Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Có gì ở "làng địa ngục" nằm ẩn mình giữa mây trên núi ở Hà Giang
(Dân trí) - Làng Sảo Há ở Hà Giang đang là điểm đến nổi tiếng hút giới trẻ khi được chọn làm bối cảnh bộ phim kinh dị ăn khách "Tết ở làng địa ngục". Từ đó, cái tên "làng địa ngục" cũng gắn bó với nơi này.
Từ lâu, Hà Giang đã trở thành điểm du lịch có tiếng ở cực Bắc của Tổ quốc với những cung đường quanh co hùng vĩ và rất nhiều địa danh hấp dẫn như Núi Đôi ở cổng trời Quản Bạ, đèo Mã Pí Lèng, sông Nho Quế, cột cờ Lũng Cú hay nhà của Pao thôi thúc du khách tới khám phá.
Nhưng ít người biết tới một ngôi làng nhỏ nằm ở xã Vần Chải, huyện Đồng Văn, ẩn mình giữa khu rừng già. Kể từ thời điểm nơi này được chọn làm bối cảnh bộ phim kinh dị "Tết ở làng địa ngục" khởi chiếu hồi cuối tháng 10/2023 và "Kẻ ăn hồn", một bộ phim tiếp nối ra mắt vào tháng 12/2023, làng Sảo Há lại gắn với tên mới là "làng địa ngục".
"Tết ở làng địa ngục" là bộ phim có nội dung xoay quanh một ngôi làng nằm biệt lập với thế giới bên ngoài, ở sâu trong rừng già.
Đây là nơi hậu duệ của băng cướp khét tiếng thuở trước trú ngụ. Nhưng do tội ác của ông cha ngày xưa để lại khiến người dân trong làng gặp hàng loạt chuyện kinh dị xảy ra đúng dịp Tết âm lịch.
Ở ngoài đời thực, làng Sảo Há cũng có những nét tương đồng bởi sự tách biệt với thế giới bên ngoài. Đường lên làng với một bên là vách núi, phía còn lại là vực thẳm nên việc tiếp cận rất khó khăn.
"Chúng tôi vẫn gọi làng Sảo Há là ngôi làng 3 không vì không điện, không nước, không sóng wifi. Trước kia, nơi này gần như không có ai biết tới vì quá biệt lập.
Nhưng theo ghi nhận mới nhất của chúng tôi, làng Sảo Há hiện đã có điện, nước và wifi nhờ một phần do đoàn làm phim kéo lên phục vụ cho công việc, phần khác nhờ các mạnh thường quân từ các nơi tới ủng hộ", anh Phạm Quốc Tiệp, Giám đốc một công ty du lịch ở Hà Giang, chia sẻ.
Anh Tiệp cho biết, muốn tiếp cận ngôi làng này chỉ có thể di chuyển theo hai cách, đi bộ hoặc đi xe máy chứ không thể ngồi ô tô.
Từ trung tâm thành phố Hà Giang, du khách đi theo Quốc lộ 4C qua cổng trời Quản Bạ núi Cô Tiên tới Dốc Thẩm Mã và rẽ vào xã Vần Chải. Tiếp đó, khách di chuyển tới khu vực Khó Chớ rồi hỏi tiếp đường lên làng Sảo Há.
Bắt đầu đoạn đường bê tông phía ngoài tới trung tâm làng cách xa khoảng 2,5km. Đường đi rất nhỏ, gần như phải lên dốc 100% vì làng nằm trên núi cao.
Theo anh Huân, hướng dẫn viên du lịch chuyên tour Hà Giang, người dân sinh sống trong làng đều là đồng bào người Mông. Họ mưu sinh bằng cách trồng cây lanh, ngô, chăn nuôi thêm dê, bò và không có nguồn thu nhập thêm. Bởi vậy, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.
"Hiện trong làng chỉ toàn người già và trẻ nhỏ sinh sống. Thanh niên ở độ tuổi lao động đều chuyển đi nơi khác làm việc. Chúng tôi đã biết tới ngôi làng này từ rất lâu, nhưng chưa có điều kiện tạo ra sức hút với du khách.
Nhờ hiệu ứng bộ phim Tết ở làng địa ngục, nơi này được biết tới nhiều hơn khiến nhu cầu du khách muốn tới làng trải nghiệm rất nhiều", anh Huân nói.
Đặc trưng của làng Sảo Há là những hàng rào bằng đá cao khoảng 1,5m với những viên xếp khít nhau. Nằm trên núi cao quanh năm sương mù bao phủ nên những hàng rào đá cũng phủ đầy rêu xanh.
"Nhiều du khách tới đây thích mê không khí trong làng vì sự trong lành thoáng đáng còn cuộc sống biệt lập với thế giới hiện đại. Tuy vậy nơi này vẫn chưa có các dịch vụ du lịch để hút khách. Muốn trải nghiệm qua đêm trong làng, du khách có thể xin ở lại nhà của đồng bào dân tộc. Họ vẫn vui vẻ đồng ý và thậm chí không thu tiền", anh Tiệp cho biết.
Từng là một nơi hẻo lánh không ai biết tới nhưng đến nay, theo anh Huân, hướng dẫn viên du lịch địa phương, mỗi ngày ngôi làng đón vài chục khách. Vào dịp lễ tết hay cuối tuần, lượng khách có thể đông hơn.
"Ngoài làng Sảo Há, du khách có thể trải nghiệm cuộc sống một số ngôi làng lân cận. Hay trên đường vào làng đôi lúc có chợ phiên của xã Vần Chải", anh Huân nói.
Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, hiện Hà Giang chưa có các tour lên lịch trình đưa khách tới làng Sảo Há. Nhưng một số công ty du lịch cũng có các tour riêng dẫn khách tới trải nghiệm nếu có nhu cầu.
"Từ thành phố Hà Giang vào làng trải nghiệm và ra về sẽ mất khoảng một ngày do đường đi khó khăn. Vào những ngày sương mù ẩm ướt, việc di chuyển càng gặp khó", anh Tiệp cho biết.
Cũng do đường đi không dễ dàng nên anh Tiệp cho rằng du khách muốn trải nghiệm nên tìm những đơn vị lữ hành có uy tín để đảm bảo an toàn.
"Với những khách chưa có kinh nghiệm đi xe máy ở đoạn đường đèo dốc trơn trượt hoặc không biết chọn loại xe đảm bảo, tốt nhất nên đi theo tour có hướng dẫn viên du lịch hỗ trợ để mọi thứ suôn sẻ hơn", anh Tiệp góp ý.
Làng Sảo Há cách trụ sở trung tâm xã Vần Chải khoảng 2 km, là nơi sinh sống của 22 hộ dân tộc Mông. Trước kia, nền kinh tế địa phương chủ yếu phụ thuộc vào trồng trọt và chăn nuôi dê.
Những năm gần đây, làng Sảo Há nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, định hướng gắn với phát triển du lịch vào nhiệm vụ trọng tâm.
Trong định hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Hà Giang đều đưa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch vào nhiệm vụ trọng tâm. Đây cũng là một trong những nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hiện làng Sảo Há được nhiều người biết tới và định hướng trở thành điểm du lịch hút khách trong và ngoài nước.
Ảnh: Phạm Quốc Tiệp