải nghiệm, dần mọi thứ đã ổn định đi vào quỹ đạo", chị Hậu cho biết.

Du khách Việt trải nghiệm nhà vệ sinh như khách sạn 5 sao Trung Quốc (Nguồn video: Phạm Thị Hậu).

Do đặc thù công việc làm ngành thương mại nên chị Hậu được đi rất nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc, qua đó có cơ hội trải nghiệm vô số loại hình nhà vệ sinh từ Bắc vào Nam. Và những lần như thế khiến vị khách Việt có vô số chuyện "dở khóc dở cười".

"Với tôi, cú sốc lớn nhất là văn hóa nhà vệ sinh ở Trung Quốc. Có lần tôi dùng xong nhà vệ sinh ở một trạm dừng đỗ xe công cộng mới phát hiện bên trong không hề có giấy, lại chẳng lắp đặt hệ thống vòi xịt như nhà vệ sinh ở Việt Nam. Tôi đành cầu cứu chồng nhờ người cầm giấy vệ sinh vào giúp.

Lần khác, tôi tới thăm một nhà máy sản xuất. Đi vào khu vệ sinh ở đây, tôi thấy cảnh bên dưới là một máng nước, phía trên là các ô có vách ngăn nhưng không có cửa để đi vệ sinh. Cạnh đó là một vòi nước chảy từ đầu máng tới cuối máng. Vừa thấy cảnh này, tôi nôn thốc tháo và chạy ra ngay", chị Hậu nhớ lại trải nghiệm khó quên.

Từng sử dụng nhiều các nhà vệ sinh công cộng ở trạm dừng đỗ xe, cô gái Việt nhận thấy đặc điểm chung của những khu WC này thường có mùi khó chịu do số lượng người sử dụng quá nhiều còn nhân viên dọn rửa không xuể. Người Trung Quốc vẫn có thói quen dùng bệ xí xổm vì cho rằng cách này tốt cho hệ tiêu hóa và sạch hơn kiểu dùng chung nắp bồn cầu.

Chị Hậu cho biết, hầu hết các khu WC công cộng đều không cung cấp giấy. Người sử dụng muốn dùng phải tự mang giấy của mình. Một số nơi có lắp khu để giấy vệ sinh nhưng người dùng phải quét mã mua với giá 0,5 đến 2 tệ/lần.

Cũng có những dịp tới vùng nông thôn để du lịch, trải nghiệm, chị Hậu nhận thấy có nơi người dân vẫn giữ thói quen dùng kiểu nhà vệ sinh giống như nông thôn Việt Nam cách đây vài chục năm.

"Tôi có dịp đặt chân tới 4 thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến. Tôi nhận thấy ở đây có hệ thống nhà vệ sinh công cộng đẹp như khách sạn 5 sao.

Khi bước chân vào bên trong, thậm chí không tưởng tượng được đây là khu WC bởi thiết kế ấn tượng, hiện đại. Được biết, Trung Quốc đang đầu tư mạnh tay để cải thiện vấn đề vệ sinh công cộng giúp người dân và du khách có nhiều trải nghiệm tốt hơn", vị khách Việt nói.

Khách Việt kể chuyện khóc dở mếu dở trải nghiệm nhà vệ sinh ở Trung Quốc - 1
Xếp hàng dài chờ vào nhà vệ sinh công cộng.

Do có kinh nghiệm sống nhiều năm ở Trung Quốc, chị Hậu cho rằng khách Việt khi sang đây du lịch nên mang theo khăn giấy và nước rửa tay khô vì đây là hai món đồ rất hữu dụng khi đi WC. Ngoài ra, ăn ở nhà hàng không cần đưa tiền tip bởi đây không phải là nét văn hóa của quốc gia này.

"Nên đi giày thể thao khi sang Trung Quốc vì bạn sẽ phải đi bộ rất nhiều. Nếu có dịp tới tỉnh Sơn Đông, hãy dành thời gian tới Thanh Đảo, thành phố biển được mệnh danh là Thụy Sĩ của Trung Quốc hay núi Thái Sơn, một trong những ngọn núi linh thiêng nhất tại đây", chị Hậu chia sẻ.

Ảnh: Phạm Thị Hậu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm